Phục hồi du lịch làm động lực cho kinh tế
Là một cực tăng trưởng phía Nam, TP Hồ Chí Minh có đóng góp vô cùng quan trọng cho kinh tế cả nước. Theo thống kê, Thành phố đóng góp khoảng 22-23% GDP, 25% ngân sách…, nếu TP Hồ Chí Minh suy giảm sâu về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng.
Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Thành phố xác định chủ động chuyển sang trạng thái “bình thường mới” (có phát sinh người nhiễm bệnh mới nhưng không có nguy cơ trở thành ổ dịch trong cộng đồng); tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn do dịch Covid-19, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Để đạt mục tiêu đó, chắc chắn Thành phố cần lấy ngành du lịch là một trọng tâm, để từ đó lan tỏa phát triển tới hàng loạt các lĩnh vực khác, như dịch vụ vận tải, bất động sản nghỉ dưỡng, sản xuất hàng tiêu dùng…
TP Hồ Chí Minh vốn được xem là một trong những địa danh có hạ tầng du lịch phát triển đồng bộ nhất trên cả nước với những tuyến phố được mệnh danh như Hồng Kông, Singapore của Việt Nam. Thế nhưng, khi hoạt động du lịch tê liệt trong những tháng vừa qua vì Covid-19, lợi thế này lại đang trở thành bất lợi vì vẫn phải chi phí để duy trì hệ thống trong khi nguồn thu gần như bằng 0.
Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tính chung bốn tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 387.568 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt 2.121 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ dịch vụ ăn uống giảm 45,1%.
Du lịch, lữ hành là ngành chịu tổn thất nặng nề nhất từ dịch bệnh. Doanh thu ước đạt 4.175 tỷ đồng, giảm đến 58,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động lữ hành dự báo sẽ còn khó khăn do dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gây sụt giảm mạnh đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong khi đó, du lịch nội địa dự báo sẽ có chuyển biến tích cực bắt đầu vào quý 3. Tuy nhiên tâm lý, chi phí là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của người dân.
Doanh nghiệp kỳ vọng dòng tiền
Doanh thu gần như không có để duy trì sự tồn tại của hệ thống, trả lương nhân viên, nói chi đến việc doanh nghiệp du lịch có lực để kích cầu, đầu tư hạ tầng chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Trong khi đó trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp hay theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ vẫn rất khó khăn. Trong thời điểm "nhạy cảm" như hiện nay, các ngân hàng từ chối hồ sơ vay do quan ngại khả năng thanh khoản và trả nợ của doanh nghiệp, nhất là đối với lĩnh vực lữ hành, lưu trú...
Do vậy, nhiều doanh nghiệp du lịch đã kiến nghị Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh làm cầu nối với các ngân hàng gia hạn những gói vay cũ, cho vay thêm khoản mới, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xoay xở qua dịch bệnh.
Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ; đồng thời mỗi tuần Sở Du lịch sẽ liên tục cập nhật danh sách mới gửi ngân hàng.
Trước đó, Sở cũng đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch. Nội dung tập trung vào nhóm giải pháp giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế…
Về vấn đề này, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ kiêm Phó Chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, rất cần có những giải pháp cụ thể tái thiết hoạt động du lịch khi dịch Covid-19 kết thúc. Thí dụ như, cần nhanh chóng hoạt động nhằm giữ lại lực lượng lao động vốn là nhân tố then chốt, đồng cam đồng khổ để phục hồi hoạt động kinh doanh của đơn vị.
“Ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể như các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp dịch vụ và du lịch được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa ...”, ông Trần Thế Dũng đề xuất.
Báo cáo về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng 20-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ cần có biện pháp hỗ trợ phục hồi nhanh các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, hàng không… Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “Điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Cung ứng vốn tín dụng kịp thời, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, chi phí vay vốn”.
“Có thực mới vực được đạo”, quyết tâm cao chưa đủ, mà quyết tâm đó cần được hiện thực hóa qua các giải pháp khả thi với sự chia sẻ và cộng hưởng các nguồn lực trong xã hội. Tin tưởng rằng, Chính phủ và Chính quyền TP Hồ Chí Minh sẽ sớm khơi thông nguồn vốn, để “bơm máu” cho các thực thể của nền kinh tế tiếp tục phát triển hạ tầng và các hoạt động kích cầu du lịch, chuẩn bị sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới.