Chủ nhật, 27/06/2021,11:37 (GMT+7)
Điều trị đột quỵ tại Cần Thơ
Ðột quỵ, bệnh lý ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Việc cấp cứu, điều trị đột quỵ đòi hỏi các đơn vị y tế phải có chuyên khoa, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; đồng thời, thiết lập quy trình cấp cứu tối khẩn để chạy đua với thời gian, vì từng phút trôi qua, hàng triệu tế bào não của bệnh nhân chết đi. Thời gian qua, các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP Cần Thơ nỗ lực phát triển chuyên khoa đột quỵ, khẳng định năng lực trong cấp cứu và điều trị cho người dân miền Tây.
Khoa Đột quỵ BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ đảm bảo năng lực cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ từ các tỉnh trong vùng. 
 
Mạng lưới BV điều trị đột quỵ
 
Các BV trên địa bàn thành phố hiện nay tiếp nhận điều trị bệnh nhân đột quỵ, gồm: BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, BV Ða khoa TP Cần Thơ, BV Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, BV Ða khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ và BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Trong đó, có BV chuyên khoa về điều trị đột quỵ, có BV có Khoa Ðột quỵ và một số đơn vị chỉ có đơn nguyên điều trị đột quỵ hoặc ghép với các khoa Can thiệp tim mạch, nội thần kinh.
 
TS.BS Hà Tấn Ðức, Trưởng Khoa Ðột quỵ, BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: “BV mặc dù là tuyến cuối của hệ thống y tế miền Tây, tiếp nhận hầu hết bệnh nặng, bệnh khó từ các tỉnh trong vùng, nhưng bệnh tim mạch và đột quỵ não được cấp cứu theo quy trình tối khẩn riêng. Ðơn vị y tế tuyến trước đều liên hệ trước để BV sẵn sàng tiếp nhận bệnh, chuẩn bị các điều kiện thăm khám, chẩn đoán xác định tình trạng, mức độ bệnh để xử trí, can thiệp kịp thời”.
 
Theo TS.BS Hà Tấn Ðức, hiệu quả cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp của các ê-kíp liên quan ở các khoa chuyên môn theo quy trình cấp cứu đột quỵ. Bệnh có nhiều thể, trong đó thể thường gặp nhất, chiếm 80% là tắc mạch máu não, thường gọi là nhồi máu não, thì việc điều trị càng sớm càng tốt, trong thời gian vàng 3 giờ đầu sau khởi phát bệnh. Càng chậm trễ, tiên lượng càng xấu. Khoa Ðột quỵ BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ đáp ứng năng lực điều trị tất cả các dạng đột quỵ, ở giai đoạn cấp. Sau can thiệp, bệnh nhân nhồi máu não tiếp tục được hồi sức, điều trị di chứng, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
 
BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ có lợi thế trang thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu, hồi sức hiệu quả các bệnh đột quỵ nặng, cực nặng, như kỹ thuật lọc máu ngắt quãng, lọc máu liên tục và chạy hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO. Không chỉ hồi sức cho bệnh nhân đột quỵ điều trị nội viện, BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ còn tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ đã điều trị ở nơi khác một thời gian nhưng bệnh không chuyển biến hoặc trường hợp nguy kịch để tiếp tục hồi sức, theo dõi.
 
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ sẽ phát triển thành BV hạng đặc biệt, trong đó có nhiệm vụ phải thành lập các trung tâm chuyên sâu, bao gồm Trung tâm điều trị đột quỵ cho dân miền Tây, với quy mô 50 giường. Hiện Khoa Ðột quỵ BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ có 11 bác sĩ, gồm 1 bác sĩ có bằng Tiến sĩ, 2 bác sĩ CKII và các bác sĩ hơn 2 năm kinh nghiệm, đều được đào tạo sơ bộ chuyên khoa về đột quỵ, hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, BV còn có 2 ê-kíp đã làm chủ được các kỹ thuật can thiệp mạch não cho bệnh nhân đột quỵ và một ê-kíp đang được đưa đi đào tạo. Với những ca bệnh phức tạp, BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của BV Chợ Rẫy và BV 115 để hội chẩn, can thiệp cho người bệnh kịp thời.
 
Từ tháng 4-2019 đến tháng 10-2020, Ðơn nguyên đột quỵ BV Ða khoa TP Cần Thơ thực hiện điều trị 50 trường hợp đột quỵ bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết. BS Phạm Thị Thanh Trúc, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) BV Ða khoa TP Cần Thơ cho biết, người bệnh được điều trị với kỹ thuật này đạt hiệu quả hồi phục bình thường như trước khi phát bệnh khoảng 30%, còn lại có thể hồi phục dần, ngồi xe lăn, chống gậy, tùy tình trạng từng trường hợp. Những trường hợp nhồi máu não có chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết phải còn trong thời gian vàng, dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Sau tiêm thuốc, người bệnh nằm ở ICU, được theo dõi nghiêm ngặt, trong 24-48 giờ đầu cho đến khi bệnh nhân ổn định. Ðối với trường hợp tắc mạch máu lớn, BV sẽ chuyển người bệnh đến BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ can thiệp.
 
Hiện BV Ða khoa TP Cần Thơ đang cử ê-kíp đi học về can thiệp mạch điều trị đột quỵ. Trong khi đó, BV Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ cũng là một trong những địa chỉ điều trị bệnh đột quỵ, đã thực hiện được can thiệp mạch não điều trị đột quỵ, nhưng chưa triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết, chỉ mới đưa người đi học. BV gặp khó về điều kiện cơ sở vật chất, khuôn viên khoa, phòng chật hẹp.
 
Còn ở đơn vị y tế tư nhân, hiện điều trị đột quỵ gồm có BV Ða khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ và BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. S.I.S được xem là địa chỉ “nóng”, khi gần đây người dân trong vùng bệnh đột quỵ thường nghĩ ngay đến BV này, với tên gọi ban đầu là BV Ðột quỵ - tim mạch TP Cần Thơ. TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV cho biết, không thể nào người bị đột quỵ ở miền Tây lên kịp TP Hồ Chí Minh trong 6 giờ đầu sau khởi phát bệnh, họ đối diện với nguy cơ mất tính mạng, mang di chứng tàn phế suốt đời. Vì vậy, BV ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân trong vùng. Năm 2020, S.I.S cấp cứu đột quỵ hơn 2.000 trường hợp, với hơn 1.500 ca đột quỵ não; thực hiện can thiệp não 753 lượt. BV cũng ghi nhận con số đau lòng, chỉ có 23% bệnh nhân đến viện trong “thời gian vàng”.
 
Chia sẻ gánh nặng viện phí
 
Chi phí điều trị đột quỵ, từ khi khởi phát bệnh đến khi được xử trí cấp cứu, can thiệp, hồi sức sau can thiệp đến khi xuất viện, tùy tình trạng, mức độ bệnh. Cô N.T.R (66 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) lơ mơ, mất ý thức, được bác sĩ BV Ða khoa TP Cần Thơ chẩn đoán nhồi máu não, chỉ định can thiệp sử dụng tiêu sợi huyết. Một tuần nằm viện, tổng viện phí 31,5 triệu đồng, được bảo hiểm y tế thanh toán phần lớn, bệnh nhân chỉ đóng hơn 2 triệu đồng.
Người bệnh cảm ơn bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ đã cứu sống bà sau cơn đột quỵ. 
 
Cô N.T.R cho biết: “Tôi già neo đơn, nghèo, con cái cũng nghèo, chỉ đóng mấy triệu đồng nhưng cũng là số tiền lớn với tôi”. Theo các bác sĩ ở BV công lập, đa phần người bệnh đến viện có điều kiện kinh tế trung bình, việc chi trả từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, trên trăm triệu đồng là nỗi ám ảnh đối với gia đình người bệnh. Người bệnh bảo hiểm y tế được hưởng quyền lợi, được đồng chi trả viện phí tương đương tối đa 40 tháng lương cơ sở, tuy nhiên, phần chênh lệch phải đóng cũng là gánh nặng.
 
Trước tình hình người bệnh đột quỵ phải được cứu ngay lập tức giữa lằn ranh sinh tử, các bác sĩ chọn giải pháp tối ưu nhất giúp người bệnh qua cơn nguy kịch còn chi phí tính sau. Ông N.V.N (64 tuổi, ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) bị đột quỵ, liệt nửa người bên trái, được chuyển từ y tế địa phương lên BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ lúc nửa đêm. Các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp cho bệnh nhân, lấy ra nhiều huyết khối ở động mạch não. Sau một tuần can thiệp, ông cử động được tay chân, trò chuyện được. Con trai ông N kể: “Cha phát bệnh, gia đình mượn tiền hàng xóm đem theo đóng viện phí. Cha thoát nạn, cả nhà mừng lắm, nhưng số nợ khiến gia đình lo lắng quá. Nhà không có đất đai, chỉ làm thuê sống. Chúng tôi không dám nói với cha, sợ cha buồn”.
 
Dành nhiều tình cảm cho dân miền Tây, nhất là đối với người bệnh đột quỵ nghèo, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV S.I.S Cần Thơ, cho biết: Mới đây, Quỹ từ thiện của BV ra đời. Thời gian qua, BV chi hơn 5 tỉ đồng giúp cứu chữa cho hơn 500 bệnh nhân nghèo không may đột quỵ. BS Trần Chí Cường chia sẻ thêm, BV miễn phí điều trị cho người bệnh nghèo và cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ hưu trí.
 
Các BV đều có hướng phát triển thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa năng lực điều trị bệnh đột quỵ. Tuy nhiên, trước thực trạng hơn 25% dân số đối mặt với nguy cơ đột quỵ và có xu hướng gia tăng, các bác sĩ chuyên khoa gởi thông điệp tới cộng đồng, đó là thực hiện lối sống tích cực, ăn uống điều độ, thường xuyên vận động, quản lý tốt các bệnh mạn tính, góp phần giảm thiểu nguy cơ. Khi có dấu hiệu đột quỵ, lập tức đưa người bệnh đến viện đúng cách và liên hệ hotline (đường dây nóng) đến các BV có chuyên khoa đột quỵ để được cấp cứu nhanh nhất có thể.
 
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu