Thứ tư, 03/06/2020,09:19 (GMT+7)
Doanh nghiệp ngành gỗ đối mặt nhiều khó khăn
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp chế biến gỗ. Theo ước tính, chỉ còn khoảng 7% doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động bình thường, hơn 90% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động hoặc phải luân chuyển lao động sang công việc khác.
Doanh nghiệp ngành gỗ đối mặt nhiều khó khăn
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Vũ Thịnh (Bắc Giang). Ảnh: VŨ SINH
 
Các doanh nghiệp lao đao
 
Ngành chế biến gỗ đang là ngành kinh tế mới nổi của kinh tế Việt Nam, với vị thế xuất khẩu đứng đầu khu vực Đông - Nam Á, thứ hai châu Á và thứ năm thế giới. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp, ngành gỗ ngày càng chiếm tỷ trọng cao và trở thành nguồn đóng góp quan trọng, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số đều trong suốt 20 năm qua. Riêng trong năm 2019, ngành gỗ đã đạt mức độ tăng trưởng tới 18%, mức tăng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế Việt Nam. Vậy nhưng, năm nay ngay sau khi đạt mức giá trị xuất khẩu 2,5 tỷ USD trong quý I, bước sang quý II, do bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, cùng với những khó khăn chung của các ngành kinh tế khác, ngành gỗ lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trên tất cả các lĩnh vực.
 
Dịch Covid-19 bùng phát tại hầu hết các thị trường nhập khẩu đồ gỗ quan trọng của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Dương, Điền Quang Hiệp, đến thời điểm này, toàn bộ thị trường lớn như Mỹ, EU... đều đã đóng băng. Mặc dù dịch có dấu hiệu đã được kiểm soát tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ ba của Việt Nam, nhưng để thị trường này khôi phục lại sẽ mất rất nhiều thời gian… Thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ toàn cầu giờ đây gần như đều đóng cửa. Đến nay, các doanh nghiệp trong ngành gỗ liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian, dừng hoạt động giao hàng kể cả các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí bị hủy. Các doanh nghiệp cũng được thông báo một số khách hàng lớn rơi vào tình trạng chuẩn bị phá sản. Còn theo ông Vũ Hải Bằng, Tổng Giám đốc công ty Woodsland (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, với khoảng 3.000 lao động và doanh thu năm 2019 đạt 60 triệu USD từ các thị trường lớn như Mỹ và EU), hiện các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của công ty đã đóng cửa hệ thống cửa hàng tiêu thụ. Do vậy, các nhà nhập khẩu đã thông báo đến công ty là ngừng đơn hàng.
 
Thị trường xuất khẩu đóng băng, các đơn hàng bị hủy hoặc chậm, làm tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp quy mô sản xuất. Thông tin từ Công ty TNHH Juma Phú Thọ - một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu gỗ dán lớn nhất tại Việt Nam, với lượng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 30% tổng lượng gỗ dán xuất khẩu của cả Việt Nam vào thị trường này cho biết, trước đây lượng xuất được là khoảng 450 công-ten-nơ mỗi tháng, nhưng giờ đây chỉ còn khoảng 200 công-ten-nơ. Hiện lịch sản xuất của doanh nghiệp phải điều chỉnh từng ngày, bởi lo sợ dịch sẽ làm cản trở lưu thông hàng hóa, không thanh toán được tiền hàng. Hủy và chậm đơn hàng đang gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn cho các doanh nghiệp. Đơn hàng bị hủy bỏ hoặc chậm nằm trong nguyên nhân bất khả kháng, do vậy người mua hàng không có trách nhiệm bồi thường về mặt tài chính cho doanh nghiệp, kể cả trong trường hợp hàng hóa đã được doanh nghiệp sản xuất ra theo hợp đồng. Hủy và chậm đơn hàng có nghĩa doanh nghiệp không có nguồn thu trong khi các chi phí như lao động, bảo hiểm, thuế, phí… vẫn phải chi trả. Kết quả khảo sát nhanh từ 124 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho thấy, 100% các doanh nghiệp đều khẳng định dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, 75% số doanh nghiệp đánh giá thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng, tương đương gần 25 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn cho biết, đại dịch đã làm giảm 70% doanh thu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cùng với tài chính, việc sử dụng lao động cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Báo cáo của VIFOREST cho biết: hiện đã có hàng trăm nghìn lao động của các doanh nghiệp gỗ đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp, chủ doanh nghiệp không bảo đảm được việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài. Thông tin khảo sát tác động của đại dịch tới các doanh nghiệp gỗ của các hiệp hội gỗ và lâm sản còn cho thấy, trong số 105 doanh nghiệp phản hồi đã có khoảng 45% lượng lao động trong các doanh nghiệp này bị mất việc. Cụ thể, trước dịch, tổng số lao động làm việc tại 105 doanh nghiệp là 47.506 người; khi dịch bùng phát, các doanh nghiệp này phải cho 21.410 lao động tạm nghỉ việc.
 
Đối diện để vượt qua thách thức
 
Dịch Covid-19 đang và chắc chắn sẽ còn tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ. Trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đang tăng cường nhiều biện pháp và chính sách mạnh nhằm hạn chế lưu thông, giảm rủi ro bệnh dịch lan truyền, luồng cung gỗ nhập khẩu trở nên khó khăn hơn, và điều này trực tiếp làm tăng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
 
VIFOREST đưa ra dự báo, nếu đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên quy mô rộng lớn như hiện nay thì năm 2020 ngành chế biến gỗ có thể sẽ không có tăng trưởng. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, ngành này vẫn có dư địa phát triển tốt. Do đó, các doanh nghiệp cần phải đối diện với khó khăn, vượt qua thách thức để xây dựng chiến lược phát triển ổn định, bền vững.
 
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, với thực tế chỉ có 7% số doanh nghiệp hoạt động bình thường, còn lại hơn 90% số doanh nghiệp gỗ phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động, đang tạo ra sự đứt gãy toàn chuỗi. Sản xuất, tiêu thụ đình trệ, ảnh hưởng đến cả những người cung cấp nguyên, phụ liệu, trong đó có những người trồng rừng. Do đó, để khắc phục, ngành gỗ cần phải tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu. Đó là, cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp gỗ vẫn phải dùng 25 đến 26 triệu mét khối gỗ nguyên liệu để sản xuất ra khoảng 13 triệu tấn dăm mà chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 tỷ đến 1,6 tỷ USD. Con số này rất thấp, chỉ chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi lượng nguyên liệu lại chiếm tới 60%. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, EU bàn trang điểm, dụng cụ phòng bếp, phòng tắm, chiếm 60% kim ngạch, trong khi đồ ngoại thất, văn phòng chỉ chiếm 40%, đây là dư địa lớn. Bên cạnh đó, cần cơ cấu cho cả chuỗi, từ trồng rừng gỗ lớn, cải tiến về giống, đưa giống tốt có thâm canh, đẩy nhanh việc quản lý rừng bền vững. Đẩy mạnh liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài. Hiện nguyên liệu trong nước đã chủ động được 80%, nhưng trong cơ cấu đồ mộc, tỷ trọng nguyên liệu nhập vẫn còn cao. Để thay đổi được thì cần đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp gỗ cũng cần đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào chuỗi, từ ứng dụng giống đến chế biến, bán hàng qua mạng; đổi mới thiết kế, tạo ra mặt hàng phối trộn gỗ với các sản phẩm khác để phù hợp nhu cầu thị trường. Thị trường trong nước cũng hết sức quan trọng, trị giá đạt tới 3 tỷ USD và sẽ tăng lên vì người tiêu dùng hiện nay đã có điều kiện sử dụng sản phẩm gỗ chất lượng cao.
 
Theo VIFOREST, ngành gỗ hiện vẫn đang thiếu một chiến lược phát triển bền vững. Chiến lược này cần định dạng chính xác ngành gỗ Việt Nam trên bản đồ chế biến, thương mại và tiêu thụ các mặt hàng gỗ toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, và như vậy vẫn còn dư địa để phát triển. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện chưa xác định được là có hay không cơ hội trong việc gia tăng thị phần toàn cầu; nếu có thì cơ hội này nằm ở đâu về mặt dòng sản phẩm và thị trường.
 
Bên cạnh đó, có một hạn chế khác là các doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin chính xác về các đối thủ cạnh tranh của mình. Chiến lược phát triển bền vững cho ngành gỗ cũng cần các thông tin về xu hướng thay đổi cung cầu thế giới về đồ gỗ. Bức tranh này luôn biến động, không chỉ bởi các cơ chế chính sách của Nhà nước mà còn do thay đổi thị hiếu và nhận thức của người tiêu dùng. Xác định tốt chiến lược cho ngành gỗ Việt Nam sẽ giúp cho ngành gỗ giảm được các rủi ro do thị trường và bệnh dịch, phát triển theo hướng bền vững trong tương lai.
 
VŨ THÀNH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu