Thứ ba, 13/10/2020,10:54 (GMT+7)
Dự báo thị trường bất động sản và lời khuyên dành cho các nhà đầu tư
Mới đây, CBRE có buổi công bố tiêu điểm thị trường bất động sản quý III/2020, trước giờ diễn ra hội nghị, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội về những tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản nói chung và những dự báo, lời khuyên cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
du bao thi truong bat dong san va loi khuyen danh cho cac nha dau tu
Ảnh minh họa.
 
PV: Thưa bà, dịch Covid-19 tác động như thế nào đến thị trường bất động sản và sau dịch thì phân khúc nào sẽ có cơ hội tăng trưởng?
 
Bà Nguyễn Hoài An: Năm 2020, thị trường kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng chịu sự tác động mạng do dịch bệnh Covid-19. Đến nay đã qua 9 tháng, sự tác động rõ rệt đến hầu hết các phân khúc bất động sản. 9 tháng đầu năm, đối với bất động sản nhà ở chung cư, ghi nhận chỉ 10.000 căn hộ mới mở bán, lượng cung mở bán mới sụt giảm (so với cùng kỳ đạt 20.000 - 25.000 căn hộ mở bán mới).
 
Với phân khúc bất động sản văn phòng trong 9 tháng đầu năm, dịch bệnh đã tác động đến giá thuê văn phòng. Vì liên quan đến việc mở rộng, chuyển văn phòng của các doanh nghiệp đã có sự trì hoãn nhất định do đó ảnh hưởng tới diện tích thuê mới. Rất nhiều năm rồi chúng tôi chưa chứng kiến thị trường có tỷ lệ hấp thụ ở mức âm, sụt giảm liên quan đến công suất văn phòng như năm nay.
 
Với phân khúc bán lẻ cùng với lĩnh vực khách sạn, dịch vụ chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh, có thời gian chúng ta đóng cửa, hạn chế ra ngoài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thương mại. 9 tháng đầu năm mức độ tăng trưởng phân khúc này, khiêm tốn đạt dưới 1%, trong khi đó, 10 năm qua mỗi năm tăng trưởng 10 - 12%. Điều đó, làm tỷ lệ trống của trung tâm thương mại nói chung tỷ lệ trống tăng lên nhiều so với những năm vừa qua. Tuy nhiên, điểm thú vị với trung tâm thương mại là tầng trệt không có tỷ lệ trống và giá thuê không có nhiều biến động, chủ yếu trống ở tầng trên. Mặc dù vậy, một số chủ nhà sẵn sàng hỗ trợ, có những ưu đãi giảm giá cho khách thuê còn một số chủ nhà lựa chọn cách khác như chấp nhận đóng cửa chờ đợi thời gian tới.
 
Mặc dù vậy, ngành bán lẻ có những điểm sáng, như ngành ăn uống, các đơn vị bán lẻ quốc tế mở thêm cửa hàng. Với triển vọng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, trong những năm tới nền tảng thị trường ngành bán lẻ tương đối lạc quan.
 
Nhu cầu nhà ở rất tiềm năng đặc biệt bất động sản nền đất được quan tâm lớn, xu hướng chuyển ra ngoài trung tâm diện tích thoáng đãng, có vườn tược.
 
Còn bất động sản văn phòng trong năm 2021 diện tích tiếp tục tăng lên, xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng hơn. Ví dụ, khách thuê liên quan đến thương mại, điện tử công nghệ thông tin không nhất thiết nằm ở trung tâm thành phố mà chỉ cần ở nơi có thể tiếp cận dễ dàng nhất đến sân bay, cầu cảng hay tuyến đường quốc lộ chính. Một điểm nữa liên quan đến thuê văn phòng, các doanh nghiệp liên tục xem xét lại nhu cầu đến đâu, xu hướng kết hợp văn phòng truyền thống với văn phòng linh hoạt.
 
PV: Thưa bà, bất động sản vùng ven vừa rồi ở Thạch Thất đã có cơn sốt nhưng quá ngắn (trong thời gian hơn 1 tháng) giống như Ba Vì trước đây vậy. Bà có lời khuyên gì đối với các nhà đầu tư đang say mê với bất động sản ngoại ô vùng ven và các tỉnh?
 
Bà Nguyễn Hoài An: Chúng tôi đã đưa ra nhiều khuyến cáo khác nhau đối với các nhà đầu tư lướt sóng. Bất kỳ con sóng nào nói chung cũng lên cao sau đó khi xảy ra biến cố thị trường thì giá sẽ giảm xuống nhanh chóng.
 
Với bất động sản vùng ven có nhiều kỳ vọng khác nhau, liên quan đến hạ tầng, dự án quy mô lớn nằm tại khu vực lân cận. Ví dụ: Khi nói đến dự án nghỉ dưỡng, khu công nghiệp quy mô lớn đó là tiền đề để kỳ vọng bất động sản khu vực lân cận tăng trưởng.
 
Thực tế lời khuyên, có lẽ nhà đầu tư đã hiểu rõ vấn đề này rồi vì thị trường họ đã chứng kiến qua hơn 10 năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tạm lướt sóng, tại các vùng ven này chủ yếu quan tâm hơn về mặt thông tin pháp lý của dự án, lô đất là vấn đề cốt lõi nhất để giảm thiểu rủi ro.
 
PV: Trước khi dịch bệnh xảy ra, bất động sản nghỉ dưỡng là niềm kỳ vọng đối với Việt Nam. Vậy cần có thay đổi gì để phát triển bền vững và hiệu quả hơn mảng này không thưa bà?
 
Bà Nguyễn Hoài An: Ngành Du lịch thời gian vừa rồi bị thiệt hại, tác động nhiều nhất, sự tác động không chỉ đối với Việt Nam mà trên cả thế giới với các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn... Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch nước ta 5 năm qua tăng trưởng tốt, nguồn cầu từ khách du lịch trong và ngoài nước, do đó chúng ta nhìn thấy rõ nguồn cung tăng trưởng tương xứng.
 
Thời gian vừa qua, rất nhiều chuyên gia cho rằng ngành Du lịch Việt Nam cần quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ, cũng như sự đa dạng sản phẩm. Đây cũng là điều cốt lõi kéo theo và tăng lượng khách mới, khách trở lại du lịch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú biết nắm kết hợp được bản năng của địa phương đó sẽ thuận lợi hơn trong kinh doanh.
du bao thi truong bat dong san va loi khuyen danh cho cac nha dau tu
Ảnh minh họa.
 
PV: Tổng kết của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mới đây cho rằng, giá chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh vượt lên ngưỡng rất caọ, nguyên nhân do nguồn cung thắt chặt. Điều này liệu có gây ảnh hưởng xấu tới thị trường không và dự đoán về tương lai giá các dự án chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ra sao, thưa bà?
 
Bà Nguyễn Hoài An: Bất động sản nhà ở chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 - 4 năm vừa rồi tăng trung bình 10 - 15%, cá biệt có dự án tăng 20%/năm, đây là mức tăng gọi là tăng trưởng nóng của mặt bằng giá. Như chúng ta đã biết, Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước nên các nhà đầu tư nước ngoài thích tìm hiểu và đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, Việt Nam được coi là điểm đến đầu tư mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì mặt bằng an toàn ổn định. Các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ đến đầu tư tại Việt Nam là nghĩ đến Thành phố Hồ Chí Minh đầu tiên.
 
Nếu so sánh bất động sản ở các nước đã đạt ngưỡng rất cao như Singapore, Hồng Kông và Băng Cốc thì Việt Nam giá bất động sản vẫn ở mức hợp lý. Vì vậy, trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều nguồn đầu tư. Nền tảng thị trường vẫn kỳ vọng gia tăng nguồn tiền tiếp tục đổ vào Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam.
 
Thực tế tại Việt Nam cũng như Thành phố Hồ Chí Minh do hạn chế nguồn cung, làm thị trường giá có thể lên cao nữa. Nên hy vọng thời gian tới việc cấp phép cho các dự án mới sẽ được nới lỏng hơn đôi chút để có nhiều dự án mới, tăng nguồn cung. Như hiện nay, mặt bằng giá mới khiến việc tiếp cận dự án mới của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, xu hướng các nhà đầu tư chuyển hướng ra phía Bắc. Như vậy trong thời gian tới hai đầu cầu thị trường giá sẽ cân bằng hơn.
 
PV: Trân trọng cám ơn bà!
 
Kim Oanh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu