Thứ năm, 12/09/2019,10:47 (GMT+7)
Doveco sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả mỗi năm ở Tây Nguyên
Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai đi vào hoạt động không chỉ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mà còn đưa Tây Nguyên trở thành một trong những trung tâm chế biến rau quả chất lượng cao của cả nước.

Chế biến hơn 500 tấn rau quả mỗi ngày

Sau hơn một năm xây dựng, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chính thức đi vào hoạt động tại huyện Mang Yang, Gia Lai.

h1171702378

Khánh thành trung tâm chế biến rau quả Doveco tại huyện Mang Yang, Gia Lai.

Doveco Gia Lai với tổ hợp nhà máy chế biến rau quả hiện đại công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Có 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa gồm: Dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

Từ tháng 4/2019 đến nay, Doveco đã đưa vào vận hành, chạy thử với những lô hàng đầu tiên sản xuất ra đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Israel, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Với các tổ hợp sản xuất này, mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại để chế biến và xuất tươi nhiều dòng sản phẩm rau củ quả như: chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt khoảng 100 triệu USD/năm, tổng doanh thu hàng năm có thể đạt 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng năm từ 100 đến 150 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Doveco có điều kiện giới thiệu sản phẩm rau quả đặc sản của Tây nguyên như chanh dây, bơ, chuối, sầu riêng… ra thị trường thế giới.

Theo ông Khuê, với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Doveco sẽ góp phần tạo đầu ra ổn định cho rau quả nông sản khu vực Tây Nguyên, nâng cao giá trị gia tăng, giá trị sản xuất và nâng cao đời sống của người dân tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Doveco Gia Lai đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết trên 500 lao động ở địa phương và hàng chục ngàn nông dân tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản.

h3171716928

Lãnh đạo đi thăm quy trình chế biến rau quả của Doveco.

Ông Thành cũng kỳ vọng, Doveco sẽ mở đầu cho thời kỳ bùng nổ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, thu hút các nhà đầu tư mới. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Doveco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực của Việt Nam. Từ việc chủ động tạo ra giống mới cho năng suất cao, Doveco có công nghệ chế biến, xuất khẩu một cách bền vững.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Doveco tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh của mình, tiếp tục đồng hành cùng người dân Tây Nguyên để chế biến và tiêu thụ nhằm năng cao giá trị sản phẩm nông sản, đặc biệt là các loại cây đặc sản như chanh dây, bơ, chuối và sầu riêng.

Đòn bẩy để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển

Hiện nay, sản phẩm của Doveco xuất khẩu đến 50 quốc gia, tập trung chủ yếu vào thị trường các nước như: Nhật Bản Mỹ Israel, EU... Các sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Doveco chủ yếu là: dứa lạnh dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc, vải lạnh, mơ lạnh, rau chân vịt... Còn với thị trường trong nước, sản phẩm của Doveco đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ và đang chiếm một thị phần lớn.

Ông Kenichiro Nakano, đại diện công ty Tokai Denpun Nhật Bản cho biết, những năm gần đây, Doveco đã xuất khẩu sang Nhật Bản, thị trường khắt khe về chất lượng sản phẩm và giá bán. Nhờ sự hợp tác và chia sẻ công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý, Doveco đã tạo được niềm tin của khách hàng tại Nhật Bản.

Nhằm đưa Doveco Gia Lai trở thành trung tâm chế biến rau qua lớn nhất Tây Nguyên, Doveco đã có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh khu vực Tây Nguyên. 

Đến nay, Doveco đã phát triển vùng nguyên liệu dứa tại các địa phương như: Phú Thiện, Kông Chro, Ia Pa (Gia Lai) với diện tích 2.000 ha; phát triển vùng chuối nguyên liệu tại thị xã An Khê, huyện Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Mang Yang (Gia Lai) và tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum với diện tích 1.000 ha; phát triển vùng nguyên liệu chanh dây tại các địa phương của tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum với diện tích 2.000 ha. Theo kế hoạch đến năm 2020, vùng nguyên liệu của Doveco sẽ đạt từ 22.000 ha đến 25.000 ha.

h517173292

Chanh dây của Doveco được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc.

Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Doveco Gia Lai cho biết, việc hợp tác, liên kết giữa Doveco với nông dân sản xuất nguyên liệu bước đầu đã có kết quả tốt, tạo tiền đề cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao tại khu vực Tây Nguyên.   

Theo ông Nghĩa, Doveco ký hợp đồng với chính quyền địa phương để thuê đất của dân nhằm chủ động trong việc tổ chức sản xuất. Sau khi người dân cho thuê đất, Doveco tạo điều kiện thuê làm nhân công lao động ngay tại vùng nguyên liệu.

Doveco sẽ thực hiện đầu tư ban đầu cho bà con nông dân như: cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn từ khâu sản xuất cho đến chế biến và xuất khẩu.  

“Ngoài việc tiêu thụ nông sản, chúng tôi cũng góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng” – ông Nghĩa chia sẻ.

ĐĂNG LÂM – TUẤN ANH - (nongnghiep.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu