Cùng với nông dân các tỉnh ĐBSCL, năm nay, bà con nông dân ở tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì giá lúa gạo năm nay ở mức cao hơn so với năm ngoái, cho lợi nhuận khá. Cá biệt ở vụ lúa Đông Xuân, có khu vực lúa đạt năng suất trên 8 tấn/ha.
Ông Võ Văn Thử, nông dân ở ấp 4, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sau khi thu hoạch vụ lúa phấn khởi: “Năm nay lúa đạt, tôi sạ giống OM18 đạt năng suất cao, không ai dưới 35 giạ/công, một mẫu trên 6,5 tấn. Tôi bán giá khoảng 6.000 đồng/kg (lúa tươi), giá này có lời. Năm nay lúa có năng suất mà có giá nữa nên dân sống được”.
Nông dân vùng ĐBSCL gieo sạ lúa với niềm vui trúng mùa, trúng giá
Tại tỉnh Sóc Trăng, năm nay, tuy thời tiết không được thuận lợi, như hạn hán, mặn xâm nhập... nhưng sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại địa phương tương đối ổn định, đặc biệt là lúa gạo tăng giá. Trong năm, toàn tỉnh xuống giống được hơn 349.000 hecta với tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn; trong đó, sản lượng lúa đặc sản gần 1,1 triệu tấn, chiếm tỷ lệ hơn 52%.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và nông dân địa phương, giá lúa bình quân tăng từ 200 đồng đến 1.000 đồng/kg so với năm ngoái nên nông dân phấn khởi. Tỉnh Sóc Trăng cũng có 59 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ lúa sản phẩm từ đầu vụ, với tổng diện tích bao tiêu gần 37.000 hecta.
“Một điểm thuận lợi cho bà con nông dân mình là giá rất là cao, đặc biệt nhất là đối với các giống lúa là OM18, OM5451 và các dòng lúa ST. Nếu so sánh lợi nhuận thì trong vụ hè thu thì lợi nhuận cao hơn so với vụ hè thu năm 2019. Nếu tính trung bình thì bà con có lợi nhuận từ 16-18 triệu/hecta. Cao hơn từ 1-2 triệu đồng/hecta so với vụ hè thu năm 2019. Đây là điều rất phấn khởi cho bà con nông dân huyện Châu Thành”, ông Võ Minh Luân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Năm 2020 dù hạn mặn nhưng nhiều khu vực của vùng ĐBSCL lúa vẫn đạt năng suất cao
Năm nay, ở vùng ĐBSCL có diện tích gieo trồng lúa mỗi vụ hơn 1,5 triệu hecta; năng suất bình quân 6 tấn/hecta; sản lượng lúa cả năm ước đạt hơn 24 triệu tấn; trong đó, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, ước sản lượng đạt 10 triệu tấn. Tuy bị ảnh hưởng của hạn mặn nhưng nhìn chung năng suất lúa năm qua của vùng đạt khá. Đặc biệt, so với các năm trước, năm 2020 giá lúa ở mức cao. Lúa IR 50404 có thời điểm nông dân bán tại ruộng giá tăng đến lên 5.700 đồng/kg; lúa Jasmine 85 giá 6.500 đồng/kg, tăng gần 1000 đồng/kg so với năm ngoái nên bà con nông dân rất vui mừng, phấn khởi. Tùy theo từng địa bàn, khu vực mà nông dân có lãi từ 30-40%, thậm chí cao hơn.
Đối với thị trường xuất khẩu gạo năm 2020 Việt Nam đạt khá ngoạn mục, nhất là do tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, cũng như yếu tố cung cầu của thị trường thế giới có sự thay đổi đã làm tăng giá gạo thương phẩm. Giá gạo 5% tấm của nước ta tăng đến gần 520 USD/tấn . Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, mặt bằng về giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt ngưỡng 450 USD/tấn. Dự kiến, xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam sẽ đạt 6 triệu tấn.
Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2020 ước đạt 388.000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng của năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng hơn 10% về giá trị so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đứng vị trí thứ nhất, kế tiếp là Indonesia, Trung Quốc. Các loại gạo có giá trị xuất khẩu cao là jasmine, gạo thơm, gạo nếp. Đặc biệt, gạo ST 25 của kỹ sư Hồ Quang Cua ở tỉnh Sóc Trăng đã đạt giải Nhì Hội thi gạo ngon nhất thế giới được tổ chức tại Mỹ, mặc dù rớt đi một hạng so với năm trước nhưng vẫn tiếp tục được thế giới đánh giá cao.
Thu hoạch lúa tại tỉnh Tiền Giang
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng tại xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu vùng ĐBSCL cho biết, năm nay doanh nghiệp xuất khẩu được 100 nghìn tấn gạo, cao nhất so các năm qua.
“Năm nay, được mùa nông dân phấn khởi, doanh nghiệp cũng khá. Năm nay, tôi xuất khẩu đạt kế hoạch, giá tăng khoảng 10%, phần lớn đi Malaysia, Philippines, Trung quốc… Đầu năm cũng làm kế hoạch xuất các thị trường đó, cố gắng xuất sang thị trường EU nhưng đòi hỏi phải có xuất xứ hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mình phải làm theo “cánh đồng lớn” liên kết 4 nhà chặt chẽ mới làm được”, ông Đôn nói.
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, gạo của ĐBSCL và cả nước nói chung, xuất sang EU với mức thuế suất 0% - đây là tín hiệu vui đối với đầu ra hạt gạo. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng hạt gạo phải nâng lên, giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp phải có liên kết trong sản xuất lúa gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I năm 2021 vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo châu Á bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó, phải kể đến thị trường Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… Do đó, nhiều doanh nghiệp và nông dân vùng ĐBSCL kiến nghị Chính phủ cho chủ trương tăng cường xuất khẩu gạo.
Các kho dự trữ gạo vùng ĐBSCL dồi dào để phục vụ xuất khẩu
“ĐBSCL tuy hạn mặn nhưng được mùa, được giá, đó là sự phấn khởi của doanh nghiệp của nông dân. Giá gạo lên do giá gạo thế giới lên, đó là cơ hội để doanh nghiệp và nông dân bán được giá tốt. Năm nay, xuất khẩu cao hơn 2019 mà gạo mình đạt ngôi vị đứng đầu thế giới nên mình thấy nên xuất khẩu có kiểm soát nhẹ, mới hợp lý. Ai có gạo mà khách hàng mua giá cao thì bán thôi”, ông Võ Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt, tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang nêu ý kiến.
Năm 2020 đang dần khép lại cũng là năm mà ngành lúa giá gạo của vùng ĐBSCL và cả nước đạt được thành quả cao, tạo bước ngoặt quan trọng trên trường thế giới. Với bản chất cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của bà con nông dân; sự năng động, linh hoạt trong kinh doanh của các doanh nghiệp vùng đất Chín Sông và Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam tiếp tục là cánh cửa mở ra đối với thị trường xuất khẩu. Tin rằng trong năm mới, sẽ có nhiều cơ hội cho hạt gạo của vùng ĐBSCL tiếp tục “đi xa” và mang về giá trị lớn./.