Thăng trầm nghề gốm
Vẫn biết làng gốm sành Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã đi qua thời phát triển cực thịnh, nhưng chúng tôi không khỏi thất vọng khi đứng ngay ở trung tâm làng nghề mà không hề hay biết. Hóa ra, Hương Canh chỉ còn bảy hộ theo nghề làm gốm, số lò nung chỉ đếm chưa hết 10 đầu ngón tay...
Làng gốm Hương Canh có tuổi đời hơn 300 năm với đặc trưng thô, mộc với màu đất nung cháy. Đất, nước dưới bàn tay nhào trộn của người nghệ nhân, kết hợp với lửa tạo nên những món đồ có bề mặt độ bóng, sáng, giống như được phủ một lớp men, người trong nghề vẫn nói là “men trong đất”. Lớp men tự nhiên uyển chuyển đậm nhạt độc đáo, độc bản trên mỗi sản phẩm. Nghệ nhân Giang Thị Nhạn là người đàn bà mặn mòi hơi thở đồng đất bởi ngấm nghề hơn 50 năm có lẻ. Bà luôn yêu thương nâng niu từng món đồ quê bà làm ra. Cách bà giới thiệu sản phẩm cũng mang nét duyên thầm rất... gốm: Gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu rất tốt, ngăn được ánh sáng, giữ bền hương vị của những thứ đựng bên trong. Vại làm tương, muối dưa cà, ủ rượu, làm mắm... giữ được tròn vị hơn cả. Hũ đựng trà, trà khô giòn; đựng thuốc lào, thuốc lào mềm. Người ta nói, nước chảy đá mòn, chứ tiểu sành Hương Canh thiên niên vạn đại không mòn...
Lý giải về điều này, nghệ nhân cho rằng, gốm Hương Canh được làm từ đất sét xanh, khai thác tại địa phương, có độ mịn, độ béo cao, ít cát, ít xương hơn so với các loại đất nguyên liệu khác. Sau quá trình làm đất kỹ lưỡng, đất trở nên dẻo cho nên dễ vuốt mỏng và đặc biệt người nghệ nhân mặc sức tung tẩy trong tạo hình sản phẩm.
Trong quá khứ, thương hiệu gốm sành Hương Canh nức tiếng gần xa với câu ca Sứ Móng Cái, vại Hương Canh. Những năm 60 của thế kỷ trước, gốm Hương Canh phát triển cực thịnh. Hợp tác xã gốm Hương Canh nhộn nhịp không khí làm nghề. Một thời kỳ dài trong tình hình khó khăn chung của cả nước, thêm vào đó, nhu cầu thị trường thay đổi, trước nhiều sự lựa chọn khác, gốm gia dụng Hương Canh không còn được ưa chuộng, tiêu thụ kém dần, nghề gốm mai một. Nhà nhà bỏ nghề. Những năm gần đây, với sự nỗ lực làm mới, đa dạng hóa sản phẩm của những người trẻ, gốm Hương Canh mới dần hồi sinh...
Để lửa lò luôn đượm
Sau một thời gian dài bỏ nghề, cách đây 5 năm, vợ chồng anh Trần Ngọc Tuyến, chủ lò gốm Tiến Hiệp quyết định quay lại làm gốm “vì nhớ, vì day dứt với nghề". Anh vẫn sản xuất những sản phẩm truyền thống nhưng mẫu mã được cải tiến trau chuốt, hiện đại hơn. Bán hàng tại lò, khách hàng không đều nhưng mỗi tháng gia đình Tuyến đốt vài ba mẻ, nghĩa là gần 200 chiếc chum loại lớn được xuất ra thị trường. Anh Tuyến khoe lò gốm Tiến Hiệp là lò gốm gia dụng lớn nhất ở Hương Canh. Thu nhập từ nghề tuy còn vất vả nhưng bù lại, anh được tự do tung tẩy cùng gốm.
Không bằng lòng với việc để khách hàng tự tìm đến lò gốm và chỉ sản xuất các sản phẩm gia dụng truyền thống, nhiều năm qua, họa sĩ Nguyễn Hồng Quang, chủ xưởng gốm nghệ thuật Quang Đức đã chủ động phát triển dòng gốm nghệ thuật.
Gốm nghệ thuật thành phẩm do họa sĩ Nguyễn Hồng Quang sáng tác.
Nhà bà Giang Thị Nhạn có truyền thống ba đời làm gốm. Anh Nguyễn Hồng Quang là con trai út trong gia đình. Anh kể, thuở bé, chứng kiến nhiều nghệ sĩ đến lò gốm nhà mình sáng tác và bắt chước họ, anh tập tành làm nặn, vuốt, tạo hình gốm nghệ thuật. Anh không ngừng thắc mắc: Vì sao sản phẩm gốm mẹ anh vừa nặn xong, các nghệ sĩ lại cố ý làm méo đi?
Lớn lên, với mong muốn hiểu rõ hơn về gốm, Quang vào Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, đưa những thứ học hỏi thu nhặt được từ sách vở vào lò gốm gia đình. Thời đó anh Quang có "hỗn danh" là Quang điên. "Người ta không thể hiểu vì sao thời kỳ đầu tôi lại dám cầm sổ đỏ đi vay tiền về mua than, mua củi, nổi lửa lại lò gốm? Mẻ gốm này thất bại, thay vì bỏ cuộc, tôi lại vuốt, lại nặn, lại tỉa tót rồi lại đốt mẻ gốm khác. Dân làng ái ngại cho tôi, rằng những sản phẩm gốm chẳng giống ai, không thể ủ tương, muối dưa, đựng nước, hạ thổ rượu... rồi để làm gì. Đã thế, giá bán lại “trên trời”? lại đổ bao nhiêu tiền để sáng tác, rồi tham gia các triển lãm", anh Quang bồi hồi nhớ lại một thời.
Xưởng gốm Quang Đức của gia đình anh Quang hiện nay đã ứng dụng một số công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất gốm như làm đất bằng máy, bàn vuốt chạy điện..., nhưng có một số khâu anh nhất định duy trì theo truyền thống là chuốt, vuốt gốm bằng tay và nung gốm bằng lò thủ công, với than và củi. Việc đốt lò phức tạp, tùy từng thời điểm, lò phải đạt nhiệt độ khác nhau do vậy đích thân anh sẽ thức để canh lò.
Nhiều lần anh phải thức liên tiếp 42 tiếng để canh lò. Tuy ban ngày, anh cũng có thể để vợ canh lò phụ, song nhiều khi không yên tâm, anh vẫn canh lò thông 42 tiếng. Hơn nữa, trong quá trình sáng tác, không ít lần mải ấp ủ ý tưởng, mày mò tạo hình và nung thử nghiệm các sản phẩm mới, anh không ngủ nổi, nên việc thức liền đêm thật ra chẳng mấy to tát.
Các sản phẩm trong bộ sưu tập gốm mang chủ đề Chuột sẽ được họa sĩ Nguyễn Hồng Quang trưng bày trong triển lãm gốm cá nhân, dự kiến được tổ chức tại Hà Nội, giáp Tết Nguyên đán.
Giờ đây, anh Quang tự tin đã làm chủ được quy trình làm gốm, hiểu rõ về các chất liệu đất, nước và lửa nên mỗi mẻ ra lò, gốm loại I đạt tỷ lệ lên đến 98%, hiệu quả hơn rất nhiều so với lò của các thế hệ trước. Anh giàu kinh nghiệm trong việc xếp lò, đốt lò để mỗi mẻ nung thu được nhiều sản phẩm lớn nhỏ khác nhau và sản phẩm đạt được màu sắc kỳ vọng.
Đáng mừng hơn nữa là có đến tám cửa hàng tại Hà Nội, Hải Phòng... nhận làm đại lý bán hàng cho xưởng gốm nghệ thuật Quang Đức. Hầu hết sản phẩm đều làm theo đơn đặt hàng, chưa sản xuất ra đã được tiêu thụ hết.
Định vị lại giá trị thương hiệu
Anh Nguyễn Hồng Quang luôn tự tin khẳng định: “Gia đình tôi sống tốt bằng nghề”. Đáng mừng hơn, đó không phải là mục tiêu chính, bởi anh còn mong muốn lớn hơn là gốm Hương Canh phát triển mạnh mẽ trở lại, có thêm nhiều hộ dân giàu lên bằng chính nghề của cha ông.
Lãng mạn nhưng không hão huyền, họa sĩ Nguyễn Hồng Quang nỗ lực để gốm Hương Canh trỗi dậy mạnh mẽ. Anh bảo, đất làm gốm quê anh rất quý, rất tốt. Nếu tiếp tục làm những sản phẩm chum, vại truyền thống sẽ tốn rất nhiều nguyên liệu, chiếm nhiều diện tích lò nung. Trong khi đó, với nguồn nguyên liệu và diện tích lò đó, có thể làm ra được nhiều sản phẩm gốm nghệ thuật hơn, giá trị cũng lớn hơn nhiều so với sản phẩm truyền thống. Do vậy, anh Quang luôn trăn trở với việc thuyết phục các xưởng, lò khác cùng phát triển gốm nghệ thuật, gốm ứng dụng, nhằm đưa danh tiếng và giá trị gốm Hương Canh đi xa hơn nữa. Muốn thế, cần có không gian đủ rộng, vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi trưng bày các sản phẩm độc đáo của gốm Hương Canh, cần một quy hoạch tổng thể cho khu vực làm nghề tách biệt với khu dân cư để bảo đảm môi trường sống cho người dân. Anh mong mỏi chính quyền quy hoạch, khoanh vùng đất nguyên liệu sản xuất gốm, tránh để vùng nguyên liệu bị chuyển đổi thành đất phát triển công nghiệp hoặc là nơi xả thải của nhà máy công nghiệp. Bởi chính nguồn nguyên liệu quý giá của Hương Canh đóng vai trò quan trọng, quyết định sự sống còn của nghề gốm trong tương lai.