Thứ ba, 20/08/2019,07:39 (GMT+7)
Giải pháp trước vụ thu hoạch mía
Để giảm áp lực cho người trồng mía trước khi vào vụ thu hoạch, đồng thời giữ vững diện tích vùng mía nguyên liệu, hiện nhà máy đường và ngành chức năng tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập.

Quan tâm giải quyết gánh nặng về nhân công thu hoạch mía của nhà máy đường được ngành chức năng và nông dân đồng tình cao. 

Niên vụ mía 2019-2020, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 7.939ha, ước năng suất bình quân khoảng 95 tấn/ha, sản lượng khoảng 754.205 tấn. Hiện tại, mía trong giai đoạn từ 6-7 tháng tuổi, dự kiến bà con sẽ bắt đầu thu hoạch từ giữa tháng 9 tới và kéo dài đến tháng 2-2020. Tuy nhiên, trước tình hình Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) tạm ngưng hoạt động 1 trong 2 nhà máy đường trong vụ ép sắp tới, đồng thời việc Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Lusuco) có tiếp tục sản xuất trong vụ tới hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ làm nhiều người trồng mía lo lắng.

Triển khai nhiều cách hỗ trợ

Niên vụ ép 2019-2020 này, Casuco đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân. Trong đó, giải pháp mà Casuco thường xuyên thực hiện trước khi vào vụ sản xuất như hàng năm là tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu mía với bà con tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giá sàn bảo hiểm mà Casuco ký kết trong vụ mía năm nay là 700 đồng/kg, mía 10 chữ đường tại ruộng. Bên cạnh ký hợp đồng, Casuco còn tiến hành rà soát nhu cầu thuê nhân công thu hoạch mía trong dân để chủ động hợp đồng trước với các tổ nhân công nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân công thu hoạch mía cho bà con, nhất là vào thời gian cao điểm đốn mía. Với cách làm này, Casuco đang nhận được sự đồng tình cao của chính quyền địa phương.

Casuco cam kết không để mía lưu bãi tại cầu cảng quá 24 giờ sau khi chở ra nhà máy đường. 

Ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, chia sẻ: Giống như nhiều vùng mía khác trong tỉnh, người trồng mía ở thành phố Vị Thanh thường gặp khó khăn về nhân công thu hoạch mía do lao động nông thôn ngày một ít dần. Do đó, mỗi khi vào thời điểm thu hoạch mía rộ thường thiếu nhân công nên đẩy tiền thuê đốn mía tăng cao, từ đó kéo theo giá thành sản xuất tăng nên bà con ít lợi nhuận. Vì vậy, với thông tin năm nay Casuco có kế hoạch hỗ trợ nhân công thu hoạch mía khi bà con có nhu cầu sẽ tạo ra tín hiệu vui cho người trồng mía Vị Thanh nói riêng và của tỉnh nói chung.

Ngoài hỗ trợ nhân công đốn mía thì kể từ vụ sản xuất mía năm nay, Casuco sẽ tự tổ chức phương tiện vận chuyển mía thông qua hình thức đấu thầu vận chuyển và đưa phương tiện xuống nhận mía trực tiếp tại ruộng của bà con chứ không thu mua qua thương lái như đã thực hiện trước đây. Do đó, việc tạm dừng sản xuất tại Xí nghiệp đường Vị Thanh trong vụ ép tới theo lý giải của Casuco sẽ không ảnh hưởng gì đến việc bán mía của bà con. Bởi, chi phí vận chuyển mía xa hay gần thì do Casuco chịu trách nhiệm, từ đó bà con trồng mía có thể an tâm canh tác, nhất là tại vùng mía ở thành phố Vị Thanh.

Cùng với các giải pháp của Casuco, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành rà soát lại diện tích mía cụ thể trên địa bàn tỉnh, cũng như nắm lại cơ cấu giống, thời gian xuống giống ở từng vùng, từ đó tiến hành xây dựng kế hoạch về thời gian, diện tích thu hoạch mía cụ thể cho từng địa phương. Mặt khác, chính quyền các xã, phường, thị trấn tại các vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh cũng đang thành lập Ban nguyên liệu mía để phối hợp với công ty mía đường xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất và tiêu thụ mía.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh rất hoan nghênh việc ngành nông nghiệp, các đơn vị liên quan của tỉnh và Casuco chủ động đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ người trồng mía trên địa bàn tỉnh trước khi vụ sản xuất bắt đầu và nếu thực hiện tốt thì sẽ giảm nhiều áp lực cho bà con trước tình hình khó khăn chung của ngành mía đường như hiện nay. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp mía đường thì tới đây UBND tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nới lỏng tín dụng cho ngành mía đường, đồng thời có mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp mía đường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn chi trả tiền mía kịp thời cho nông dân. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo ngành công thương tỉnh tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường về mặt hàng đường lậu để nâng giá đường trong nước, từ đó có thể nâng giá thu mua mía cho bà con.    

Những bất cập đặt ra

Bên cạnh triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trọng tâm để hỗ trợ người trồng mía thì những vấn đề bất cập đã tồn tại và phát sinh mới cũng đặt ra không ít lo lắng cho ngành chức năng và người trồng mía. Theo đó, vấn đề lo lắng nhất là tình hình tiêu thụ mía khi vào vụ thu hoạch vì khả năng trên địa bàn tỉnh chỉ còn có 1 trong 3 nhà máy đường hoạt động trong vụ ép sắp tới đó là Nhà máy đường Phụng Hiệp của Casuco.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, phân tích: Đơn vị đã tính toán sơ bộ nếu bỏ diện tích mía mà bà con đã bán mía chục ra (khoảng 2.000ha) thì diện tích mía bán cho nhà máy đường còn lại khoảng 6.000ha, tương đương sản lượng 570.000 tấn. Trong khi tổng công suất ép của Nhà máy đường Phụng Hiệp hiện tại chỉ từ 2.500-3.000 tấn mía cây/ngày đêm thì tính ra Casuco phải mất khoảng 220 ngày (tương đương 7 tháng) mới tiêu thụ hết mía của tỉnh. Đây thật sự là bài toán cần phải tính kỹ lại, bởi thời gian tiêu thụ mía dài ngày sẽ gây nhiều thiệt hại cho nông dân, nhất là tại những ruộng mía quá ngày thu hoạch sẽ bị trổ cờ làm giảm năng suất, chữ đường; đó là chưa kể trường hợp có lũ lớn thì tình hình càng khó khăn hơn.

Giống với sự lo lắng trên, ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, đơn vị có diện tích mía lớn nhất tỉnh (6.531ha), thông tin: Do huyện có diện tích mía nhiều nên từ khi vào vụ thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 12 thì bình quân nhu cầu mỗi ngày địa phương phải tiêu thụ 6.000 tấn mía cây mới đảm bảo tiến độ, riêng hai tháng cao điểm là 10 và 11 thì nhu cầu nhiều hơn. Trong khi công suất ép của Nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ đáp ứng 50% nhu cầu của địa phương, đó là chưa kể vùng mía thị xã Ngã Bảy. Trường hợp ép mía chậm sẽ dẫn tới trễ mùa vụ xuống giống cho vụ mía sau, đồng thời khi gió bấc về sẽ làm cho cây mía bị trổ cờ, gây thiệt hại cho bà con. Do đó, địa phương đề nghị Casuco có giải pháp hợp lý hơn.

Ngoài băn khoăn về tình hình tiêu thụ mía, ông Lê Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy còn đặt ra nhiều lo ngại với những điểm mới trong chính sách thu mua mía của Casuco trong vụ ép sắp tới. Ông Chiến nêu: Trong quy định giao mía giữa nông dân và Casuco thì công ty có nêu là mía nguyên liệu khi giao cho nhà máy đường không còn ngọn non. Vậy khi bà con thu hoạch mía thì phải đốn phần ngọn mía đến đâu là đúng để tránh khiếu nại.

Trước nhiều lo ngại của ngành chức năng, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng Giám đốc Casuco, chia sẻ: Ngoài Nhà máy đường Phụng Hiệp đặt tại Hậu Giang thì Casuco còn có cổ phần tại Nhà máy đường Sóc Trăng và Trà Vinh. Điều đáng mừng là vùng mía tại hai địa phương trên thường thu hoạch sau Hậu Giang nên trường hợp vào những tháng thu hoạch mía rộ, nhu cầu đốn mía nhiều thì Casuco có thể điều tiết thương lái từ Sóc Trăng và Trà Vinh đến mua mía tại Hậu Giang đem về tiêu thụ ở hai nhà máy này. Do đó, ngành chức năng địa phương và bà con trồng mía có thể an tâm vì Casuco cam kết không để xảy ra tình trạng mía quá ngày thu hoạch và đảm bảo mua hết diện tích mía của tỉnh đúng ngày theo hợp đồng đã ký kết, kể cả vùng mía nguyên liệu của Lusuco khi UBND tỉnh giao về cho Casuco trong vụ này. Về hình thức đốn chặt mía như thế nào cho phù hợp thì trước khi vào vụ thu hoạch, Casuco sẽ mở 15 lớp tập huấn cho nông dân về các nội dung liên quan đến vấn đề này. Đồng thời in, phát tờ bướm có hình ảnh minh họa cụ thể về việc đốn mía như thế nào đúng quy chuẩn theo quy định của Bộ NN&PTNT…

Theo lịch thu hoạch dự kiến của ngành nông nghiệp tỉnh thì vùng mía Hậu Giang sẽ bắt đầu vào vụ ép từ tháng 9-2019 và kéo dài đến tháng 2-2020. Trong đó, tháng 9 sẽ thu hoạch khoảng 1.595ha, tháng 10 là 1.968ha, tháng 11 là 2.407ha, tháng 12 là 1.425ha và tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy; sang tháng 1 và 2-2020 thì vùng mía thành phố Vị Thanh mới vào vụ với tổng diện tích 704ha. Về cơ cấu giống mía của niên vụ 2019-2020, giống ROC 16 chiếm 57,7%; K88-92 chiếm 17,8%; KK3 chiếm 13,2%, còn lại là giống khác chiếm 11,3%. 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu