Thứ ba, 21/07/2020,10:26 (GMT+7)
Đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều
“Khi triển khai thực hiện không được nóng vội, cũng không được đốt cháy giai đoạn. Đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều, nhưng quá trình đổi mới cần sự quyết tâm, quyết liệt và sâu sát”, là nhấn mạnh của ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về việc chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhân chuyến công tác tại Hậu Giang mới đây.
Thưa ông, sau đợt giám sát thực tế tại Hậu Giang, ông đánh giá như thế nào về việc chuẩn bị của tỉnh cho Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, sẽ triển khai vào năm học tới ?
 
- Đoàn Giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020. Hậu Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng giáo dục lại là điểm sáng chất lượng. Tôi đánh giá cao công tác chủ động, trách nhiệm, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh trong việc chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, sẽ áp dụng vào năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1.
Giáo viên được tập huấn giảng dạy môn tiếng Anh chuẩn bị cho sách giáo khoa lớp 1.
 
Tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, từ công tác chỉ đạo đến tuyên truyền, tổ chức thực hiện và sự tự tin của giáo viên, cũng như huy động các nguồn lực xã hội...
 
Nhiều giáo viên đề xuất nên triển khai bồi dưỡng giáo viên trực tiếp thay vì trực tuyến để đảm bảo chuẩn chất lượng, ông nhận định sao về đề xuất này ?
 
- Tôi ghi nhận đề xuất này của các giáo viên. Đây là đề xuất chính đáng, bởi giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, việc bồi dưỡng, cách thức được bồi dưỡng, tập huấn như thế nào để giáo viên tiếp thu đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất thì chính giáo viên là người đánh giá cụ thể nhất. Tôi đã có nhiều đợt trao đổi trực tiếp với giáo viên giảng dạy, 2 hình thức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên cốt cán và đại trà chuẩn bị cho triển khai dạy sách giáo khoa lớp 1 mới là bằng trực tuyến và trực tiếp. Khó của các địa phương có lẽ là hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền yếu, vấn đề kinh phí để giữ tài khoản trên trang web sau 1 năm thực hiện thí điểm miễn phí, năng lực của giáo viên...
 
Sau đợt giám sát tại tỉnh, tôi sẽ về họp đoàn và trao đổi, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Như ông đã biết, khó khăn của tỉnh là thiếu giáo viên bộ môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, ông có gợi ý gì để tỉnh khắc phục những điều này ?
 
- Theo báo cáo của ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang, hiện ngành đang ưu tiên bố trí đảm bảo đủ lực lượng giáo viên giảng dạy khối lớp 1 cho năm học 2020-2021. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên không đồng bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, hoạt động trải nghiệm… nhưng địa phương vẫn chưa tuyển mới được. Nguyên nhân được chia sẻ là do tinh giản biên chế mỗi năm 10%, dẫn đến thực trạng không chỉ cấp tiểu học mà các cấp học khác của địa phương cũng trong tình trạng thiếu giáo viên, hàng năm phải hợp đồng... Tôi đề nghị tỉnh cần tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học, cấp học; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, cần sử dụng hết biên chế của ngành được giao, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Hậu Giang cũng cần tổng hợp và có kiến nghị cụ thể, rõ ràng, để từ đó đoàn giám sát có những kiến nghị, đề xuất phù hợp với Chính phủ trong thời gian tới, với mục tiêu phải đảm bảo có học sinh phải có giáo viên.
 
Để Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đạt chất lượng như mong muốn, theo ông Hậu Giang cần tập trung gì ?
 
- Cần có một nghị quyết của HĐND tỉnh để huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục làm tốt công tác chỉ đạo, tuyên truyền, thực hiện tốt công tác truyền thông để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng về đợt đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này. Là tỉnh còn nhiều khó khăn, học sinh diện hộ nghèo nhiều nên cần đẩy mạnh xã hội hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng trường tư thục; rà soát danh sách học sinh thuộc hộ nghèo dự kiến phải hỗ trợ sách giáo khoa; tập trung chỉ đạo để thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới trong năm học tới, từ đó rút kinh nghiệm cho những năm học sau.
 
Quá trình đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều, đòi hỏi phải có kế hoạch tổng thể với lộ trình cụ thể. Tỉnh không được nóng vội, cũng không được đốt cháy giai đoạn. Dạy thực chất, học thực chất, làm sao để khi chính thức đưa vào áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thật sự đào tạo ra những học sinh có năng lực, có phẩm chất, đáp ứng tốt quá trình hội nhập quốc tế.
 
Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ chính thức áp dụng vào năm học 2020-2021. Đây là một chương trình kỳ vọng sẽ thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì vậy, Hậu Giang cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có chất lượng chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới.
 
Nghị quyết 88 được Quốc hội khóa XIII ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục của đất nước; quy định những vấn đề cơ bản về mục tiêu, yêu cầu và các nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhấn mạnh tính đồng bộ giữa chương trình, sách giáo khoa với mục tiêu, cơ cấu giáo dục phổ thông, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; giữa chương trình với điều kiện bảo đảm về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất.
 
Các trường tại tỉnh đã chọn sử dụng 3 bộ sách giáo khoa là “Cánh diều”, “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” sử dụng cho học sinh lớp 1 trong năm học tới, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy cho lớp 1 được tỉnh thực hiện đảm bảo, cơ bản đảm bảo phòng học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1.
 
Lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa được điều chỉnh như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. 
Xin cảm ơn ông !
 
CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu