Chủ nhật, 24/01/2021,07:20 (GMT+7)
Dinh dưỡng cho trẻ
Mỗi khi nghe con, cháu được khen bụ bẫm, đáng yêu, hầu hết phụ huynh đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chưa hẳn con ăn nhiều, ăn no và bụ bẫm là có thể chứng minh con phát triển đầy đủ về thể chất lẫn trí tuệ.
Ăn no và ngon
Các bé tự chọn món ăn. Ảnh: Trường Mầm non Vàng Anh cung cấp.
Các bé tự chọn món ăn. Ảnh: Trường Mầm non Vàng Anh cung cấp.
 
Chị Nguyễn Thị Hiền, ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, có con trai hơn 3 tuổi. Bé rất thích ăn mì gói. Một lần ăn, bé có thể ăn hết gần 1,5 gói mì. Vì vậy, hễ bé không thích ăn cơm là mì gói được mang ra thay thế. Bà nội bé phân trần: “Cho cháu ăn mì gói còn hơn để cháu bị đói. Hơn nữa, mì gói cũng cung cấp năng lượng đủ cho cháu vận động”. Nhờ vậy, con của chị Hiền vẫn tăng cân đều đặn, bụ bẫm đáng yêu, trở thành hình mẫu của nhiều bà mẹ có con nhỏ trong xóm. Tuy nhiên, chị Hiền phát hiện, gần đây, bé bị táo bón ngày càng nhiều, vài lần chị phải dùng thuốc để kích thích bé đi tiêu.
 
Trong các buổi truyền thông dinh dưỡng do Hội LHPN TP Cần Thơ phối hợp tổ chức, nhiều bà mẹ thống nhất rằng, không chỉ cho con ăn no là đủ mà còn phải ăn ngon. Ăn ngon là cho bé ăn những bữa ăn cân đối dinh dưỡng, đủ các nhóm chất thiết yếu: đạm, bột đường, chất béo và chất xơ, để bé phát triển khỏe mạnh. Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng có thể đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho con. Không ít phụ huynh luôn “đau đầu” vì tình trạng con luôn thích ăn vặt hơn ăn cơm. Vẫn biết rằng, cho con ăn vặt trừ cơm là không tốt, không đủ dinh dưỡng, tuy nhiên, cố gắng ép bé ăn những món không thích có khi… lợi bất cập hại. Vì thế, nhiều phụ huynh rơi vào cảnh “thỏa hiệp” với trẻ. Trẻ ăn món gì cũng được, miễn ăn no là tốt.
 
Chị Mai Thảo, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Từ nhỏ, con tôi không thích ăn thịt, cá và hải sản. Hầu như bé chỉ ăn tinh bột và uống sữa. Thấy bé khó ăn, tôi không nỡ ép. Lúc bé gần 3 tuổi, móng tay, móng chân xuất hiện những vệt trắng theo chiều ngang. Dần dần, móng bị tróc lớp, rụng, rồi mọc móng mới mềm và mỏng hơn. Đến bác sĩ khám mới biết bé bị thiếu kẽm, phải bổ sung vi chất này theo đường uống”. Một số bà mẹ khác cho biết, những lúc đói, bé thường đòi uống sữa lót dạ hoặc đôi lúc vì quá bận rộn, phụ huynh chọn giải pháp cho bé uống sữa thay thế bữa ăn chính. Theo chuyên gia dinh dưỡng, thói quen này lặp đi lặp lại nhiều lần, vô tình khiến trẻ thiếu dinh dưỡng. Mặc dù sữa giàu dinh dưỡng nhưng khi uống lúc đói, nhu động ruột hoạt động mạnh sẽ nhanh chóng đẩy sữa xuống ruột già trước khi cơ thể kịp hấp thu dinh dưỡng ở ruột non. Chưa kể, sau khi uống sữa, trẻ không còn cảm giác thèm ăn nên bỏ bữa ăn chính. Sữa chỉ có thể được hấp thu tốt nhất khi uống vào thời điểm giữa 2 bữa ăn chính.
 
Bí quyết cân bằng dinh dưỡng
 
Theo cô Tạ Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, để cân bằng dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ, các cô sử dụng phần mềm định lượng dinh dưỡng để lên thực đơn hằng tuần, đảm bảo cân bằng 4 nhóm thực phẩm: đạm, bột đường, chất béo và chất xơ. Mỗi ngày các bé khối nhà trẻ và mẫu giáo đều được đảm bảo 3 bữa ăn (sáng, trưa, xế), thêm 1 bữa ăn phụ. Những bé có tiền sử dị ứng với vài loại thức ăn hoặc không ăn được một vài món thì các cô ghi chú cẩn thận để bù bằng loại thức ăn khác với giá trị dinh dưỡng phù hợp. Ngoài ra, để giúp trẻ thêm “hứng thú” với bữa ăn, các cô lồng ghép thực hiện các hoạt động trải nghiệm, như: “Bé tập làm nội trợ”, “Bé trồng rau xanh” hoặc các trò chơi sắm vai mẹ với công việc đi chợ, nấu cơm để bé yêu thích món ăn và ăn ngon hơn. Ngoài ra, các cô khéo léo kết hợp rau củ vào món mặn, bài trí món ăn bắt mắt để giúp trẻ dễ tiếp cận với rau củ, ăn rau củ nhiều hơn. Cô Ánh Nguyệt cho biết: “Từ thực đơn của trường, phụ huynh có thể biến tấu thêm để bữa ăn của trẻ thêm phong phú, hấp dẫn và đủ chất. Đặc biệt, những ngày Tết sắp tới, phụ huynh càng cần chăm chút cho bữa ăn chính của trẻ thật đầy đủ, giúp trẻ hạn chế bánh mứt, nước ngọt để đảm bảo sức khỏe”.
 
Có thể nói, việc cân bằng dinh dưỡng cho trẻ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Thiếu hụt vitamin, khoáng chất hay các nhóm dinh dưỡng thiết yếu đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần chủ động trong việc tìm hiểu, lựa chọn món ăn phù hợp cho trẻ. Và hơn hết là giúp trẻ hứng thú với bữa ăn để ăn ngon và ăn no đúng nghĩa. 
 
M.T - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu