Chủ nhật, 15/01/2023,15:12 (GMT+7)
Gần Tết, bánh tráng miền Tây “đắt như tôm tươi”
Bánh tráng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày đoàn viên của người dân miền Tây. Các lò bánh tráng lâu đời như làng nghề Thuận Hưng (Cần Thơ), Cù Lao Mây (Vĩnh Long)... đã bắt đầu làm việc khẩn trương nhầm phục vụ bà con ăn Tết Quý Mão.
 
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ):
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 1.
Những ngày này, đến làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, đâu đâu cũng thấy các vỉ bánh trắng phau phơi "rợp trời".
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 2.
Bánh tráng là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết của bà con miền Tây - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 3.
Để kịp giao hàng cho khách dịp Tết, từ 1h sáng, các lò bánh tráng đã "đỏ lửa", đến 15h chiều mới tráng xong - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 4.
 
Bà Huỳnh Thị Giáo (67 tuổi, chủ lò bánh tráng ở phường Thuận Hưng) cho biết, từ tháng 11 Âm lịch làng nghề bắt đầu “vào mùa". "Để tạo ra chiếc bánh tráng phục vụ các bữa ăn ngày Tết của người dân miền Tây, từ sáng hôm trước tôi bắt đầu ngâm gạo, chiều đến thì xay bột, rồi để lắng qua đêm. Khoảng 1h sáng vợ chồng tôi đã thức dậy để nhóm lửa, chuẩn bị vỉ, khuấy bột,...tới 3h các thợ tráng bánh đến làm. Cứ đến đợt Tết là mỗi ngày 2 vợ chồng tôi chỉ ngủ được vài giờ. Cực nhưng vui", bà Giáo chia sẻ - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 5.
Năm nay, lò bánh tráng của bà Giáo chỉ làm mỗi loại bánh tráng lạt (còn gọi là bánh tráng giòn). Đây là loại bánh này được dùng để cuốn thức ăn trong mâm cơm ngày Tết và được tráng thủ công truyền thống nên khách hàng rất ưa chuộng và chọn mua nhiều nhất - Ảnh: Kim Hà.
 
Vất vả là thế nhưng thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Nếu bình thường tráng 3 - 5 ngày là nghỉ đến khi bán hết bánh mới tráng tiếp nên trung bình mỗi ngày bà Giáo chỉ thu lãi 200.000 – 300.000 đồng. Nhưng vào đợt Tết, mỗi ngày bà có thể lãi hơn 1 triệu đồng. Vì vậy nên ở làng nghề bánh tráng ai cũng háo hức, tranh thủ làm để gia tăng thu nhập dịp Tết - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 6.
 
Tuy chỉ là chiếc bánh tráng mỏng manh, đơn giản nhưng để làm ra được chúng, người thợ phải thực nhiều công đoạn, mà công đoạn nào cũng khó; nhất là phải phụ thuộc vào “ông trời”. Bà Giáo cho biết, hôm nào nắng thì làm rất khoẻ, còn gặp gió hoặc mưa thì ở ngoài đường không vô nhà được luôn, vì phải dọn các vỉ bánh kẻo gió bay, mưa ướt - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 7.
“Hôm rồi, có trận gió lớn, chỉ có 2 vợ chồng già phơi bánh nên làm không kịp. Chỉ trong tích tắc, những vỉ bánh phơi cặp đường bị gió cuốn văng hết xuống sông luôn”, bà Giáo kể - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 8.
 
Mỗi ngày, lò bánh tráng của bà Giáo sản xuất được 55 bịch bánh tráng lạt (mỗi bịch 1,6kg). Thời điểm này, bánh tráng bỏ mối cho khách có 62.000 đồng/bịch, rằm dự kiến sẽ tăng lên 70.000 đồng/bịch. Năm nay, bánh có giá hơn năm trước khoảng 5.000 đồng nhưng giá nguyên liệu thì cái nào cũng tăng, chưa kể nhân công nhưng bù lại, lượng bánh tráng sản xuất nhiều hơn, làm ra bao nhiêu khách lấy bấy nhiêu nên bà con ở làng nghề cũng rất phấn khởi.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 9.
 
Có tuổi nghề hơn 30 năm, cụ Đỗ Thị Đượm (88 tuổi, ngụ phường Thuận Hưng) nhớ về những ngày khi mới khởi nghiệp nghề làm bánh tráng với nhiều thăng trầm. "Nghề này cực khổ lắm. Hồi đó, gia đình nghèo, tôi phải đi cắt lúa mướn, rồi ở lại mót lúa còn sót lại, bắt cá cạn để về làm mắm ăn. Sau đó, con dâu tôi mới dành dụm tiền xây được cái lò, rồi tôi và con gái cùng làm. Mấy chục năm trước tráng có cái Tết, mà chỉ tráng bánh tráng mặn thôi. Còn bây giờ tráng quanh năm, rồi con gái tôi mới tráng thêm bánh tráng lạt, bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa. Nhu cầu của khách hàng ngày càng nhiều, gần đây nó đầu tư thêm máy tráng để kịp sản xuất cung ứng", cụ Đượm tâm sự - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 10.
 
Bà Hà Thị Sáu (con gái cụ Đượm) cho biết, bánh tráng Thuận Hưng có tiếng từ xưa đến giờ, khách ở các quận, huyện trong TP Cần Thơ hay khách ở An Giang, Đồng Tháp,... đều tìm tới đây mua. Mỗi ngày, cơ sở của bà Sáu cho “ra lò” khoảng 1 muôn bánh (10.000 chiếc). Năm nay ngoài những mối quen thì có nhiều khách hàng mới cũng tìm đến đặt hàng ở cơ sở bánh tráng của bà Sáu - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 11.
Nhân công thu các vỉ về sau khi bánh tráng đã đủ độ khô - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 12.
Bánh tráng dừa - Ảnh: Kim Hà.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 13.
 
Cũng như loại bánh tráng lạt, bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa cũng đắt hàng hơn. Khách hàng tìm mua rất nhiều nhưng giá cũng chỉ nhỉnh hơn năm trước một chút. Cụ thể, bánh tráng ngọt có giá 120.000 – 300.000 đồng/100 bánh, bánh tráng dừa 330.000/100 bánh - Ảnh: Kim Hà.
 
Giữ gìn thương hiệu bánh tráng Cù lao Mây
 
Nép mình giữa 2 dòng sông Hậu và sông Trà Ôn, trải qua biết bao thăng trầm, làng bánh tráng Cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) vẫn ngày đêm cho ra những sản phẩm mang hương vị mộc mạc quê nhà Nam Bộ.
 
Gần Tết, bánh tráng miền Tây đắt như tôm tươi - Ảnh 14.
Các vỉ bánh tráng phơi dọc theo con đường vào làng nghề.
 
"Thổi hồn" vào bánh
Làng nghề bánh tráng Cù lao Mây vốn được biết đến là một trong những làng nghề nổi tiếng trăm tuổi của Vĩnh Long. Như bao làng nghề khác, bánh tráng Cù lao Mây đã nuôi sống rất nhiều thế hệ tại nơi đây. Có khoảng thời gian tưởng chừng làng nghề đã bị mai một, đặc biệt sau 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhưng không, tại xã Lục Sĩ Thành hôm nay vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh các lò tráng bánh nghi ngút khói để kịp phục vụ các đơn hàng chuẩn bị dịp Tết Quý Mão.
 
Là gia đình có truyền thống làm nghề bánh tráng hơn 60 năm, ông Nguyễn Thanh Kiếm (67 tuổi, ngụ xã Lục Sĩ Thành) cho biết, cứ mỗi độ bước vào tháng 11 âm lịch là lò tráng bánh gia đình ông lại thổi lửa hết công suất. Trung bình mỗi ngày gia đình ông cho ra từ 300 – 500 chiếc bánh tráng. Đến cận Tết, số lượng đặt hàng có khi lên đến 1 thiên/ngày (tương đương 1.000 cái).
 
"Tết đến người ta đến đặt nhiều lắm. Để trả đơn kịp cho khách đòi hỏi phải thức từ 3 – 4 giờ sáng, loay hoay xay bột, nhóm bếp lửa,… thì trời cũng sáng. Sau đó công việc tráng bánh kéo dài đến tận chiều mà vẫn không kịp giao vì sức khỏe giờ đã yếu", ông Kiếm nói.
 
Hộ làm bánh tráng của bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (58 tuổi tuổi) cũng ngày đêm đỏ lửa. Trung bình mỗi ngày hộ của bà Hằng cho ra lò hơn 300 chiếc. Ở nơi đây, Tết không chỉ là dịp cho các hộ gia đình làm bánh lâu năm "ăn nên làm ra" mà các hộ khác cũng nhận đơn hàng đổ về tấp nập.
 
Theo các vị cao niên, sở dĩ bánh tráng Cù lao Mây được người tiêu dùng ưa chuộng bởi bánh mang hương vị riêng so với sản phẩm được làm bằng máy móc. Nguyên liệu chính để làm chiếc bánh tráng nem đơn thuần là bột gạo nguyên chất và muối.
 
"Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng công việc này lại đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ, đồng thời khâu chuẩn bị nguyên liệu phải chuẩn, không quá nhiều hay quá ít. Khi tráng bánh, tay phải nhanh và đều. Cuối cùng là thời gian phơi bánh cũng rất quan trọng, vì nó việc quyết định độ giòn, dẻo của sản phẩm", ông Lương Văn Thông, Giám đốc Hợp tác xã bánh tráng Cù lao Mây cho biết.
Trăn trở "giữ lửa" nghề
 
Vốn là người thợ cần cù, yêu nghề và miệt mài sáng tạo, bà Trần Thị Thúy Liễu (58 tuổi, ngụ xã Lục Sĩ Thành) là một trong những người thợ "lão làng" gắn bó với lò tráng bánh hơn 30 năm. Tuy có đôi lúc bà cảm thấy "tủi" vì làng nghề dần không còn phát triển do máy móc công nghiệp phát triển, nhưng bà đã vượt qua và mày mò, học hỏi làm ra những loại bánh ngon và đẹp hơn.
 
Giờ đây, cơ sở của bà Liễu không chỉ làm những loại bánh phục vụ bữa cơm gia đình mà còn có nhiều loại dùng làm quà biếu như: bánh tráng thanh long, bánh tráng tôm, bánh tráng ớt, bánh tráng nem, hay bánh tráng ngọt,…
"Bản thân tôi cũng nhiều lần thử nghiệm sản phẩm mới và sau đó cũng thất bại, dù vậy tôi cũng không nản. Vì nếu không mạnh dạn cải tiến sản phẩm, cho ra đời nhiều loại bánh tráng mới làm sao tạo được sức hút đến người tiêu dùng. Lúc đó sẽ không còn ai nhớ đến bánh tráng Cù lao Mây nữa", bà Liễu nói.
 
Nhưng có lẽ yếu tố trăn trở nhất của những người làm nghề lúc này không chỉ là giá cả nguyên liệu, đầu ra sản phẩm,… mà là thiếu sự tiếp nối, kế thừa. Điều đáng mừng là hiện nay vẫn còn những người thợ trẻ chịu thương chịu khó, tiếp tục giữ vững "ngọn lửa" nghề gia đình. Một trong số đó là chị Trần Thị Thanh Tuyền (36 tuổi, ngụ xã Lục Sĩ Thành) gắn bó với đặc sản này gần 10 năm.
 
"Công việc này cũng lắm nhiêu khê, nhưng do đây là công việc truyền thống gia đình từ đời bà nội chồng truyền lại nên tôi muốn gìn giữ và phát huy. Lúc đầu, thấy mẹ chồng tráng bánh vất vả, nên tôi phụ việc để mẹ chồng đỡ cực nhọc. Dần theo năm tháng, mình bén duyên và quý cái nghề làm bánh này", chị Tuyền kể.
 
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Tấn Tân, Phó Chủ tịch xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn) cho biết, chính quyền địa phương luôn hướng tới gìn giữ thương hiệu làng nghề truyền thống Cù lao Mây. Thời gian qua, xã luôn cố gắng tuyên truyền cho người dân trong làng nghề hiểu về giá trị cao quý của công việc đặc thù này.
 
Mặc khác, xã cũng cố gắng đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh sản phẩm làng nghề, quy hoạch các điểm du lịch miệt vườn và kêu gọi nhà đầu tư khu du lịch,… nhằm thu hút khách tham quan, từ đó đầu ra sản phẩm thêm phần ổn định, đời sống các cơ sở làm nghề cũng cải thiện.
 
NS (th) (phunu.nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu