Thứ năm, 31/10/2019,15:48 (GMT+7)
Du lịch Lạng Sơn: Cần phát huy tiềm năng từ di sản
Ngày 26-10, tại TP Lạng Sơn, UBND TP Lạng Sơn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh núi Tô Thị, thành nhà Mạc - Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý. Hội thảo đã nêu nhiều ý tưởng phát triển du lịch chung cho Lạng Sơn, không chỉ tại cụm di tích danh thắng Nhị, Tam Thanh, núi Tô Thị và thành nhà Mạc.

Du lịch Lạng Sơn: Cần phát huy tiềm năng từ di sản

Chùa, động Tam Thanh.

Tài nguyên du lịch phong phú

Ai lên xứ Lạng đều nhớ câu ca:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn dò”

Không chỉ có cụm di tích danh thắng động Nhị Thanh, Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc, tài nguyên du lịch của TP Lạng Sơn còn phong phú, dày đặc những di tích lịch sử - văn hóa, những lễ hội truyền thống (lễ hội Tả Phủ - Kỳ Cùng, lễ hội chùa Tam Thanh, lễ hội chùa Tiên, lễ hội Pác Moòng, lễ hội Đền vua Lê…) thu hút được nhiều khách du lịch; văn hoá ẩm thực đặc sản độc đáo và mang đậm bản sắc (các loại xôi, bánh, măng đắng, rau ngót rừng, canh măng, canh nấm, cá nướng, cá sấy, vịt quay, lợn quay, khau nhục, chân giò nhồi, gà tần, phở chua, rượu ngô, rượu nếp, rượu Mẫu Sơn...); các loại hình dân ca, dân vũ đặc sắc - hát then, hát sli, hát lượn (dân tộc Tày, Nùng)…

Lạng Sơn còn có kho tài nguyên du lịch gắn với môi trường tự nhiên: Nhiều hang động tự nhiên kỳ vĩ: thác Soong Cau (xã Quảng Lạc) cao hơn 100 m như một dải lụa trắng thơ mộng, sông Kỳ Cùng như một chứng nhân về sự đổi thay, phát triển của xứ Lạng. Tài nguyên du lịch tự nhiên với vẻ đẹp hùng vĩ và không gian khoáng đạt, với cảnh tĩnh mịch và môi trường trong lành đã tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ và cảm xúc sâu đậm với du khách. Các tài nguyên du lịch này nên/cần được khai thác để phát triển nhiều loại hình du lịch.

Bia của các danh sĩ trong động Tam Thanh.

Đề xuất định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã nêu ý kiến: Với vốn tài nguyên du lịch phong phú, muốn cạnh tranh và phát triển, điều cần thiết là phải tìm ra yếu tố riêng khác, tiêu biểu, đặc trưng cho Lạng Sơn. Để quản lý và khai thác tốt trước tiên phải hiểu rõ lịch sử; những giá trị của di tích, danh thắng và coi đó là những giá trị cốt lõi cho việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, truyền bá, khai thác và phát huy.

Mật ong - sản vật Lạng Sơn.

Chẳng hạn: Chuyện nàng Tô Thị sống mãi trong ký ức nhân dân, đá Vọng Phu Lạng Sơn nổi tiếng nhờ có những bài thơ đề vịnh của các nhà thơ danh tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Đây là lợi thế rất lớn cho du lịch TP Lạng Sơn xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh đặc thù vừa tôn vinh vừa bảo tồn di sản, vừa mang lại sự cải thiện điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương. Núi Nàng Tô Thị nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh (động Tam Thanh, Nhị Thanh, núi Nàng Tô Thị,…) có thể trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của TP Lạng Sơn và thương hiệu du lịch, tạo sức hút quảng bá du lịch.

Lạng Sơn còn có thể đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch mua sắm biên mậu kết hợp với trải nghiệm văn hóa ẩm thực thông qua việc thăm những chợ nổi tiếng như: Chợ Kỳ Lừa, Chợ Đông Kinh, chợ Chi Lăng, chợ đêm… Ngoài ra, để đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch, TP Lạng Sơn cũng có thể khai thác đặc trưng của sông Kỳ Cùng cho các sản phẩm du lịch đường sông, hay du lịch biên mậu, du lịch cộng đồng - nông nghiệp… Các động Nhị Thanh - Tam Thanh, Thành nhà Mạc là một quần thể di tích, danh thắng, việc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích này phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng và đặc biệt cần thiết của TP Lạng Sơn .

Ý tưởng quy hoạch tổng thể khu di tích, danh thắng Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị và Thành nhà Mạc thành công viên lịch sử văn hóa đáp ứng được nhiều mục tiêu: Bảo tồn cảnh quan tự nhiên, di tích lịch sử; tạo không gian xanh cho cộng đồng cư dân trong khu vực, cảnh quan kiến trúc đô thị của thành phố và tạo dựng một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Các phương án bảo tồn cần được xem xét trong bối cảnh vận động của xã hội từ đó có được lời giải hài hòa giữa yếu tố bảo tồn và yếu tố phát triển.

Cà chua - sản vật Lạng Sơn.

Song song với bảo tồn các giá trị vật thể, việc bảo tồn các giá trị phi vật thể cũng có vai trò quan trọng đặc biệt. Các giá trị của văn hóa phi vật thể là linh hồn của di tích, thu hút khách đến với di tích. Các hoạt động liên quan đến di tích bao gồm cả việc xây dựng cơ sở vật chất và những sinh hoạt văn hóa phi vật thể đều phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương, đó phải là yêu cầu tiên quyết trong việc lựa chọn các phương án quy hoạch, thiết kế.

TP Lạng Sơn là nơi có tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế phong phú, Nếu khơi dậy và phát huy, các tiềm năng văn hóa, du lịch ở TP Lạng Sơn sẽ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngành du lịch TP Lạng Sơn cần xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù và tạo điểm nhấn cho thương hiệu. Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhưng nếu được định hướng đúng sẽ giúp ngành du lịch của thành phố và cả tỉnh Lạng Sơn phát triển, tạo đà cho sự phát triển hơn nữa trong tương lai.

Ông Lê Trí Thức, Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn cho biết: “Thành phố đã có và đã triển khai thực hiện kế hoạch quản lý, khai thác để phát huy tiềm năng, lợi thế và giá trị của khu di tích, danh thắng Nhị, Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc và kết nối cụm di tích danh thắng này với các điểm du lịch khác trong tỉnh để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với văn hóa dân tộc, mang những đặc trưng vùng miền… để đạt mục tiêu du lịch thành phố sẽ là nền kinh tế mũi nhọn vào năm 2030”.

Những sắc màu bánh dày của người Tày ở Lạng Sơn.

NGỮ THIÊN - (nhandan.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu