Thứ tư, 30/10/2019,10:34 (GMT+7)
Độc đáo kiến trúc chùa Tây An
Chùa Tây An nằm lưng chừng phía Đông núi Sam (TP. Châu Đốc). Nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị về nghệ thuật kiến trúc cổ xưa độc đáo, mà còn là "kho" văn hóa - tín ngưỡng gắn liền công cuộc khai hoang, lập ấp của người dân An Giang...

Chùa Tây An do Tổng đốc tỉnh An Giang Doãn Uẩn dựng lên năm 1847 (vua Thiệu Trị). Đến năm 1958, hòa thượng Thích Bửu Thọ đứng ra vận động xây dựng mới 3 ngôi cổ lầu, mặt chính và ngôi chính điện có hình dáng như ngày hôm nay. 

Chùa được xây dựng theo lối chữ “tam”, kết hợp nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ, Hồi giáo và kiến trúc chùa cổ Việt Nam theo phong cách Nam Bộ. 

Ở giữa chùa là lầu chính, cao 2 tầng thờ Phật, được thiết kế vòm cao vút hình tròn tượng trưng cho vũ trụ quang Phật giáo, tầng trên là tượng Phật Thích Ca.

4 cột lầu ở tầng dưới  chùa có các hộ pháp trấn giữ, 2 bên phía trước có tượng voi trắng và voi đen.

Trên mái che có trang trí sư tử, lưỡng long tranh châu, hoa văn hình hoa mai, hoa sen, hoa cúc, các họa tiết, hình tượng nghệ thuật Ấn Độ, Hồi giáo …

Trong chính điện thờ Phật theo dòng Lâm Tế, ngoài tượng Phật Thích Ca rất lớn ở giữa, còn có khoảng 200 pho tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ Kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông. Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XIX.

Chùa Tây An được Bộ Văn hóa xếp hạng là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ của dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”.

TRỌNG TÍN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu