Thứ bảy, 30/11/2019,15:19 (GMT+7)
Độc quyền sách giáo khoa dù nhiều bộ sách?
Có tới 24/32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thuộc NXB Giáo dục Việt Nam. Liệu có độc quyền sách hay không vì chọn bộ nào thì NXB này cũng hưởng lợi?
 
Ngày 29-11, UBND TP HCM phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học nhằm phổ biến rộng rãi chương trình mới. TP HCM đã định hướng tất cả trường học đều phải mua đủ 32 đầu sách giáo khoa (SGK) mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó.
 
Trường phải mua cả 32 đầu sách!
Theo đó, các trường phải đưa vào tủ sách chung và giáo viên (GV) phải đọc hết các bộ SGK được Bộ GD-ĐT thẩm định, công bố. Từ đó, GV mới có thể tham mưu được hiệu trưởng nên chọn sách nào để đưa vào giảng dạy cho chương trình lớp 1 năm 2020-2021. Trong quá trình lựa chọn, lưu ý đến độ phù hợp và hình ảnh, tranh vẽ, ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh từng vùng miền.
 
Theo Luật Giáo dục, việc lựa chọn SGK dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ do UBND các tỉnh, thành quyết định, lựa chọn. Tuy nhiên, do điều kiện về thời điểm áp dụng Luật Giáo dục chưa thực hiện được nên theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định việc lựa chọn SGK. Như vậy, hiệu trưởng sẽ là người quyết định cùng tập thể đội ngũ GV sau khi tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh để áp dụng vào trường.
 
Độc quyền sách giáo khoa dù nhiều bộ sách? - Ảnh 1.
Bộ sách “Chân trời sáng tạo” do giáo viên TP HCM và NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp biên soạn, xuất bản đã được hội đồng thẩm định thông qua Ảnh: HUY LÂN
 
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhận định tất cả đầu SGK bộ đã thẩm định và phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để triển khai trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của từng trường thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể GV cũng như làm theo hướng dẫn về lựa chọn SGK.
 
"Chúng ta không kiểm tra đánh giá theo kiến thức nội dung trong SGK nào, mà dựa trên hướng phát triển năng lực của học sinh. Không phải học SGK này kiểm tra nội dung SGK khác, ngữ liệu không đồng bộ, nên có thể thay thế nội dung này bằng nội dung khác miễn sao phát triển được năng lực yêu cầu. GV phải tham khảo nhiều SGK để lựa chọn phù hợp" - ông Hiếu nhấn mạnh.
 
Chọn sách để tránh lãng phí
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Thủ Đức cho biết ngày 29-11, một số GV của trường đã được cử đi để tiếp cận các bộ SGK mới. Trong thời gian tới, việc chọn sách như thế nào sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP. Trường sẽ mua đủ 32 đầu sách để GV tiếp cận, sau đó hội đồng GV sẽ thẩm định để chọn những đầu sách phù hợp nhất.
 
Ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM - cho rằng GV là những người được đào tạo bài bản nên có đủ năng lực thẩm định, chọn sách. Việc chọn sách không nên để một số GV làm đại diện cho GV của trường chọn thay mà cần có sự tham gia của tất cả GV trong trường.
 
Tất nhiên, sẽ không thể có kết quả 100% GV đều có những đánh giá như nhau nên sẽ chọn những ý kiến của đại đa số. Theo ông Điệp, chúng ta không cần quá lo lắng chuyện vận động hành lang để GV chọn sách nhưng việc chọn sách của các trường cũng nên công khai.
 
Trưởng phòng GD-ĐT một quận tại TP HCM cho rằng dù nhà trường chọn sách thì cũng cần có sự thẩm định chung và nhất quán trên toàn TP vì sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực, UBND TP sẽ ra quyết định chọn sách. Do vậy, việc chọn sách lần này cần tạo nền tảng để tiếp tục cho những năm tiếp theo, tránh tình trạng năm nay dùng sách này, sang năm lại dùng sách khác. Khi chọn sách, hội đồng GV của trường chỉ nên chọn ra những đầu sách phù hợp nhất, không nên gợi ý phụ huynh, học sinh mua thêm những bộ sách khác để tham khảo.
 
Giá sách mới sẽ tăng!
Thực tế dù các trường có thành lập hội đồng, lấy ý kiến GV để chọn sách thì chọn bộ sách nào trong số 5 bộ sách, tỉ lệ lớn vẫn là sách của NXB Giáo dục Việt Nam.
Trước băn khoăn về việc độc quyền SGK, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho rằng NXB Giáo dục Việt Nam có tới 4.000 người tập trung các công việc liên quan làm sách giáo dục nên phần lớn số sách được công nhận thuộc NXB này là điều dễ hiểu.
 
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, khẳng định luật không quy định chọn SGK theo cả bộ hay từng môn. Lựa chọn SGK có chất lượng nhất là dựa trên tính phù hợp của từng bộ môn đối với địa phương. Ông Thái Văn Tài cũng cho rằng độc quyền là chỉ khi có 1 bộ sách. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều bộ từ nhiều nhóm tác giả khác nhau, từ những NXB khác nhau. Do vậy không nên quá băn khoăn về tính độc quyền.
 
Dù Bộ GD-ĐT đã trấn an nhưng các phụ huynh vẫn lo lắng sẽ phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ cho SGK trong năm học tới và làm sao không độc quyền khi 4/5 bộ sách được thẩm định đều thuộc NXB Giáo dục Việt Nam.
 
Theo ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, dự kiến giá bán SGK mới của đơn vị sẽ tăng cao hơn so với sách hiện hành. Nguyên nhân để đơn vị này đẩy giá sách lên cao được lý giải là do đầu tư công phu về hình thức trình bày, phối hợp logic, đạt tính thẩm mỹ cao giữa kênh chữ và kênh hình, được đánh giá là tương đương với SGK của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới với thiết kế khổ sách 19x26,5 cm, lớn hơn khổ SGK hiện hành và sử dụng giấy in chất lượng tốt.
 
Hiện tại, NXB Giáo dục Việt Nam chưa công bố giá sách là bao nhiêu và chất lượng sách ra sao. Sách vẫn còn là bản mẫu, chưa in ấn nhưng NXB đã phối hợp với các địa phương tập huấn cho GV việc sử dụng SGK mới.
 
Địa phương công bố việc lựa chọn SGK
Trước tháng 3-2020, địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK trong danh mục SGK được Bộ GD-ĐT ký thông qua ngày 21-11.
Từ tháng 3 đến tháng 5-2020, các sở GD-ĐT phối hợp NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các GV triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8-2020, các nhà trường tập huấn, NXB triển khai chương trình in ấn và xuất bản. Các bộ sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021.
Yến Anh - Huy Lân - Nguyễn Thuận - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu