Ngày 14-6, trao đổi với báo chí, ông Ngô Thiệu Phong, Tổng Biên tập Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam
(vov.vn), cho biết đã gửi công văn đề nghị Bộ Công an làm rõ các cuộc tấn công mạng nhằm vào trang báo điện tử vov.vn và nền tảng mạng xã hội của cơ quan này. Việc tấn công đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của tòa soạn và quyền truy cập thông tin của độc giả.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động cùng ngày, một lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết đã nhận được công văn của báo điện tử vov.vn. Hiện A05 cùng một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã vào cuộc điều tra.
Trước đó, từ tối 12-6, việc truy cập vào báo điện tử vov.vn đã gặp khó khăn, đường truyền bị chậm. Đến 12 giờ ngày 13-6, độc giả hoàn toàn không truy cập được vào đường link vov.vn.
Theo bộ phận kỹ thuật của báo điện tử vov.vn, đây là kết quả của cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) làm tràn băng thông, khiến việc truy cập vào báo bị tê liệt. Đồng thời, fanpage của báo cũng nhận hàng chục ngàn bình luận mang tính tiêu cực, công kích. Cơ quan này đã liên hệ với Google và Facebook để xử lý.
Đến ngày 14-6, việc truy cập báo điện tử vov.vn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh chụp màn hình)
Đáng lo là dù đã có nhiều giải pháp kỹ thuật khắc phục sự cố và truy cập bình thường từ tối 13-6 nhưng đến ngày 14-6, việc truy cập vào trang báo điện tử vov.vn vẫn gặp khó khăn, nhiều lúc bị gián đoạn.
Ngoài việc khẩn cấp liên hệ các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp giải quyết, xử lý các đối tượng cố tình tấn công các nền tảng kỹ thuật của một cơ quan truyền thông quốc gia, vov.vn đang rà soát, phát hiện mã độc trong hệ thống, hạn chế hậu quả do các đợt tấn công mạng gây ra.
Được biết, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo Viettel và VNPT gấp rút xử lý việc báo điện tử vov.vn bị tấn công mạng.
Nhìn nhận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi tấn công mạng đối với cơ quan truyền thông quốc gia là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia.
"Hành vi tấn công vào cơ quan phát thanh quốc gia bằng hình thức tấn công trực tiếp hay tấn công mạng đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này, tổn hại đến tài sản, uy tín của cơ quan truyền thông quốc gia. Hành vi trên có dấu hiệu phạm vào tội "Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử", được quy định tại điều 287 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tại khoản 1 của điều luật trên, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, nghiêm trọng hơn, tại khoản 3 của điều luật trên quy định, có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm" - luật sư Đặng Văn Cường phân tích.