Thứ tư, 18/12/2019,14:07 (GMT+7)
Du lịch sinh thái tạo sinh kế bền vững
Để đồng bào 9 huyện miền Tây có thể khai thác tốt tiềm năng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, tỉnh Nghệ An định hướng phát triển du lịch cộng đồng là nhiệm vụ then chốt.
10-02-06_1
Phát triển du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp cho miền Tây xứ Nghệ.
 
Sau 3 năm thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, tình hình an ninh trên địa bàn Nghệ An ổn định thấy rõ. Nhưng dưới góc độ khách quan được cái này lại mất cái khác, nhìn chung vùng cao xứ Nghệ đều “khát” đất sản xuất.
 
Sống cạnh rừng nhưng không cậy nhờ được vốn quý, thực trạng đáng buồn trên đang diễn ra tại các huyện sở hữu diện tích đất rừng và lâm nghiệp vượt trội như Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp hay Quỳ Châu. Quả thực với đôi ba đồng kinh phí nhận khoán èo uột hàng năm, người dân bản địa chưa thể tính đến chuyện ăn no ngủ kĩ, nghiêm trọng hơn cái đói cái nghèo là gốc rễ của những hành vi phi pháp.
 
Để tháo gỡ nút thắt, tỉnh Nghệ An đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch nhằm sớm thoát ra khỏi mớ bòng bong, điểm nhấn chính là việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nơi chính người dân trực tiếp đảm nhận vai trò then chốt.
 
Thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ngày 7/1/2019 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND để thực hiện mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
 
Một trong những nội dung trọng tâm được nhắc đến là tích cực kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí gắn với phát huy giá trị các công trình văn hóa và lịch sử tiêu biểu.
 
Từng bước hình thành quần thể du lịch sinh thái – cộng đồng tuyến Quốc lộ 7 trên cơ sở kết nối Vườn Quốc gia Pù Mát - Khu Bảo tồn săng lẻ Tam Đình – Khu du lịch sinh thái Phà Lài và bản làng du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc ở Con Cuông và Tương Dương. Tiếp tục xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng tại Quỳ Châu, Quế Phong…
 
Để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, sẽ lựa chọn xây dựng một số sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, làng nghề truyền thống như cánh đồng hoa hướng dương, các trang trại trồng hoa, cây ăn quả tại Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp; trà dược liệu ở Con Cuông; hình thành đội văn nghệ các bản làng cộng đồng ở Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong để tạo điểm nhấn cho thực khách cả nước tìm về.
 
Có bước chuẩn bị kỹ lưỡng, được sự quan tâm của HĐND, UBND tỉnh, của các cấp ngành, địa phương, đặc biệt là sự nhập cuộc của các doanh nghiệp và người dân nên kết quả thu về rất đáng ghi nhận.
 
Sau thời gian khởi đầu khá khó nhằn, lúc này mọi thứ dần đi vào ổn định, với diễn biến lúc này có thể nói lộ trình vạch ra đang đi đúng hướng.
 
Điểm du lịch cộng đồng sinh thái “hút” thực khách nhất thời gian qua là Thác Kèm, thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông. Ngày 21/8//2018 UBND tỉnh đã có Quyết định số 3690/QĐ-UBND về việc “công nhận điểm du lịch” đối với danh thắng nức tiếng này, tạo nên bước ngoặt lớn, bằng chứng là lượng khách du lịch đổ về ngày càng tăng mạnh, đáng chú ý khách nước ngoài chiếm tỷ lệ rất khả quan.
 
Tính rộng ra, tổng khách tìm về Vườn Quốc gia Pù Mát năm 2018 đạt đến 35.383 người, cao hơn 2017 gần 10.000 người. Riêng 6 tháng 2019 đã có đến 24.588 người, một con số quá ấn tượng.
 
Một cái tên khác tạo được dấu ấn khá rõ nét là Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VSC, địa chỉ tại thôn Liên Tân, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Bằng nỗ lực không ngơi nghỉ và niềm đam mê bất tận, người đàn bà kiên định – Giám đốc Vi Thị Thắm đã biến địa danh Phà Lài hoang sơ giữa chốn mây ngàn trở thành điểm dừng chân đầy chất thơ, đủ sức níu chân thực khách ưa khám phá.
 
Cùng với quá trình triển khai Dự án bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyền miền Tây Nghệ An tại Vườn Quốc gia Pù Mát, những mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên được UNESCO hỗ trợ xây dựng tại các bản Nưa, Yên Thành, Xiềng và Khe Rạn (Con Cuông).
 
Từ thành công có được, đến nay mô hình đã được nhân rộng ra nhiều bản khác của 5 huyện miền Tây xứ Nghệ, điển hình như bản Pha (Con Cuông), Hoa Tiến (Quỳ Châu), Minh Thái (Tân Kỳ), Lau, Mác, Quang Phúc (Tương Dương), Na Xái, Hủa Mương (Quế Phong).
PHẠM VIỆT - (nongnghiep.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu