Thứ hai, 06/04/2020,10:30 (GMT+7)
Doanh nghiệp du lịch ứng phó dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều lĩnh vực, nhất là ngành du lịch. Nhiều chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương hạn chế việc tổ chức các lễ hội, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, ngành du lịch gần như “đóng băng” mọi hoạt động. Trước những thử thách này, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP Cần Thơ đã họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Du khách đến Cần Thơ trong tháng 3 giảm nghiêm trọng. Trong ảnh: Nhà cổ Bình Thủy thưa khách trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: K.M  
 
Giai đoạn “đóng băng”
 
Theo số liệu báo cáo từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3-2020 ước đạt 449.923 lượt, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 3 tháng năm 2020, chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tại Cần Thơ, lượng khách giảm đến 47,6% trong 3 tháng đầu năm 2020, trong đó khách lưu trú quốc tế giảm khoảng 31,8%. Các hoạt động lữ hành của địa phương cũng giảm từ 49% (quốc tế) đến 52% (nội địa) so với cùng kỳ năm 2019. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Sau hơn 2 tháng chịu tác động bởi dịch COVID-19, hiện tại ngành du lịch nói chung và Công ty Vietravel nói riêng bị ảnh hưởng rất nặng nề, giảm khoảng 70% doanh thu. Tuy nhiên, để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh, Vietravel đã chính thức dừng mọi tour có ngày khởi hành từ đầu tháng 3 cho đến hết tháng 4-2020. Mặc dù trước đó đã có rất nhiều khách đăng ký tour trong khoảng thời gian này. Như vậy, xem như 2 tháng chúng tôi sẽ mất 100% doanh thu”.
 
Trong giai đoạn “đóng băng” đầy thử thách này, các đơn vị du lịch trên địa bàn thành phố buộc phải có những giải pháp linh hoạt. Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn, Thành viên HĐQT TTC Hospitality, Giám đốc khách sạn TTC Cần Thơ, cho biết: “Từ những ngày COVID-19 bắt đầu tại Việt Nam, TTC Hotel - Cần Thơ cũng như các đơn vị khác của TTC Hospitality đã có những hoạt động phòng tránh bệnh cho du khách và cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, chúng tôi có chính sách kinh doanh linh hoạt để giữ khách và thu hút khách tiếp tục sử dụng dịch vụ tại khách sạn (nhận phòng sớm, trả phòng trễ, miễn phí giặt ủi, thay đổi/hủy dịch vụ không tính phí, miễn phí nâng hạng phòng cao cấp hơn…). Đồng thời, về mảng F&B của TTC Hotel - Cần Thơ, chúng tôi xây dựng các gói sản phẩm thích hợp đáp ứng yêu cầu thực tế theo từng thời điểm, ví dụ như những chương trình ưu đãi cho khách sử dụng dịch vụ tại nhà hàng nướng; chương trình Cơm nồi đất phục vụ cho du khách tránh dịch; khách lưu trú tại TTC Hotel - Cần Thơ sẽ được giảm 50% dịch vụ F&B để họ hạn chế đi lại… Tất cả mọi hoạt động đều đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chúng tôi buộc phải có những chính sách tiết kiệm chi phí, thắt chặt chi tiêu, tạm hoãn đầu tư chi phí lớn, điều chỉnh nhân sự phù hợp công suất hoạt động cho đến khi thị trường phục hồi trở lại”. Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Truyền thông Dấu ấn Việt, đơn vị chủ quản của Làng Du lịch sinh thái Ông Đề và Khu Du lịch Đất Phương Nam, chia sẻ: “Trong giai đoạn này, chúng tôi xem đó là phép thử và dành thời gian để điều chỉnh sản phẩm. Chúng tôi sẽ đầu tư làm mới hình ảnh, xây dựng thêm dịch vụ mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm. Riêng với các nhân viên, chúng tôi cũng có những chính sách hỗ trợ trong giai đoạn nghỉ việc và sẽ ưu tiên tuyển dụng lại khi hoạt động trở lại”.
 
Ở lĩnh vực lữ hành, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết: “Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tùy quy mô, thị trường kinh doanh đặc thù mà sẽ có những giải pháp riêng để nỗ lực vượt qua khó khăn. Với kinh nghiệm hơn 30 năm kinh doanh lữ hành, hoạt động ở cả 3 thị trường nội địa (domestic), du lịch nước ngoài (outbound) và khách quốc tế (inbound), Lữ hành Fiditour cũng như các doanh nghiệp lớn khác nhanh chóng xây dựng nhiều phương án ứng phó và tùy từng thời điểm để chọn những giải pháp phù hợp với doanh nghiệp mình, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Với Lữ hành Fiditour, trong giai đoạn này, hầu hết các công việc đều được ưu tiên triển khai theo hình thức làm việc online, chiếm 80% hoạt động. Bên cạnh hoạt động tập trung xử lý ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn thực hiện các kế hoạch đào tạo nhân sự, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cấp quy trình quản lý chất lượng và tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động của công ty. Song song đó, các công tác cải tiến, nghiên cứu sản phẩm, trước mắt là các sản phẩm du lịch trong nước và du lịch tự chọn (Free & Easy) được triển khai để khi Việt Nam công bố hết dịch, hoạt động kinh doanh sẵn sàng  trở lại. Lữ hành Fiditour cũng tập trung đầu tư cho dòng sản phẩm đẳng cấp Vietluxtour, hứa hẹn sẽ ra mắt thị trường những sản phẩm cao cấp trong quý II-2020”.
 
Trong khi đó, Vietravel đưa ra 3 giai đoạn ứng phó dựa trên tình hình diễn biến của dịch COVID-19. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Giai đoạn 1 có thể gọi là giai đoạn ngủ đông, dự kiến từ nay đến tháng 6-2020, đề ra tiêu chí đảm bảo ít tiêu hao năng lượng nhất. Theo đó, chúng tôi hạn chế tối đa các khoản chi phí, nhưng vẫn phải duy trì nguồn nhân lực nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, chuẩn bị cho giai đoạn 2. Đối với hoạt động kinh doanh, Vietravel tạm thời đóng cửa một số văn phòng, giữ lại các chi nhánh vùng chính, rút ngắn thời gian hoạt động trong ngày, đồng thời thu hẹp hoạt động quản lý và hoạt động bán tour. Công ty cũng xem đây là “thời cơ vàng” để tập trung giải quyết vấn đề chuyển đổi sang số hóa, tái cơ cấu. Song song đó, đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động vì cộng đồng, nổi bật là chiến dịch Chung tay chống dịch COVID-19. Ở giai đoạn 2, từ tháng 7-9, bắt đầu hoạt động trở lại, củng cố lại thị trường, làm việc với đối tác để đẩy sản phẩm sau dịch với mục tiêu tạo ra giá trị cộng sinh cao nhất cho khách hàng. Giai đoạn 3 tăng tốc, tính từ tháng 10-12, dự đoán du lịch sẽ phát triển trở lại, đơn vị sẽ đưa ra những sản phẩm chất lượng với giá tour ở mức tốt nhất”.
 
Cần địa phương hỗ trợ
 
Trong giai đoạn “đóng băng” này, nhất là sau thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị kinh doanh du lịch cần địa phương hỗ trợ một số chính sách. Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn, thành viên HĐQT TTC Hospitality, Giám đốc khách sạn TTC Cần Thơ, chia sẻ: “Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, địa phương cân nhắc xem xét cho phép đơn vị nhận khách (với những đơn vị xây dựng được giải pháp đảm bảo an toàn không để ảnh hưởng việc kiểm soát và lây lan dịch bệnh); đồng thời chính quyền địa phương có những chính sách giúp doanh nghiệp có điều kiện sớm khôi phục hoạt động kinh doanh, cụ thể như: thuế giảm, giảm và gia hạn thời gian đóng bảo hiểm, giảm giá điện, nước hỗ trợ doanh nghiệp và các sở ngành liên quan tạo điều kiện để đơn vị có thể tham gia các chương trình kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho rằng: “Việc các ban ngành đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch thời điểm hiện nay là sự khích lệ tinh thần cần thiết. Các hoạt động hỗ trợ như miễn giảm thuế doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng, miễn tiền thuê mặt bằng… được kỳ vọng rất cao. Đồng thời, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý du lịch có kế hoạch quảng bá, kích cầu du lịch ngay sau dịch để hâm nóng thị trường nội địa và inbound. Bên cạnh đó, bản thân ngành hàng không và lữ hành - khách sạn nên phối hợp chặt chẽ để đưa ra nhiều sản phẩm có mức giá “mềm”, khuyến khích thị trường du lịch ngay sau hết dịch”.
 
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, chia sẻ thêm, Công ty đề xuất có những chính sách giãn, giảm thuế, giảm các chi phí thuê đất, điện, nước. Đồng thời, xem xét giảm lãi suất ngân hàng xuống thấp hơn, mức đề xuất xuống còn 4-4.2%. Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Truyền thông Dấu Ấn Việt, cũng mong muốn địa phương có sự bình ổn về giá điện, nước, các nhu yếu phẩm và tạo điều kiện về giảm thuế doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
 
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động du lịch, gửi các kiến nghị đề xuất lên UBND TP Cần Thơ, Tổng cục Du lịch Việt Nam, từng bước đưa ra những giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 
ÁI LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu