Ảnh minh họa.
Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo về tiềm năng của các tỉnh phía Bắc Việt Nam, trong đó nêu bật những đặc điểm hứa hẹn sẽ là nền tảng phát triển cho các khu vực xung quanh Thủ đô Hà Nội.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ giữa tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu, với mức tăng GDP là 6,98% trong quý II/2019. Hoa Kỳ và châu Âu là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất trên khắp các tỉnh cũng mang lại nhiều tiềm năng phát triển lớn cho các lĩnh vực bất động sản khác. Điều này đã được chứng minh bằng dòng vốn đầu tư mạnh mẽ đang đổ vào thị trường bất động sản ở các tỉnh phía Bắc gần đây. Thống kê của BCI châu Á cho thấy, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hưng Yên là những tỉnh hàng đầu về số lượng dự án bất động sản, chỉ sau Hà Nội. Ngoài Quảng Ninh nổi tiếng với đặc khu kinh tế Vân Đồng và vịnh Hạ Long, ba tỉnh còn lại luôn dẫn đầu khu vực phía Bắc về các dự án phát triển công nghiệp.
Thị trường Bắc Ninh, Hải Phòng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các dự án dân cư đang được phát triển để tận dụng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng từ số lượng người di cư và người nước ngoài đến làm việc tại các tỉnh. Khác với Bắc Ninh và Hải Phòng, nơi tập trung nhiều dự án nhất ở trung tâm thành phố, hầu hết các dự án ở Hưng Yên đều nằm dọc theo ranh giới với Hà Nội để hưởng lợi từ nhu cầu ở Thủ đô. Sở hữu vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã luôn rất nóng với nhiều nhà phát triển nổi tiếng, tập trung vào các tài sản nghỉ dưỡng và du lịch.
Khoảng 615ha đất công nghiệp đã được lên kế hoạch phát triển để tung ra thị trường trong giai đoạn 12 tháng tới. JLL dự đoán giá đất công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng ổn định đến cuối năm 2019 do nhu cầu mạnh mẽ đến từ nhà đầu tư. Các nhà đầu tư mới – phần lớn đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc sẽ vẫn quan tâm đến việc đầu tư sở hữu tài sản công nghiệp Việt Nam. Với làn sóng các nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, các khoản đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt là về năm thành phố công nghiệp trọng điểm của miền Bắc.
Đứng thứ 3 trong số 10 thành phố năng động nhất trong Báo cáo chỉ số động lực phát triển đô thị của JLL vào năm 2018, Hà Nội đang phát triển chóng mặt với các cập nhật cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm cả một chặng đường tàu điện ngầm hiện đại. Stephen Wyatt - Tổng Giám đốc của JLL nhận xét: “Hà Nội chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh về số lượng doanh nghiệp, thành phố này hoàn toàn có tiềm năng để trở thành mũi nhọn kinh tế lớn nhất tại Việt Nam. Sự tắc nghẽn giao thông, vấn đề ô nhiễm và chỉ số minh bạch thị trường là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc thị trường phía Bắc”.
Thủ đô Hà Nội sở hữu một nền tảng nhân khẩu học mạnh mẽ với dân số trẻ và am hiểu công nghệ. Vì thế nên thương mại điện tử sẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với trung tâm bán lẻ truyền thống. Các không gian bán lẻ liên tục làm mới hình ảnh thương hiệu và sửa đổi chiến lược cho thuê đã đạt được hiệu suất tốt với tỷ lệ lấp đầy cao, trong khi các trung tâm khác đang vật lộn để giữ chân khách hàng.
Đô thị hóa và sự phát triển của các khu công nghiệp xung quanh đã thúc đẩy một lượng lớn người dân từ các tỉnh lân cận chuyển đến Hà Nội. Nguồn cung đất ở đây đang khan hiếm, tình hình thủ tục cấp phép trì hoãn đã thúc đẩy các nhà đầu tư mở rộng tầm nhìn vượt ra khỏi lòng Thủ đô để tìm cơ hội đầu tư tốt hơn.