Chủ nhật, 11/08/2019,15:40 (GMT+7)
Du lịch xanh đơm quả ngọt
Mô hình du lịch xanh với nhiều điểm đến du lịch, khách sạn sử dụng đồ dùng thân thiện môi trường, hạn chế túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần nhận được sự hưởng ứng tích cực của du khách, cộng đồng

Bước vào sảnh khách sạn Grand Sài Gòn (quận 1, TP HCM), du khách trong và ngoài nước khá bất ngờ với những đồ vật tái chế ngộ nghĩnh, xinh xắn. Đó là những con cua, bình hoa, chậu kiểng... làm từ lốp ôtô, xe máy. Các loại túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần cũng đang được dần thay thế bằng túi vải, túi giấy thân thiện môi trường.

Xu hướng tất yếu

Đại diện khách sạn Grand Sài Gòn cho biết đang triển khai kế hoạch chuyển sang dùng ống hút giấy hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa nhằm bảo vệ môi trường. Túi ni-lông đựng đồ giặt ủi của khách đã được khách sạn chuyển sang túi vải. Các thùng rác trước đây đặt túi ni-lông bên trong nay cũng không còn sử dụng. "Cách làm du lịch xanh sẽ giúp chúng ta đơm quả ngọt. Những khách sạn dần chuyển sang xanh, sạch, thân thiện với môi trường sẽ nhận được sự đánh giá cao của du khách bởi đây là xu hướng tất yếu" - đại diện khách sạn Grand Sài Gòn nói.

Du lịch xanh đơm quả ngọt - Ảnh 1.

Khách sạn Grand Sài Gòn tạo thích thú cho du khách nhờ tái chế lốp xe thành hình những con vật ngộ nghĩnh Ảnh: LAM GIANG

Nhiều du khách đến tham quan, du lịch và nghỉ ngơi tại một số nhà hàng, khách sạn 4-5 sao ở TP HCM cũng nhận xét đang có những tín hiệu tích cực trong việc giảm đồ nhựa dùng một lần, túi ni-lông. Chị Đào Linh - nhân viên văn phòng làm việc tại quận 3, TP HCM - khá bất ngờ khi thấy ống hút giấy, ly uống cà phê bằng giấy được nhiều khách sạn thay cho đồ nhựa. Một số nhà hàng cũng đã chuyển sang dùng ống hút bằng sắt, giấy hoặc bằng bột gạo để phục vụ du khách.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, chia sẻ gần đây, khi đi tour ở nhiều điểm đến trên cả nước, ông ghi nhận sự thay đổi đáng kể tại các điểm cung cấp dịch vụ du lịch trong việc hưởng ứng chiến dịch "nói không với rác thải nhựa, túi ni-lông". Khá nhiều khách sạn 2-3 sao ở đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Cát Bà (TP Hải Phòng) đã trang bị hộp đựng xà bông tắm, dầu gội, xà bông rửa tay... để sử dụng lâu dài, thay vì dùng một lần rồi bỏ. Bàn chải đánh răng bằng nhựa, nhiều khách sạn cũng không phục vụ, khách phải tự mang theo.

"Ban đầu du khách có thể khó chịu nhưng sau khi được giải thích và hướng dẫn, chắc chắn họ sẽ đồng ý, nhất là ở các đảo vốn không có nhiều nơi xử lý rác" - ông Trần Thế Dũng khẳng định.

Đừng làm kiểu phong trào

Trong xu hướng "nói không" với rác thải nhựa, nhiều cơ sở sản xuất ống hút giấy, ống hút bằng bột gạo ra đời, cung cấp cho những điểm đến du lịch, các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê... góp phần lan tỏa tới du khách, ngành du lịch.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho biết cách đây vài năm, khi đến các điểm tham quan trong nước, bà rất khó chịu khi nhiều nơi phục vụ du khách bằng chén, đĩa, muỗng nhựa dùng một lần... Sau đó, hiệp hội liên hệ với một số doanh nghiệp gốm sứ chuyên sản xuất chén, muỗng, đĩa, kêu gọi bán hàng giảm giá, khuyến mại cho nhà hàng, khách sạn, homestay làm du lịch để thay dần đồ nhựa. Không ngờ cả doanh nghiệp sản xuất và các nhà hàng, khách sạn cùng hưởng ứng tích cực. Ngoài ra, hiệp hội cũng phát động hiệu quả chương trình du lịch xanh, bảo vệ môi trường, nhất là ở những điểm đến vùng sâu, vùng xa như khu vực Tây Bắc... "Giờ đây, khi nhận thức của người làm du lịch thay đổi, nhiều nơi đã chuyển sang đồ sứ, gốm, thủy tinh. Ngay cả chai đựng xà bông cũng từ nhựa chuyển sang sứ, ai dùng bao nhiêu lấy bấy nhiêu, vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường" - bà Khánh đánh giá.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho rằng một khách sạn 5 sao trong nước, công suất 400-500 phòng, mỗi ngày trung bình thải ra lượng rác thải nhựa từ vỏ kem đánh răng, bàn chải đánh răng, lược... sẽ rất khủng khiếp. Do vậy, nếu có sự thay đổi theo hướng tích cực từ khách sạn, nhà hàng thì không chỉ giảm lượng rác thải nhựa cho chính các điểm đến du lịch mà qua đó cũng sẽ góp phần thay đổi nhận thức của du khách, cộng đồng. "Cần tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn để chiến dịch "nói không với rác thải nhựa" được thực hiện lâu dài, chứ không chỉ dừng ở phong trào" - ông Thành kêu gọi.

Cách đây 5 năm, khi đi khảo sát tour ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam - Trung Quốc), ông Trần Thế Dũng tận mắt thấy các điểm đến du lịch hạn chế dùng túi ni-lông, đồ nhựa mà chỉ dùng túi giấy. Lúc mua hàng gói bằng giấy, một số du khách Việt thấy bất tiện liền xin túi ni-lông để xách cho thoải mái thì người bán nhất quyết không cho. Lý do là vì chính quyền địa phương quy định như vậy, các cơ sở, dịch vụ phải tuân thủ. Hay trong các khách sạn ở Côn Minh cũng không phục vụ bàn chải đánh răng bằng nhựa mà khuyến cáo du khách mang theo...

Kể lại câu chuyện này, ông Dũng cho rằng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức gắn với quy định cụ thể bảo vệ môi trường thì du khách, cộng đồng sẽ tích cực hưởng ứng. 

Tiết kiệm chi phí

Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển, cho rằng khi giảm dùng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần, doanh nghiệp du lịch có thể tiết kiệm được chi phí hoạt động. Chẳng hạn, một nhân viên bình thường 1 giờ phục vụ được 8 phòng, giờ giảm vật dụng bằng nhựa thì dọn phòng nhanh gọn hơn, 1 giờ phục vụ được 10 phòng... sẽ tiết kiệm chi phí; đồng thời chi phí mua sắm đồ dùng cá nhân cho khách cũng giảm bớt.

Cũng theo ông Sơn, để chương trình "Nói không với rác thải nhựa" trở thành chiến dịch dài hơi, không chỉ là sự hưởng ứng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngành du lịch, mà cần chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý, nhà nước để thúc đẩy ngành công nghiệp thay thế đồ nhựa dùng một lần. Cụ thể, nếu nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch nào cũng chuyển sang dùng ống hút giấy, ly giấy, túi giấy... thì ngành công nghiệp này cũng cần phát triển tương ứng để đáp ứng nhu cầu.

Linh Anh-(nld.com.vn)
T/h: Quốc Dương-(dongbang.vn)
 
 
 
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu