Thứ tư, 02/10/2024,12:50 (GMT+7)
Dự báo mới nhất lũ trên sông Thao và nguy cơ lụt ở Yên Bái
Lũ trên sông Thao tại Yên Bái đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ tại trạm Yên Bái 31,71 m lúc 23 giờ ngày 1-10, dưới báo động 3 là 0,29 m.
 
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 1 giờ ngày 2-10, mực nước tại trạm Yên Bái 31,64 m, dưới báo động 3 là 0,36 m.
 
Dự báo mới nhất lũ trên sông Thao và nguy cơ lụt ở Yên Bái- Ảnh 1.
Người dân ở TP Yên Bái đã phải chạy lũ trong đêm trong những ngày đầu tháng 9-2024
 
Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống và ở trên mức báo động 1.
 
Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức báo động 1.
 
Ngập lụt giảm dần tại khu vực trũng thấp phường Yên Ninh, phường Hồng Hà, phường Minh Tân, phường Nguyễn Thái Học, phường Nam Cường, phường Đồng Tâm, phường Hợp Minh, xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu (TP Yên Bái), thị trấn Cổ Phúc, Quy Mông, Kiên Thành, Báo Đáp, Việt Thành (huyện Trấn Yên), thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình), thị trấn Mậu A, Mậu Đông, Đông An, Đại Phác, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, An Phú, An Thịnh, Yên Hợp (huyện Văn Yên).
 
Tuy nhiên, nguy cơ cao vẫn xảy ra sạt lở đất tại khu vực vùng núi tại tỉnh Yên Bái.
 
Trước đó, ngày 1-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 7393 gửi UBND các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về việc ứng phó với lũ trên sông Thao.
 
Để chủ động ứng phó với diễn biến, ảnh hưởng của lũ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh; chủ động tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.
 
Các bộ, ngành, địa phương bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
 
Thùy Linh (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu