Việc phá bỏ cây cà phê, ồ ạt tăng diện tích trồng sầu riêng theo phong trào mà bất chấp tính toán hiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất đáng lo
Ít tháng trước, anh Lý Thanh Tùng từ nhà ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk sang 2 xã Ea Kly và Vụ Bổn của huyện Krông Pắk mua hơn 4 ha cà phê.
Nông dân TP Đà Lạt thu hoạch cà phê trong vụ mùa cuối năm 2023. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Băn khoăn
Nhận thấy cà phê già cỗi, năng suất thấp, anh Tùng quyết định phá bỏ cà phê trồng sầu riêng kết hợp chanh leo.
Anh lắp hệ thống tưới tự động để 3 ngày tưới 1 lần. Để tránh gió lớn khiến cây đổ ngã, anh mua bao chắn gió.
"Qua theo dõi thì một số vùng đất xấu hơn khu vực tôi mua nhưng sầu riêng vẫn phát triển được nên tôi vẫn hy vọng. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro và lấy ngắn nuôi dài, tôi đã kết hợp trồng chanh leo cùng lúc" - anh Tùng cho hay.
Tại tỉnh Gia Lai, tháng 3-2023, gia đình ông Rơ Châm Ja, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah đã phá bỏ vườn cà phê trồng được 19 năm. Ông Rơ Châm Ja nêu lý do vườn cà phê già cỗi nên năng suất thấp mà chi phí cùng thời gian bỏ ra nhiều, vì thế muốn tìm loại cây khác. Ban đầu, ông tính trồng chanh dây. Tuy nhiên, sợ giá chanh bấp bênh nên ông chọn trồng lại cà phê và xen canh sầu riêng.
Ở Lâm Đồng, anh Thắng, người trồng cà phê ở xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, cũng băn khoăn chuyện lựa chọn cây trồng. Nơi anh sống có tình trạng người dân chặt bỏ cà phê, song họ thay bằng rau màu chứ không như các huyện phía Nam như Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên có độ cao thấp hơn Đà Lạt, sầu riêng phù hợp hơn. "Ở các huyện phía Nam trước đây trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê. Có thể nay giá tốt người ta bỏ đi cà phê để trồng sầu riêng" - anh Thắng phỏng đoán.
Những lưỡng lự, băn khoăn nêu trên là tâm lý khá phổ biến của người trồng cà phê nhiều tỉnh Tây Nguyên.
Người dân Đắk Lắk chuyển đổi cây trồng khác sang trồng sầu riêng. Ảnh: CAO NGUYÊN
Nhiều địa phương khuyến cáo
Bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng Phòng Trồng trọt - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, xác nhận diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn liên tục tăng nhưng chủ yếu là trồng xen. Diện tích cà phê già cỗi, cần tái canh lớn nhưng theo kỹ thuật, khi tái canh phải chờ 3 năm mới trồng lại được nên thời gian này nông dân trồng sầu riêng trước, sau đó xen canh cà phê.
Đi vào cụ thể, theo Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, diện tích sầu riêng đến cuối năm 2023 của tỉnh khoảng 30.300 ha, tăng gần 8.000 ha so với năm trước. Trước tình hình này, UBND tỉnh Đắk Lắk đưa ra nhiều khuyến cáo, chỉ đạo.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) được giao chủ trì rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo, đồng thời, đôn đốc cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý các vùng trồng.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo nông dân không tự mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại vùng mà điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu bất lợi. Không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu đang hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng…
Tại tỉnh Gia Lai, theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 4.200 ha sầu riêng. Theo quy hoạch, đến năm 2030 diện tích sầu riêng mở rộng đến 6.000 ha. Cũng như tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, ngành chức năng khuyến cáo người dân hạn chế mở rộng diện tích sầu riêng một cách ồ ạt tại những vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp.
Trong khi đó, số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, tính đến tháng 9-2023, diện tích sầu riêng toàn tỉnh khoảng 19.700 ha, tăng hơn 6.000 ha so với năm 2021. Trong đó, 10.800 ha đã cho sản phẩm với năng suất 115.000 tấn.
Với diện tích sầu riêng tăng mạnh, sở dự kiến đến giai đoạn 2027-2028, 19.700 ha nêu trên cho khoảng 225.000 tấn, tăng gấp đôi so với hiện nay.
Về cà phê, Lâm Đồng có 173.000 ha. Theo kế hoạch đến năm 2025, diện tích này giảm còn chừng 160.000 ha, sản lượng đạt từ 550.000-560.000 tấn/năm. Tới năm 2030, diện tích giảm xuống 145.000 ha.
Nhằm bảo đảm chất lượng và thương hiệu sầu riêng của địa phương, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã không tự phát chặt phá những loại cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng. Không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây trồng xen với sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần loại cây này.
Đặc biệt, trong thời gian tháng 8-2023, khi giá sầu riêng ở mức cao, đã xảy ra việc tranh mua - tranh bán, nông dân tăng cường phân thuốc ảnh hưởng tuổi thọ cây và chất lượng trái. Vì vậy, sở khuyến cáo các hộ dân, vùng trồng sầu riêng đừng vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ chuỗi cung ứng hợp tác liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, làm ảnh hướng đến chất lượng cũng như thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.
"Chỉ là nhỏ lẻ" (?)
Một lãnh đạo NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết tình trạng phá bỏ cà phê và trồng sầu riêng nếu có diễn ra thì cũng chỉ là nhỏ lẻ ở các huyện phía Nam. Nhiều năm nay, người dân các huyện này đã trồng xen 2 loại cây với nhau, việc phá cây này do già cỗi để trồng cây kia có thể xảy ra.
Vị này nhận định khó có tình trạng người dân quá say sưa với sầu riêng vì giá sầu riêng vừa qua cao nhưng giá cà phê cũng cao nên ít ai phá cây đang cho thu hoạch để trồng mới cây khác.
Cẩn trọng với sầu riêng dù giá cao
Theo Bộ NN-PTNT, diện tích sầu riêng tăng liên tục từ 2010 đến nay, hiện cả nước đạt khoảng 131.000 ha. Trong 2 năm gần đây, diện tích sầu riêng đã tăng hơn 20.000 ha. Việc tăng diện tích ồ ạt nêu trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ngoài nguy cơ cung vượt cầu, được mùa mất giá thì việc trồng thiếu định hướng, tự phát, theo phong trào, trồng trên đất không phù hợp... sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất lẫn chất lượng sầu riêng Việt Nam trong tương lai.