Thứ năm, 19/09/2019,07:46 (GMT+7)
Du lịch Sơn La phát triển khởi sắc
Tỉnh Sơn La nằm dọc trên quốc lộ 6, cách thủ đô Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc. Đến với Sơn La, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một vùng núi non hùng vĩ và khám phá giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, cuốn hút vòng xòe của các chàng trai, cô gái Thái, ngây ngất say trong men rượu cần, cùng thả hồn theo ánh lửa bập bùng, vang xa của đêm hội nhạc rừng huyền ảo. Sơn La đang sở hữu nguồn tiềm năng lớn có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

Danh lam thắng cảnh

Sơn La là vùng đất còn hoang sơ thuần khiết của núi rừng, của những dòng suối nước trong veo và những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Vùng đất này có những hang động kỳ thú (hang Dơi, hang Chi Đảy, hang nhả nhung, hang Ta Búng...), những thác nước chảy róc rách ngày đêm (thác Dải Yếm, thác Tạt Nàng…), đặc biệt là nguồn tài nguyên suối nước nóng hết sức phong phú (suối nước nóng bản Mòng, suối nước nóng bản Lướt). Bên cạnh đó, Sơn La còn lôi cuốn, hấp dẫn du khách bởi những đồi hoa mơ, hoa mận, hoa đào cùng cánh đồng hoa cải nở rộ…

Cao nguyên Mộc Châu

Nằm ở độ cao 1.050m so với mặt biển, Mộc Châu là cao nguyên lớn trải dài khoảng 80km, rộng 25km với 1.600ha đồng cỏ, thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nơi đây trải rộng ngút ngàn tầm nhìn với những đồi chè, đồng cỏ mênh mông, những đàn bò sữa. Có dịp đến với Mộc Châu vào tháng 9, đầu tháng 10 bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ nằm bên dưới thung lũng. Đến khoảng cuối tháng 11 là lúc hoa cải trắng nở rộ, khắp nơi như được phủ trong biển mây bồng bềnh, hay sang đến tháng 3 những vườn mận đang bung nở sẽ hút hồn mọi du khách.

Mộc Châu còn được nhắc đến với rừng thông bản Áng có không khí mát mẻ, đồi thông rộng lớn. Bóng thông xanh bất tận cao vút ẩn hiện trong làn nước khiến du khách khát khao được khám phá hết khu rừng bạt ngàn này. Bên cạnh đó, nơi đây còn có Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm… cũng vô cùng hấp dẫn. Đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, du khách còn được khám phá trải nghiệm văn hóa của người Mông, người Dao qua câu hát, điệu múa khèn, các món ăn đặc sản dân tộc và các sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.

Tà Xùa - Bắc Yên

Tà Xùa là một trong những thiên đường "săn mây" miền Bắc, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Tà Xùa mang vẻ đẹp đậm chất Tây Bắc với những dãy núi trùng điệp cùng đường đèo dốc quanh co và sương mù giăng kín lối. Đến Tà Xùa, bạn cũng đừng quên thưởng ngoạn "sống lưng khủng long" Háng Đồng, nằm cách trung tâm xã Háng Đồng chừng 5km. Vào những lúc mây về, “sống lưng khủng long” như chìm trong mây, không gian trở nên mờ ảo. Thời điểm lý tưởng nhất để “săn mây” là từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Bên cạnh vẻ đẹp của mây và núi, đến với Tà Xùa, du khách còn được thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc như: thịt lợn bản, xôi ngũ sắc, măng rừng, rượu ngô, chè Tà Xùa, táo mèo…

Suối khoáng nóng Ngọc Chiến

Suối khoáng nóng Ngọc Chiến nằm ở bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, được xem như là đặc ân của tạo hóa ban tặng cho vùng đất này. Suối khoáng nóng có nhiệt độ trung bình từ 35 - 500C, với nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Nằm cách trung tâm thành phố Sơn La 80km về hướng Đông Bắc, suối nước khoáng nóng Ngọc Chiến chảy quanh năm, nước trong suốt. Đến đây, du khách không chỉ được ngâm mình trong dòng suối khoáng nóng mà còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn gỗ pơ mu cổ nhuốm màu thời gian, được thưởng thức những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái, Dao, Mông…

Di tích lịch sử - Văn hóa

Sơn La là một vùng đất cổ có lịch sử lâu đời và là miền đất phên dậu của Tổ quốc. Sơn La có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, đó là những địa điểm sinh sống của các cư dân cổ, một trong những chiếc nôi của loài người; ghi dấu quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngoài ra, thiên nhiên còn ban tặng cho Sơn La nhiều danh lam thắng cảnh với hệ thống hang động phong phú, những khu rừng nguyên sinh xanh tốt quanh năm...

Di tích lịch sử nhà tù Sơn La

Nằm giữa lòng phố núi Sơn La, đồi Khau Cả uy nghiêm, trầm mặc soi mình bên dòng suối Nậm La hiền hòa, Nhà tù Sơn La - một trường học cách mạng tiêu biểu của các chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước, gắn liền với hình ảnh cây đào Tô Hiệu, biểu tượng về sức sống mãnh liệt, trường tồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908, được tiếp tục mở rộng năm 1930 và năm 1940 với dã tâm biến nơi này thành địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của người cộng sản Việt Nam. Nhưng chính tại nơi đây hơn bao giờ hết khí tiết của người tù cộng sản tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng tỏa khắp núi rừng Tây Bắc. Nhà tù Sơn La đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ sung cho Đảng, cách mạng Việt Nam những chiến sỹ cộng sản xuất sắc như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Song Hào, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Mai Chí Thọ, Lê Đức Thọ… và bao đồng chí trung kiên khác. Cây đào Tô Hiệu không những là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, mà còn là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân của nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu.

Ngày nay, Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ các dân tộc Sơn La và nhân dân cả nước. Nhà tù Sơn La được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia năm 1962, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014.

Di tích Văn bia Quế Lâm ngự chế và Đền thờ vua Lê Thái Tông

Di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm ngự chế

Di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm ngự chế

Di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm ngự chế thuộc phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La. Di tích là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử oai hùng của vị vua hùng tài đại lược Lê Thái Tông cùng quân sỹ chinh phạt quân phiến loạn ở phía Tây tổ quốc. Trên đường khải hoàn trở về, vua cùng binh sỹ nghỉ chân tại động La (Thẳm báo ké) Châu Mường La xưa nay là thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Thấy nơi đây phong cảnh đẹp, vua đã sáng tác bài thơ “Quế Lâm động chủ ngự chế” cho khắc trên vách động và lời tựa gồm 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán. Với giá trị lịch sử quan trọng, ngày 5/2/1994, Văn bia Quế Lâm ngự chế được xếp hạng Di tích quốc gia.

Cách văn bia không xa là đền thờ vua Lê Thái Tông, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2001 và khánh thành vào tháng 1/2003 để ghi nhớ công đức của vua Lê Thái Tông. Di tích Văn bia Quế Lâm ngự chế và đền thờ vua Lê Thái Tông ngày nay là điểm đến du lịch cội nguồn hấp dẫn, thu hút khách du lịch thập phương đến khám phá, chiêm bái để tưởng nhớ về một thời hào hùng của dân tộc.

Hang Dơi

Hang Dơi nằm ngay trung tâm thị trấn Mộc Châu, ở dãy núi phía Bắc quốc lộ 6. Người Thái gọi là Thẳm Kia (hang Dơi), hoặc là hang Sa Lai (hang Nước) vì trong lòng núi có mạch nước ngầm chảy quanh năm không cạn. Hang có diện tích khoảng 6.915m2, với chiều dài 80m, cao 20m, rộng 25m, kết cấu thành 3 khoang lớn, được ngăn bằng các bức tường thạch nhũ. Qua sự nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, Di tích hang Dơi đã có người Việt cổ sinh sống cách ngày nay từ 3.000 - 3.500 năm. Di tích hang Dơi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia ngày 24/1/1998.

Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi

Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa quốc lộ 37 và quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, một “yết hầu” mà thực dân Pháp quyết liệt ngăn chặn, hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ghi dấu chiến công này, năm 2002, tỉnh Sơn La đã tổ chức xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay tại ngã ba Cò Nòi lịch sử. Khu tưởng niệm bao gồm: Tượng đài liệt sĩ thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi; 2 bức phù điêu, thể hiện tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được xếp hạng quốc gia năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hiện nay, Di tích Lịch sử ngã ba Cò Nòi đã trở thành một điểm đến quen thuộc của nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch hướng về cội nguồn "Qua miền Tây Bắc".

Lễ hội Sơn La

Nói đến Sơn La là nói đến một vùng văn hóa đa dạng, phong phú bởi mảnh đất này là nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng, với những lễ hội mang đậm bản sắc tộc người.

Lễ hội Hết Chá

Lễ hội Hết Chá của người Thái trắng, bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là lễ tạ ơn của những người được thầy mo chữa khỏi bệnh, tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần sông, thần núi, thần thổ địa giúp con người ở trần gian duy trì cuộc sống, cầu cho người khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như đấu kiếm, nấu ăn, trâu cày, bắt cá... Tất cả các trò chơi đều gắn liền với đời thực, với kinh nghiệm trồng lúa nước của dân tộc Thái từ xa xưa. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Lễ hội Hết Chá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015.

Lễ hội mừng cơm mới

Lễ hội mừng cơm mới của người Thái Ngọc Chiến, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã có từ lâu đời. Đồng bào Thái quan niệm để có một mùa vụ bội thu thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên rất quan trọng. Vì vậy, trước khi thu hoạch lúa, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trời đất. Lễ hội được chia làm 2 phần: phần lễ để cảm tạ tổ tiên, những người đã có công khai phá, gây dựng làng bản; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; phần hội gồm các hoạt động sôi nổi như: thi làm cốm, thi bắt cá, thi ẩm thực, thi các môn thể thao... Lễ hội còn là dịp các thành viên quây quần bên nhau, vì thế, dù công việc bận rộn các thành viên trong gia đình đều cố gắng sắp xếp thời gian về sum vầy trong Lễ mừng cơm mới.

Lễ hội đua thuyền

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày mùng 10 tháng giêng hàng năm, tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La lại diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống để mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước và quê hương một năm mới thắng lợi. Đây là nét đẹp văn hóa của nhân dân các dân tộc vùng thượng nguồn sông Đà, huyện Quỳnh Nhai cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội đua thuyền là dịp để giới thiệu, quảng bá đến nhân dân và du khách thập phương về miền đất, con người, nét văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, góp phần nâng cao trình độ dân trí, mở rộng đối ngoại hợp tác, giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, thiết lập mối quan hệ với các địa phương lân cận, trong và ngoài nước khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Làng nghề truyền thống

Ngoài những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vị trí địa lý thuận lợi, nhiều di tích nổi tiếng, Sơn La còn thu hút, hấp dẫn du khách bởi những nghề thủ công truyền thống, với các sản phẩm như: vải thổ cẩm, đồ mây tre đan, đồ gốm, trang sức… Đây là những tiềm năng để xây dựng sản phẩm du lịch là quà tặng ý nghĩa dành cho du khách khi về thăm Sơn La.

Nghề làm gốm truyền thống Mường Chanh

Xã Mường Chanh cách thành phố Sơn La khoảng 20km về phía Bắc. Đây là xã 100% người Thái đen, nơi duy nhất còn tồn tại nghề làm đồ gốm thủ công truyền thống. Đồ gốm Mường Chanh nổi tiếng với các sản phẩm chính nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời sống của người dân như: chum, vại, hũ, lọ… được dùng với rất nhiều công dụng: đựng nước, ngâm chàm nhuộm vải, đựng muối, mỡ, mắm cá, làm măng chua, rượu cần rất thơm ngon, dùng chứa hạt giống, đựng thóc, sắn, thức ăn và các loại con giống làm đồ chơi cho trẻ em. Tuy kỹ thuật chế tác còn đơn giản nhưng gốm Mường Chanh từ lâu đã có tiếng vang, được nhân dân các dân tộc miền núi Tây Bắc tin dùng.

Nghề dệt vải lanh của người Mông

Bên cạnh việc làm nương rẫy, người Mông còn có một số nghề thủ công truyền thống đạt kỹ thuật cao, đặc sắc nhất trong số đó là nghề dùng sợi lanh để dệt vải. Công việc se lanh, dệt vải đã trở thành biểu tượng cho sự cần cù, khéo léo, tinh tế người phụ nữ Mông. Những bộ trang phục truyền thống đa sắc màu còn tô điểm cho sức sống của người Mông trên vùng cao phía Bắc Tổ quốc. Để làm ra bộ quần áo theo đúng phương pháp truyền thống, phải trải qua những công đoạn công phu, cầu kỳ. Cây lanh sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô, tước vỏ rồi cho vào cối để giã mềm, nối những sợi lanh với nhau rồi se thành sợi. Để tạo độ bền, đẹp của sợi, người Mông luộc sợi cùng với nước sôi pha sáp ong rồi đem đi ép hết nước. Sau khi sơ chế, họ đem sợi ra phơi, quay và gỡ những sợi lanh để không bị rối. Đến lúc này việc chế biến sợi nguyên liệu dệt được hoàn thành, sợi được đưa vào khung dệt thành vải, in hoa văn, nhuộm màu, để chế tác những bộ trang phục truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghề “canh cửi” vẫn được những người phụ nữ dân tộc Mông gìn giữ như minh chứng về giá trị thẩm mỹ của một dân tộc giàu truyền thống văn hóa.

Nghề làm giấy của người Mông

Giấy thủ công là một sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào người Mông ở Sơn La. Họ thường làm giấy vào mùa khô ráo, trời nắng mới đem phơi giấy để giấy được trắng và đẹp. Để làm giấy, người Mông thường sử dụng là các chất liệu có sẵn như cây dướng, tre non, rơm dó… Giấy của người Mông không dùng để viết mà dùng phục vụ tâm linh, tín ngưỡng. Người ta dùng giấy để cắt các hình nhân, các con vật, hoa lá đem cúng trong các dịp lễ tết, giải hạn…

Ẩm thực

Các dân tộc ở Sơn La có những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc như: rượu cần, pa pỉnh tộp (cá nướng), mọ tu cáy (gà tơ tần), nộm da trâu, cháo mắk nhung, thịt trâu gác bếp… hấp dẫn khách du lịch trong nước cũng như quốc tế.

Pa pỉnh tộp

Pa pỉnh tộp hay gọi là cá nướng gập. Cá được mổ theo dọc sống lưng, ướp gia vị: xả, mắc khén, các loại rau thơm, tỏi, ớt,... rồi gập đôi theo chiều ngang, nướng trên than hồng. Cách tự nhiên nhất để thưởng thức món này là gỡ cá bằng tay, ăn cùng với xôi nếp nương hay cơm lam. Đây là món ăn đặc trưng và nổi tiếng của ẩm thực Sơn La mà du khách không thể bỏ qua.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là đặc sản của Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng, là món ngon du khách không thể chối từ nếu ghé thăm vùng đất này. Xôi được đồ từ gạo nếp thơm ngon của người Dao, hạt gạo to, mẩy, bóng, không bị lép, không lẫn với gạo tẻ. Gạo được nhuộm với các loại lá cây rừng (co khảu, khảu đen...), tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để cho ra 5 màu khác nhau, tạo nên sản phẩm xôi thơm ngon hấp dẫn.

Chẻo (đồ chấm)

Trong ẩm thực, người Thái coi trọng đồ chấm, tiếng Thái gọi là chẻo. Chẻo được sử dụng trong các bữa ăn bình thường cũng như khi đãi khách, chẻo để chấm xôi, các món luộc, đồ nướng và các món rau sống. Tùy vào loại thức ăn mà có nhiều cách chế biến chẻo để chấm cho phù hợp. Để chấm măng, ngoài muối và ớt, người ta cho thêm rau thơm: mùi, lá chanh, mắc khén vào giã nhuyễn, cho thêm chút nước lọc hòa tan tạo độ ướt cho dễ chấm.

Cháo quả đắng Phù Yên (mắk nhung)

Cháo quả đắng Phù Yên là một món ăn đặc sắc theo mùa vụ. Khi ăn, cháo có vị đắng thơm ngon, kèm theo đó là vị ngọt của thịt, gạo. Ăn cháo đắng có nhiều lợi ích như: kích thích sự thèm ăn, mát gan, sáng mắt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể…

Sơn La đang từng bước phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Theo đó, định hướng phát triển các dòng sản phẩm thế mạnh: du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cuối tuần ở các vùng cảnh quan; tham quan danh lam thắng cảnh, sinh thái, cộng đồng, thể thao mạo hiểm, khám phá, tâm linh, văn hóa… Hiện nay, Sơn La kêu gọi các nhà đầu tư đến khảo sát, tham quan để tìm kiếm cơ hội đầu tư, đưa du lịch ngày càng phát triển bền vững.

T.T - (vtr.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu