Thứ năm, 19/05/2022,06:55 (GMT+7)
Đua nhau mua vải đầu mùa bất chấp giá cao: 120.000 đồng/kg vẫn cháy hàng
Vải thiều đầu mùa đang là một trong những loại hoa quả đắt nhất tại các chợ trên địa bàn Hà Nội. Giá thành tuy cao nhưng nhiều người vẫn tìm mua để thưởng thức.
 
Những ngày này, vải thiều bắt đầu bước vào mùa thu hoạch. Theo tìm hiểu, đa phần vải được bán ra hiện là vải u trứng, loại vải được thu hoạch sớm nhất và có giá thành rất đắt đỏ.
 
Anh Phạm Văn Bắc - chủ cửa hàng hoa quả (trú tại Cầu Giấy) chia sẻ: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với biến đổi khí hậu, đã bắt đầu vào mùa rồi nhưng thời tiết vẫn se lạnh, quả bé, chua nên nhiều nơi chưa xuất hàng. May mắn là nhà mình có vườn vải, chín cây là mang ra bán luôn. Nhiều người tìm mua nhưng giờ tìm nhập cũng không có để bán”.
 
Một số ít các cửa hàng vẫn bán vải, tuy nhiên giá rất cao lên tới 100 nghìn/1 kilogram
Một số ít các cửa hàng bán vải, tuy nhiên giá rất cao lên tới hơn 100.000 đồng/kg.
 
Vải u trứng có mã vải to đẹp, vỏ sáng, chín sớm hơn các loại vải khác nên thường có giá đắt. Theo ghi nhận, hiện vải đang được bán với với mức giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Đây là giá đã giảm so với vài hôm trước từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
 
Mặc dù vậy, tại các gian hàng ở các chợ cóc, chợ lớn tại Hà Nội vẫn chưa bày bán nhiều vải, thậm chí là hiếm hoi mới có một vài gian hàng có vải bày bán.
 
Những xe bán hoa quả dọc các con đường, thường có những loại hoa quả giá rẻ cũng chỉ có các loại hoa quả như xoài, cam, dứa... không thấy bóng dáng những chùm vải.
 
 
 Roi cũng là một loại quả được lựa chọn nhiều trong dịp hè này.
 
Nhiều người mua hàng lựa chọn các loại quả giá thấp hơn
Nhiều người mua hàng lựa chọn các loại quả giá thấp hơn.
 
Người bán cho rằng do vải có giá thành quá cao, quả đầu mùa cũng chưa thực sự đậm vị, giá lại cao nên kén khách mua. Thêm nữa, việc chưa xuất hiện nhiều vải trên thị trường là do hàng năm mùa thu hoạch vải phải bắt đầu từ 20.5.
 
Được biết số vải bày bán ít ỏi hiện nay là vải u trứng, u hồng... chín sớm hơn các loại vải khác 10-20 ngày. Đa phần người mua được vải sớm nhờ đặt trước hay qua các sàn thương mại, còn lại rất ít mua trực tiếp tại chợ và cửa hàng vì nguồn hàng khan hiếm và giá cao.
 
Cũng vì loại quả này tăng giá, nhiều hộ thay vì cố gắng nhập vải mà tập trung kinh doanh các loại khác. Chị Nguyễn Thu Hà (trú tại Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ:
“Vải đầu mùa khá là chua, giá lại khá cao, nhập hàng lại khó. Thay vì bán vải, tôi chọn bán các loại quả rẻ hơn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…
 
Cũng đang vào mùa nên các loại quả này ăn rất ngon, lái buôn nhiều nên giá cũng phải chăng hơn, đợi thêm ít hôm nữa, vào giữa hoặc cuối vụ mình mới kinh doanh”. 
 
Chôm chôm, măng cụt cũng đang được kinh doanh nhiều với giá chỉ bằng 1 nửa so với vải
Chôm chôm, măng cụt cũng đang được kinh doanh nhiều với giá chỉ bằng một nửa so với vải.
 
Tỉnh Bắc Giang đang triển khai các giải pháp để tiêu thụ khoảng 160.000 tấn vải thiều trong mùa vải năm nay.  
Ông Nguyễn Việt Oanh - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn cho biết, năm nay, tình hình thời tiết thuận lợi, dự báo vải thiều Bắc Giang có chất lượng tốt hơn năm trước, sản lượng toàn tỉnh ước đạt hơn 160.000 tấn, trong đó huyện Lục Ngạn hơn 95.000 tấn. Thời gian dự kiến thu hoạch bắt đầu từ ngày 25.5 đến 30.7.2022.
 
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) nổi tiếng trong và ngoài nước, được xuất khẩu đi nhiều thị trường, sang cả Châu Âu, Châu Úc… Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu có sản lượng lớn nhất là Trung Quốc.
 
Chia sẻ về phương án tiêu thụ vải thiều, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Sở Công Thương đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Trong đó, nếu tình hình dịch COVID-19 ổn định như hiện nay, sẽ tiêu thụ 50% thị trường nội địa, 50% số lượng còn lại xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu năm nay sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).
 
Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero COVID”, lượng vải xuất khẩu sẽ rút xuống còn 30% và đẩy mạnh 70% tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, tập trung chế biến (sấy khô).
 
PHAN LIÊN - THANH TÙNG (laodong.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu