Thứ sáu, 07/07/2023,10:08 (GMT+7)
Dự án tái định cư 149 tỉ thưa dân bị mang ra “mổ xẻ”.
Dự án tái định cư 149 tỉ thực hiện nhiều năm nhưng người dân không muốn tới ở do thiếu thốn đủ bề, không bảo đảm cuộc sống.
 
Chiều 6-7, HĐND tỉnh Kon Tum tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Tại kỳ họp này, đại biểu Võ Thanh Chín, tổ đại biểu Đăk Hà, đã chất vấn gay gắt rằng Dự án Quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk H’Ring (nay là xã Đăk Long), huyện Đăk Hà còn nhiều bất cập.
 
Dự án này được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt từ năm 2009, với tổng diện tích 690 ha nhằm bảo đảm đời sống cho 300 hộ dân với trên 1.500 nhân khẩu, tổng mức đầu tư 149 tỉ đồng. Trong đó đất dân cư là 110ha, đất sản xuất là 580ha. Các hộ nằm trong vùng dự án sẽ được cấp 800m2 đất ở và 20.000m2 đất nông nghiệp để đảm bảo đời sống. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xã hội cần thiết cũng được đầu tư để phục vụ cho người dân trong khu quy hoạch...
 
Dự án tái định cư 149 tỉ thưa dân bị mang ra mổ xẻ - Ảnh 1.
Đại biểu Võ Thanh Chín, tổ đại biểu Đăk Hà, chất vấn gay gắt đối với dự án tái định cư 149 tỉ không hiệu quả
 
Tuy vậy, dự án này mới chỉ bố trí sắp xếp tại khu tái định cư cho 126/300 hộ và 674/1.500 khẩu. Tại đây, các hộ này được giao bình quân 400m2 đất ở và 6.700m2 đất nông nghiệp, thấp hơn nhiều so với quy mô ban đầu của dự án. Trong khi đó, tổng số tiền đã được quyết toán là trên 135 tỉ đồng.
 
Theo đại biểu Võ Thanh Chín, dự án đến nay không bảo đảm cho đời sống người dân, người dân không có đất sản xuất, còn khoảng 60 hộ dân không đến ở.
 
Đại biểu Chín cũng đề nghị làm rõ việc kinh phí 149 tỉ đồng để thực hiện dự án nay không đạt mục tiêu thì số tiền còn lại đã đi đâu, sử dụng như thế nào.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, dự án ưu tiên cho các hộ dân bị mất đất hoàn toàn do phải di dời để đầu tư thủy điện Plei Krông và số hộ dân không đủ đất sản xuất. Đến năm 2018, dự án đã kết thúc. 
 
Ông Sâm cho rằng dự án chưa đạt hiệu quả do số hộ di dân lên khu tái định thấp hơn mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do quỹ đất sản xuất tại khu tái định cư cấp cho người dân chưa bằng 1/3 so với diện tích dự án được duyệt. Bên cạnh đó, đa số các hộ dân quen với tập quán sản xuất, canh tác cộng đồng nơi ở cũ không muốn lên khu tái định cư mới. Một số hộ chỉ lên canh tác, sản xuất rồi quay về làng cũ sinh sống.
 
Việc bố trí thiếu đất ở, đất sản xuất là do chủ đầu tư làm chậm, không ưu tiên nên chỉ bồi thường, giải phóng mặt bằng được 126 ha. Bên cạnh đó, dự án còn nhiều hạn chế như thiếu nước sinh hoạt, khu dân cư nằm trên đỉnh đồi lộng gió, sạt lở… Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo khắc phục các tồn tại.
 
Dự án tái định cư 149 tỉ thưa dân bị mang ra mổ xẻ - Ảnh 3.
Những ngôi nhà vắng bóng người dân, cỏ mọc um tùm ở dự án Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk H’Ring
 
Theo ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, sau khi tỉnh chỉ đạo thì UBND huyện đã cho khoan 5 giếng, đến nay đã bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.
 
Về đất sản xuất, ông Hà Tiến thừa nhận thiếu sót của UBND huyện do chưa bảo đảm các hạng mục của dự án được phê duyệt. Bên cạnh đó, cũng đang còn 85 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vướng mắc về thủ tục pháp luật.
 
Ông Sâm cho biết UBND huyện Đăk Hà chịu trách nhiệm chính, toàn diện. Sở Kế hoạch và Đầu tư và những cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trong việc tham mưu không được tốt để xảy ra những hạn chế. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có trách nhiệm một phần khi đền bù, giải phóng mặt bằng mà không có trách nhiệm với người dân, đẩy hết trách nhiệm cho địa phương. Đối với một số hộ còn lại, thời gian tới, trong khả năng giải quyết được quỹ đất thì tiếp tục vận động lên khu tái định cư.
 
Hoàng Thanh (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu