Thứ bảy, 02/02/2019,22:31 (GMT+7)
Đột phá đưa công nghệ chế biến cát biển ra đảo Phú Quốc
Từ nay vùng cát biển nhiễm mặn tại đảo Phú Quốc đã được xử lý đạt tiêu chuẩn cát xây dựng nhờ vào công nghệ chế biến cát biển sạch Phan Thành.

Trong điều kiện của Việt Nam, khi cát sông cần được hạn chế khai thác làm cát xây dựng thì cát biển và cát mỏ thứ sinh là phương án thay thế phù hợp.

Về mặt kỹ thuật, cát biển có nhiều ưu thế để thay thế hoàn toàn cát khai thác từ sông hay từ mỏ. Về mặt kinh tế, cát biển rẻ hơn cát mỏ và đang dần có tính cạnh tranh cao so với cát sông.

Công ty Phan Thành lắp đặt thiết bị sàng lọc cát tại đảo ngọc Phú Quốc

Nhận thấy những lợi ích từ cát biển, từ năm 2017, Công Ty Phan Thành đã chủ động thu mẫu cát nhiễm mặn điển hình ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước như: Móng Cái, Vân Đồn, Bình Thuận, Kiên Giang… đưa vào chế biến thử nghiệm trong quá trình hoàn thiện chế tạo công nghệ, các đơn vị chức năng kiểm định đều ghi nhận chất lượng cát sau chế biến đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cát xây dựng theo quy định, đặc biệt là hàm lượng Cl-.Theo đề án, phát triển các loại vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình ven biển và hải đảo, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòn,; bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, cát nhiễm mặn ở Móng Cái, sau chế biến, Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam (thuộc Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng), thí nghiệm và xác nhận ngày 20/12/2017 khẳng định: “Không phát hiện hàm lượng Cl-”.

Cát nhiễm mặn ở tỉnh Bình Thuận, sau chế biến, Trung tâm tư vấn chống ăn mòn và xây dựng (Viện Khoa học công nghệ - Bộ Xây dựng), thí nghiệm và ghi nhận: "Trong vùng cốt liệu vô hại, hàm lượng Cl- chỉ còn 0,005% (thấp 10 lần so với yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 7570:2006 - PV)".

Cát sau chế biến được xử lý bằng công nghệ Phan Thành

Ông Nguyễn Đức Thắng, nguyên Giám đốc công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành - thuộc Viện khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), một trong những chuyên gia trực tiếp tham gia thị sát, lấy mẫu thí nghiệm, kiểm định chất lượng cát khẳng định: Các yếu tố gây hại còn lại trong cát biển nguyên khai như: hàm lượng Cl-, bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và thành phần hạt mịn qua dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành đều có thể xử lý được, chống tình trạng hút ẩm, dộp bê tông, ăn mòn bê tông cốt thép từ việc sử dụng cát biển.

Cát sau chế biến được chuẩn bị đưa lên

Mới đây, ngày 22/1/2019, ông Võ Tấn Dũng – tác giả sáng chế công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành đã cùng Công Ty Cổ Phần Cát Đá Việt Sàng Rửa Sạch triển khai hoàn tất việc lắp đặt máy, đưa vào vận hành công nghệ chế biến cát biển và đã thẩm định cát sạch thành phẩm cho ra kết quả sau chế biến đạt tiêu chuẩn cát xây dựng theo TCVN 7570:2006, tại đảo Phú Quốc.

Đưa cát biển sau chế biến lên

Những ngày trước đó, với sự giám sát của các nhà báo, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật Viện Vật liêu xây dựng, Viện chuyên ngành Bê tông, thuộc Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), tiến hành đưa nguồn cát nhiễm mặn nguyên khai tại vùng biển Phú Quốc (Vùng 5 Hải quân), vào chế biến bằng công nghệ Phan Thành đặt tại ấp 7, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc.

Các chuyên gia thu mẫu cát sau chế biến bằng công nghệ xử lý Phan Thành

Ngày 12/1/2019, các cán bộ kỹ thuật và chuyên gia của Viện chuyên ngành bê tông đã thu mẫu tai hiện trường, niêm phong đưa về Hà Nội, tiến hành thí nghiệm từ ngày 14 đến 21/1/2019 tại các phòng thí nghiệm LAS số 03 và LAS số 05. Kết quả phân tích: Cát nhiễm mặn nguyên khai tại vùng biển Phú Quốc có hàm lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ khá cao (1,5% - nhiều nhất là vỏ sò) và hàm lượng ion clo (Cl-) là 0,38%. Sau khi đưa vào chế biến bằng công nghệ Phan Thành đã cho ra cát thành phẩm sạch, hàm lượng tạp chất hữu cơ đạt 0,2% và hàm lượng Cl- đạt 0,009% và Modul độ lớn của hạt đạt 1.6.

Các chuyên gia, kỹ thuật viên của Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam – Bộ Xây dựng, ngày 22/1/2019 được lấy mẫu tại hiện trường kỳ sản xuất ngày 07/01/2019, cũng cho ra kết quả thí nghiệm sản phẩm cát nhiễm mặn tại vùng biển Phú Quốc sau chế biến bằng công nghệ Phan Thành đạt tỷ lệ Cl- là 0,009%. Trước đó, ngày 15/1/2019, Trung tâm đo lường chất lượng Cần Thơ, thí nghiệm, cho biết tỷ lệ Cl- trong sản phẩm cát đạt tỷ lệ 0,003%.

Phú Quốc là một trong 6 cụm máy chế biến cát biển được lắp đặt của Công ty Phan Thành. Đến nay các cụm máy này đều đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu chế biến các loại cát sông, suối, đồi núi và dần có chức năng chế biến cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn chất lượng TCVN 7570:2006, theo quy mô công nghiệp.

Cán bộ Kỹ thuật Viện Vật liệu thu mẫu Cát sau chế biện bằng công nghệ Phan Thành

Việc chế biến thành công cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn sẽ đáp ứng yêu cầu tận dụng nguồn cát biển đưa vào phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình biển đảo, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của quốc gia, phát huy lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu tại chổ, giảm chi phí cát và vận chuyển cát trong đầu tư xây dựng công trình, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng công trình. Việc sản xuất công nghệ của công ty hướng tới phát triển theo hướng  chuyên nghiệp, hiện đại và quy mô công nghiệp.

Nguồn: Hồng Ân - (giadinhvaphapluat.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu