Thứ bảy, 15/06/2019,16:45 (GMT+7)
Độc đáo canh sim-lo cá mặn của ngoại tôi!
Từ rất nhỏ, tôi đã nghe câu ca “Việt Nam ăn cá bỏ đầu, Triều Châu thấy vậy xỏ xâu đem về”. Thật ra ý nghĩa của câu ca ấy không phải châm chọc người Triều Châu, mà muốn nói đến một đức tính rất đáng quý của họ là tiết kiệm.

Ông ngoại tôi là người Triều Châu gốc ở Quảng Đông, Trung Quốc sang Việt Nam lập nghiệp từ những năm chiến tranh loạn lạc. Không biết có phải do cơ duyên mà từ Trung Quốc chạy thẳng về huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau). Ngoại lập nghiệp bằng nghề làm mướn, tích góp nhiều năm mở được tiệm tạp hóa, làm lò than và mở cả quán cà phê với nhiều món ăn đậm gốc Triều Châu ngay ở vùng cuối trời của Tổ quốc.

Đúc kết thành công của đời mình, ông ngoại tôi dạy con cháu muốn thành công thì ngoài giữ chữ “tín”, chữ “cần” thì chữ “kiệm” phải xem là đức tính không thể thiếu để thành công. Vì phần lớn người Hoa sang Việt Nam lập nghiệp, tài sản duy nhất họ mang theo chỉ có sức lao động và sự cần kiệm để có thể “tích tiểu thành đại”.

Canh sim-lo. Ảnh: L.D

Xuất phát từ đức tính này mà các món ăn của người Triều Châu không cầu kỳ, chủ yếu là ăn no nhưng phải đảm bảo ngon. Ông ngoại tôi hay dạy các con của mình, một món ăn ngon không dừng ở nguyên liệu chế biến, mà chính là cái tài của người nấu biết chế biến, sử dụng những nguyên liệu cứ tưởng tầm thường trở thành đặc sản. Trong đó, món canh đầu cá mặn hay còn gọi là canh sim-lo là một điển hình. 
Thật ra, câu ca “Việt Nam ăn cá bỏ đầu, Triều Châu thấy vậy xỏ xâu đem về” là có thật. Bởi bỏ đi thì tiếc lắm, vì đó là món ăn ngon. Lâu nay khi làm cá mặn thường người ta chỉ lấy phần thịt của thân cá, còn đầu cá thì chặt bỏ đi. Đây là một việc làm rất lãng phí. Tôi còn nhớ mỗi lần gia đình ngoại mua cá mặn, ông ngoại luôn dặn mấy dì tôi phải chừa lại phần đầu. Lúc đầu trong gia đình tôi có người cũng tỏ ra thắc mắc nhưng không dám nói, vì đầu cá mặn xương không có gì ngon hoặc cũng đâu có thịt mà ăn!?
Thế nhưng, qua tài nấu của ngoại tôi, món canh đầu cá mặn trở nên hấp dẫn, và cái quan trọng ăn đầu cá mặn không phải ăn thịt hay ăn xương đầu cá mà chính là thưởng thức cái hương và vị mặn của đầu cá. Đó là việc xào tép với tỏi, cho nước với sả vào đun sôi, rồi bỏ đầu cá mặn vào, khi nào đầu cá rã thì vớt ra và bỏ trái bầu cắt nhỏ vào, thêm vào vài lát ớt xanh hoặc vài cọng ngãi bún. Thế là có món canh sim-lo đầu cá đậm chất Triều Châu, và mỗi khi gia đình nấu món này ông ngoại ăn liền 3 - 4 chén cơm.
Không chỉ có ông ngoại thích ăn món sim-lo, mà nhiều người Hoa gốc Triều Châu khác cũng thích món này, vì món đầu cá mặn gợi lên hình ảnh về cố hương. Vì phần đông những người Trung Quốc di dân sang Việt Nam đều là lao động nghèo, có những vùng quê để ứng phó với mùa đông lạnh giá người ta phải làm đồ khô dự trữ, trong đó có món cá mặn. Với tính tiết kiệm, lại thiếu thức ăn nên người ta gần như tận dụng tất cả các thực phẩm tưởng chừng bị bỏ đi để chế biến thành món ăn ngon và đây là một trong những nguyên nhân làm cho món sim-lo đầu cá mặn của người Triều Châu ra đời.
Rồi vào những năm chiến tranh ở miền Nam Việt Nam diễn ra khốc liệt, chiến dịch “nhổ cỏ U Minh” làm cho nhiều gia đình không thể bám đất vì chất độc da cam. Thế là ông ngoại tôi và gia đình cùng chiếc xuống nhỏ chạy nạn lên Bạc Liêu và chọn con sông Bạc Liêu làm nơi an cư cho đến ngày nay. Trong hành trang ấy có món canh sim-lo đầu cá mặn.
Không biết có phải món canh sim-lo đầu cá mặn của người Hoa là sự gợi ý cho món lẩu đầu cá ngày nay hay không, nhưng món sim-lo nấu cơm mẻ sẽ mất hết hương vị nếu không có đầu khô cá mặn nấu chung. Đó là đầu khô cá rún, khô cá thiều - những thứ bị bỏ đi trước đây giờ có giá cả trăm ngàn đồng/kg khi được chế biến cùng lẩu sim-lo nấu cơm mẻ nhúng bắp chuối, rau rừng với nhiều loại thủy hải sản khác. Món ăn hấp dẫn ấy cần được bổ sung vào danh sách ẩm thực cho phát triển du lịch, vì nó gắn với những câu chuyện khá thú vị về văn hóa di cư của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu.

Lư Dũng - (baobaclieu.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu