Thứ bảy, 28/11/2020,07:18 (GMT+7)
Định hình bức tranh phát triển chung vùng ĐBSCL
Ngày 26-11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Mang ý nghĩa là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Linh hoạt thích ứng
Vùng ĐBSCL đang hình thành nền nông nghiệp chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở tỉnh Đồng Tháp.
Vùng ĐBSCL đang hình thành nền nông nghiệp chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở tỉnh Đồng Tháp.
 
Để phục vụ việc xây dựng dự thảo Quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã tổ chức 17 hội thảo và 12 cuộc họp chính thức với bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế. Quá trình tham vấn, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chống chịu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn”.
 
Hội nghị lần này tập trung thảo luận 3 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề quy hoạch ĐBSCL. Thứ nhất, nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của ĐBSCL trong giai đoạn tiếp theo. Thứ hai, định vị vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh và trong bối cảnh quốc tế, cụ thể là khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mekong. Thứ ba, sự phù hợp của các định hướng, giải pháp về phát triển ngành lĩnh vực có thế mạnh của vùng, định hướng tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước với đặc điểm, điều kiện đặc thù của ĐBSCL, quan điểm phát triển thuận thiên của Nghị quyết số 120 và tính thích ứng với BĐKH; việc xử lý các xung đột mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
 
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết: Các điểm then chốt cần xem xét là tính dễ tổn thương trước tác động của BĐKH làm trầm trọng thêm các áp lực vùng ĐBSCL đang gặp phải. Các tỉnh trong vùng sẽ có những lợi thế, cơ hội khác nhau, rủi ro trước BĐKH cũng khác nhau. Sự khác biệt về lợi thế so sánh cũng như những rủi ro cần được phân tích để khai thác cũng như thích ứng hiệu quả. Theo bà Carolyn Turk, Chính phủ Việt Nam không nên hướng đến một quy hoạch vùng hoàn hảo mà phải xem đây là một tài liệu sống, thích ứng linh hoạt và có cơ chế đánh giá, cập nhật, điều chỉnh, sửa đổi liên tục. Điều quan trọng là cần phải đảm bảo triển khai hiệu quả vào thực tế, phù hợp với Nghị quyết số 120/NQ-CP “Về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH”.
 
Tháo gỡ những “nút thắt”
 
Ngay từ đầu, các địa phương trong vùng đã tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch ĐBSCL với tư cách là cấp sẽ triển khai thực hiện, hưởng lợi và chịu sự tác động trực tiếp từ bản quy hoạch này. Điều này cần thiết để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những “nút thắt” phát triển, tạo sự đồng thuận cao, hướng tới kết nối giữa quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.
 
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Để đạt mục tiêu đến năm 2050 “đảm bảo trình độ phát triển ít nhất tương đồng với trình độ phát triển chung của cả nước” mà ĐBSCL chỉ “dựa trên cơ sở phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao tại các địa điểm phù hợp, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, đặc biệt là chế biến liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản” thì chưa đảm bảo. Nếu chỉ tập trung vào nông nghiệp và các lĩnh vực khác mà chưa có đột phá về đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch thì các lĩnh vực trên khó phát triển được và ĐBSCL sẽ tiếp tục tụt hậu sâu so với các vùng khác trên cả nước.
 
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng: Khi có đồ án Quy hoạch chung cho toàn vùng, chúng ta sẽ có chung một bức tranh phát triển, có cơ sở quan trọng để liên kết với nhau hiệu quả hơn. Đặc biệt là Quy hoạch lần này gắn với các nguồn lực để triển khai thực hiện, cụ thể là nguồn vốn đầu tư, ngân sách cân đối cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn sắp tới. Khi có bản quy hoạch chung cho toàn vùng tốt, sẽ xây dựng được chương trình thu hút đầu tư kể cả vốn FDI lẫn vốn đầu tư trong nước, có cơ hội tăng tốc phát triển trong thời gian tới. Các địa phương cũng mong muốn đơn vị tư vấn nghiên cứu xu hướng của thị trường thế giới, đánh giá được các sản phẩm tiềm năng mà vùng ĐBSCL có thể cạnh tranh đến năm 2030, 2040, 2050; để có định hướng đầu tư, dịch chuyển theo đúng định hướng thị trường. 
 
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Để đảm bảo thực hiện quy hoạch, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh để cụ thể hóa quy hoạch vùng cũng như trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư và xúc tiến đầu tư của từng địa phương. Định hướng chiến lược chủ đạo của vùng là lấy “con người” làm trọng tâm trên cơ sở xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn, với mật độ dân số phù hợp, trình độ kinh tế và chất lượng cung ứng dịch vụ ngày càng cải thiện, nâng cao lợi thế cạnh tranh của vùng ĐBSCL; qua đó thu hút được các dự án đầu tư có quy mô lớn để tạo nên bước nhảy vọt về phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
 
Bài, ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu