Mô hình vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP của các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng. Ảnh: H.NHƯ
Trong những ngày cuối tháng 12, khi ánh nắng vàng ươm của mùa xuân đang đến gần, chúng tôi có dịp về lại các vùng quê trên địa bàn huyện Kế Sách - nơi có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh, với các loại trái cây như: bưởi, cam, vú sữa tím, măng cụt, nhãn, xoài… Vào những ngày này, bà con đang tập trung chăm sóc vườn cây ăn trái để đạt chất lượng cao nhằm kịp cung ứng thị trường tết cũng như xuất khẩu. Anh Nguyễn Trường Giang - thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng, xã Xuân Hòa (Kế Sách) phấn khởi: “Tham gia vào HTX, rồi được ký kết bao tiêu sản phẩm nên mình an tâm lắm. Theo đó, dù giá cả ở ngoài thị trường có tăng - giảm như thế nào thì bà con mình ở đây cũng được Công ty Chánh Thu mua vú sữa với giá ổn định là 30.000 đồng/kg, giờ chỉ lo chăm sóc cho cây tốt, trái ngon chứ không phải lo lắng gì đầu ra. Với diện tích trồng vú sữa tím chỉ chiếm 1/3 diện tích của vườn nhà thôi nhưng vụ này cũng cho thu nhập kha khá, chắc ăn tết khỏe”.
Được biết, năm 2018, tỉnh Sóc Trăng chính thức xuất khẩu lô hàng vú sữa tím đầu tiên sang thị trường khó tính như Mỹ, niềm vui này đã thúc đẩy hơn nữa quá trình liên kết hợp tác giữa các HTX trồng vú sữa trên địa bàn huyện Kế Sách nói riêng và của tỉnh nhà nói chung. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách Vũ Bá Quan cho biết: “Đến nay, trên địa bàn huyện có 7 HTX cây ăn trái đã xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được cấp 28 mã số vùng, giấy thông hành để xuất khẩu, với diện tích 228ha, của 5 loại trái cây chủ lực, gồm: bưởi, cam, vú sữa, xoài và nhãn. Trong các chuỗi liên kết đã xuất khẩu được gần 100 tấn vú sữa sang Hoa Kỳ và hơn 60 tấn bưởi vào thị trường châu Âu, đây là những thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Đồng thời, hàng trăm tấn bưởi, cam, xoài, vú sữa của các HTX sản xuất theo chuỗi liên kết cũng được tiêu thụ ở phân khúc chất lượng cao tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối”.
Anh Hồng Văn Cầu - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phương An giới thiệu sản phẩm rượu cam xoàn và mức vỏ cam. Ảnh: H.NHƯ
Chia tay huyện Kế Sách, chúng tôi tìm đến các nhà vườn trên địa bàn xã Hưng Phú (Mỹ Tú) - nơi nổi tiếng có cây cam xoàn và đây được xác định là đối tượng cây trồng chủ lực của địa phương này. Biện pháp canh tác hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học nên HTX Nông nghiệp Phương An, xã Hưng Phú đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP và HTX này đã lựa chọn hướng liên kết “4 nhà” để đa dạng hóa sản phẩm từ trái cam xoàn. Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm giá trị gia tăng, HTX Nông nghiệp Phương An còn quan tâm đến mẫu mã, đóng hộp để có thể cho, tặng, biếu, làm quà rất sang trọng. Dòng sản phẩm này có thể giúp cho xã Hưng Phú nói riêng, huyện Mỹ Tú nói chung tiếp tục duy trì, phát triển cây cam xoàn. “Trong thực hiện mô hình sản xuất, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, những thời điểm trái cam bị rớt giá, lợi nhuận của nhà vườn bị giảm, từ đó HTX cùng nhau tìm ra hướng đi mới cho cây cam, đặc biệt là nhờ sự hỗ trợ của các ngành, cơ quan chuyên môn nên mới tạo ra được những sản phẩm đặc trưng từ trái cam xoàn, như: rượu cam, mứt vỏ cam… được khách hàng gần xa đánh giá cao” - ông Hồng Văn Cầu - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phương An phấn khởi chia sẻ. Hiện rượu và mứt vỏ cam xoàn sấy dẻo còn là sản phẩm nằm trong danh mục OCOP của tỉnh, sản phẩm đã đạt 3 sao tại Cuộc thi đánh giá, xếp hạng sản phẩm đợt 2 năm 2020.
Hướng đến đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu
Để nâng tầm chất lượng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa thị trường và xuất khẩu, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái tỉnh cũng đã xây dựng được 14 vùng trồng và cấp 44 mã code cho hơn 400 hộ với diện tích trên 420ha. Đồng thời, duy trì và phát triển 4 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, bưởi, nhãn. Đặc biệt, trong năm 2020 đã tổ chức được 5 cuộc hội thảo xúc tiến thương mại tại tỉnh Sóc Trăng về trao đổi, xây dựng vùng trồng và liên kết tiêu thụ sản phẩm với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh, phòng nông nghiệp, đại diện các HTX và các công ty, doanh nghiệp.
Nhà vườn nỗ lực chăm sóc trái, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thì chú trọng công tác kêu gọi, xúc tiến quảng bá sản phẩm. Nói chung, ngành nông nghiệp đã tìm nơi tiêu thụ ngay khi trái vẫn chưa được hái khỏi cành, điều này thể hiện rõ sự liên kết chặt chẽ của Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học và doanh nghiệp, hướng đến mục đích chung là ổn định lợi nhuận kinh tế, giúp nhà vườn an tâm sản xuất. Ông Nguyễn Thành Phước - Phó Giám đốc Dự án Phát triển cây ăn trái tỉnh cho biết: “Kết quả đạt được cao nhất của dự án là chuyển biến tham gia và thành lập HTX. Đây là bước khởi đầu nhanh trong những năm qua, người dân đã thấy được hiệu quả và chủ động trong canh tác, cải tạo những vườn tạp kém hiệu quả thành vùng chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình. Từ đó còn hình thành được những chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, lâu dài. Thời gian tới, dự án tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái như tưới nước, phun thuốc; sử dụng các biện pháp sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học trong cây ăn trái, gia tăng kỹ thuật ra trái trái vụ để tăng hiệu quả kinh tế; tiếp tục liên kết, mở rộng hợp tác với các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái”.
Qua các mô hình trồng mới và cải tạo vườn cây ăn trái từ Dự án Phát triển cây ăn trái giai đoạn 2018 - 2021 và tầm nhìn đến năm 2025 đã giúp nhiều HTX nâng cao về kỹ thuật canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, từng bước hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung cũng như đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích cho người nông dân “vui Tết - đón Xuân”.
HUỲNH NHƯ - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)