Sau đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, có gần 70% vườn cây sầu riêng ở Tiền Giang bị thiệt hại; trong đó có khoảng 5.000 ha bị chết trắng, hoặc giảm năng suất trên 60%. Do đó, hiện nay đã vào vụ nhưng trái sầu riêng rất khan hiếm và giá cao ở mức kỉ lục khiến nhà vườn địa phương xót xa khi bị mất mùa.
Tại thời điểm này, trái sầu riêng có mức giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, là mức giá cao nhất trong 3 năm qua. Điều đáng nói dù giá cao nhưng trái sầu riêng rất khan hiếm, thương lái phải đi đến từng vườn cây để thu mua nhưng không đủ cung cấp cho đối tác trong và ngoài nước.
Thương lái đến tận vườn sầu riêng để thu mua.
Tại huyện Cai Lậy - vùng chuyên canh cây sầu riêng nhưng đến nay chưa đến 10% diện tích sầu riêng có trái cho thu hoạch. Chỉ duy nhất tại các khu vực không bị ảnh hưởng do hạn mặn của huyện Cái Bè mới có vườn sầu riêng cho trái, nhưng sản lượng không nhiều.
Trước đây, toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 12.000 ha cây sầu riêng thương phẩm; tập trung nhiều ở huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè. Do hạn mặn gây thiệt hại nên diện tích cây này bị giảm nhiều. Hiện nay, nhà vườn địa phương đang khẩn trương khôi phục lại vườn cây đặc sản này, nhưng dự kiến phải mất nhiều năm sau cây mới có trái để cung ứng ra thị trường.
Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, sau hạn mặn, chính quyền địa phương khuyến cáo bà con nếu đất không bị nhiễm mặn vẫn tiếp tục trồng cây sầu riêng.
“Cây sầu riêng đối với xã Tam Bình là một trong những cây chủ lực, thời gian vừa qua người dân giàu có cũng nhờ cây sầu riêng. Hiện nay, có những người trồng lại cây bưởi, chanh, mít, hồng xiêm… nhưng cũng có người vẫn trồng lại cây sầu riêng”, ông Lâm cho biết./.