Thứ tư, 19/07/2023,20:14 (GMT+7)
Đột quỵ sau khi đi tiểu thấy kiến bu
Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện tại TP HCM liên tục tiếp nhận nhiều người trẻ đột quỵ do mắc đái tháo đường mà không biết.
 
Sáng 14-7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho hay những ngày gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều người trẻ đột quỵ do mắc đái tháo đường mà không biết.
 
Ca đầu tiên là anh N.Q.T. (37 tuổi, ở quận 5), có thói quen tập thể dục thường xuyên và không nghĩ mình mắc đái tháo đường. Mới đây, anh xem tivi và uống trà sữa, ăn bánh ngọt và thấy tê chân vào buổi tối. Đến sáng hôm sau, anh T. khó cử động, nửa người bên phải trở nên yếu và tê.
 
Tại bệnh viện, anh được xác định bị đột quỵ, được cấp cứu khẩn; chỉ số xét nghiệm máu HbA1c đến 10.95 % (cao gần gấp đôi người bình thường – dưới 5.7%). Bệnh sử ghi nhận anh thi thoảng đi tiểu thấy kiến bu nhưng nghĩ là bình thường.
 
Đột quỵ sau khi đi tiểu thấy kiến bu - Ảnh 1.
Nhiều người trẻ chủ quan với bệnh đái tháo đường
 
Trường hợp thứ hai là anh V.L.V. (47 tuổi, ở Bình Chánh), cũng có hiện tượng đi tiểu có kiến bu như trên, đái tháo đường mà không hay biết; khi liệt mặt, yếu nửa người, đưa đến cấp cứu thì bị đột quỵ. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh V. bị tiểu đường tuýp 2 với chỉ số đường trong máu tăng cao 201.6 mg/dL (người bình thường dao động từ 70 – 100 mg/dL), chỉ số HbA1c lên 7.84%.
 
BSCKII Trần Thùy Ngân, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết cả hai bệnh nhân đều được điều trị khắc phục tình trạng đột quỵ não, được tiêm insulin dưới da đưa đường huyết về mức phù hợp ở bệnh nhân bị đột quỵ từ 140 – 180 mg/dL.
 
Các bác sĩ cảnh báo hiện tượng nước tiểu bị kiến bu có thể mắc bệnh tiểu đường hoặc có khi là bệnh khác như nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu máu hoặc tiểu đạm… Tuy nhiên, có những trường hợp trong nước tiểu có đường nhưng đường huyết vẫn bình thường. Do vậy, người dân cần khám và xét nghiệm kỹ đường máu mới xác định có bị bệnh đái tháo đường hay không.
 
NGUYỄN THẠNH (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu