Thứ sáu, 17/04/2020,07:25 (GMT+7)
Đồng bằng sông Cửu Long: Dồi dào lượng gạo dành cho xuất khẩu
Vùng ĐBSCL vừa cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân 2019-2020, với sản lượng đạt gần 10,8 triệu tấn. Theo Bộ NN&PTNT, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ an ninh lương thực... thì ước còn khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Nguồn cung lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long khá dồi dào.
 
Nguồn cung lúa gạo dồi dào
 
Bộ NN&PTNT cho biết, vụ lúa Đông xuân năm nay cả nước thu hoạch khoảng 20,2 triệu tấn; trong đó riêng khu vực ĐBSCL đạt sản lượng gần 10,8 triệu tấn, con số rất ấn tượng trong điều kiện hạn, mặn hoành hành trên diện rộng, nhưng các địa phương đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng quyết tâm sản xuất thành công.
 
Cùng với trúng mùa thì công tác điều hành xuất khẩu gạo từ đầu năm 2020 đến nay bám sát mục tiêu tiêu thụ giúp nông dân đảm bảo lợi ích của người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Kết quả xuất khẩu tích cực đã duy trì giá lúa ở ĐBSCL ở mức đảm bảo cho nông dân có lãi 30-40%. Bộ Công thương cho rằng, xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2020 cho thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm đang tăng mạnh trên thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; dao dịch gạo thời gian qua sôi động, giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam (2 quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo lớn) được mùa.
 
Cụ thể, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng 31,7% về số lượng, là mức tăng cao so với mức tăng cùng kỳ của 3 năm gần đây. Sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19, dự báo nhu cầu tiêu thụ đối với gạo Việt Nam sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, nếu chúng ta tiếp tục giữ tốc độ xuất khẩu bình quân 25.000 tấn/ngày thì xuất khẩu gạo quý I/2020 đạt gần 1,7 triệu tấn; quý II/2020 có thể đạt hơn 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm 2020, có thể xuất khẩu 3,7 triệu tấn (lớn hơn lượng gạo vụ Đông xuân ở ĐBSCL phục vụ xuất khẩu là 3 triệu tấn)…
 
Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tiết lộ, đến cuối tháng 3-2020 các hội viên đã ký hợp đồng nhưng chưa giao gần 1,6 triệu tấn gạo; trong đó phải giao từ nay đến cuối tháng 5 là hơn 1,38 triệu tấn gạo. Hiện lượng gạo còn trong kho của 60/92 doanh nghiệp hội viên là 1,65 triệu tấn. Như vậy, chỉ riêng các hội viên của VFA nếu tuân thủ việc không ký hợp đồng mới thì số lượng gạo dư đến thời điểm cuối tháng 5 là hơn 266.000 tấn.
 
Đối với các doanh nghiệp ngoài VFA cũng ký hợp đồng nhưng chưa giao hàng 1,66 triệu tấn gạo; trong khi lượng gạo trong kho hơn 1,7 triệu tấn và 144.000 tấn lúa (tương đương 75.000 tấn gạo). Các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, lượng gạo dồi dào và sẵn sàng đưa gạo ra thị trường theo yêu cầu của Chính phủ. Còn các thương nhân cũng cam kết tuân thủ về duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu 5% số lượng gạo mà thương nhân xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu.
 
Tiếp tục xuất khẩu, nhưng phải kiểm soát chặt
 
Dù các tỉnh ĐBSCL trúng mùa lúa Đông xuân nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên Tổng cục Hải quan tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24-3, nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Sau khi tạm dừng xuất khẩu gạo đã khiến giá lúa ở ĐBSCL sụt giảm, còn các doanh nghiệp cũng gặp khó khi nhiều hợp đồng đã ký trước đó mà không thể giao hàng.
 
Trước tình cảnh này, Bộ Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các địa phương ĐBSCL và những doanh nghiệp chủ chốt; đồng thời tổ chức họp lắng nghe ý kiến các hiệp hội, nhiều bên liên quan… Theo đó, các địa phương và hiệp hội đồng tình cao với Chính phủ về việc đặt an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp; tuy nhiên cần đánh giá lượng lúa gạo còn tồn rất lớn. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ giải pháp vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng vừa duy trì được sản xuất, tăng trưởng kinh tế; xuất khẩu cũng nhằm giữ giá lúa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân để họ có điều kiện tái đầu tư cho vụ Hè thu và các vụ sau…
 
 Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn, mặn ở ĐBSCL, theo hướng tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng kiểm soát chặt số lượng từng tháng. Cụ thể, cho xuất khẩu gạo tháng 4 và tháng 5-2020 khoảng 800.000 tấn; trước mắt trong tháng 4 cho xuất 400.000 tấn, sau đó căn cứ vào diễn biến dịch bệnh cùng ý kiến các bộ, ngành để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xuất khẩu gạo cho tháng 5-2020.
 
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4-2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công thương (sau khi đã lấy ý kiến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan, triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo nêu trên và các quy định hiện hành; bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch Covid-19, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan...
 
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4-2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5-2020 trước ngày 25-4. Xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, kể cả đến hết năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-4. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt, đồng thời nghiên cứu việc mua tăng thêm mức dự trữ nếu cần thiết. Đối với Bộ NN&PTNT cần phối hợp với UBND các tỉnh, thành đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp dành cho xuất khẩu…
 
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được ưu tiên xuất khẩu nếp và các loại giống lúa Japonica (hạt tròn). Nguyên nhân do hàng năm ở An Giang gieo sạ hơn 115.000ha nếp, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000ha lúa hạt tròn với sản lượng 75.000 tấn/năm. Mục tiêu sản xuất 2 sản phẩm trên là chủ yếu để phục vụ xuất khẩu (không dành cho tiêu thụ trong nước) và những năm qua nông dân cùng doanh nghiệp liên kết, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả. Ước tính năm 2020, toàn tỉnh An Giang sản xuất khoảng 4 triệu tấn lúa, quy ra khoảng 2 triệu tấn gạo. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ căn cứ vào yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực nhằm có chủ trương cho xuất khẩu phù hợp.
 
Còn ở Long An, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết, nhiều năm qua nông dân Long An trồng nếp rất lớn, bình quân chiếm khoảng 30% diện tích sản xuất; trong đó vụ Đông xuân 2019-2020 diện tích nếp hơn 65.000ha. Phần lớn sản lượng nếp phục vụ xuất khẩu và hiện các doanh nghiệp trong tỉnh còn tồn kho hơn 55.937 tấn nếp. Vì vậy, tỉnh Long An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xuất khẩu mặt hàng nếp không hạn chế, nhằm giải quyết lượng tồn kho và để doanh nghiệp tiếp tục thu mua nếp của nông dân với giá tốt…
 
Bộ NN&PTNT ước tính cả năm 2020, vùng ĐBSCL sản xuất hơn 4 triệu héc-ta lúa các vụ, năng suất bình quân 6,076 tấn/ha; sản lượng ước đạt khoảng 24,3 triệu tấn, tăng hơn 63.000 tấn so với năm trước...
Bài, ảnh: HƯNG TÂN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu