Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghề nông, cô Nguyễn Thu Hồng, Tổ trưởng chuyên môn Toán, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho biết, cha mẹ vì muốn con gái đỡ khổ nên định hướng con làm kinh tế. Nhưng bằng sự quyết tâm, cô đã xin theo nghề sư phạm.
Sau khi ra trường, cô giáo trẻ được phân công về một trường THPT ở tỉnh Vĩnh Long. Dù trường học thiếu thốn trăm bề, giáo viên xếp hàng xách từng xô nước giếng để sinh hoạt, nhưng chính tình cảm của học trò đã giữ chân các thầy, cô giáo. Đến nay, dù đã về TPHCM công tác nhưng nhiều thế hệ học trò ở Vĩnh Long vẫn thường xuyên về thăm cô.
Cô Nguyễn Thu Hồng, Tổ trưởng chuyên môn Toán, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Ảnh: Hoàng Hùng
Nhìn lại quãng đường hơn 30 năm công tác, cô Thu Hồng cho biết, cô yêu thích công việc của mình bởi sự đa dạng và biến hóa. Dạy học sinh lớp 10, giáo viên phải hết sức tâm lý, giúp các em làm quen phương pháp học mới ở bậc THPT, không bị sốc trước những thay đổi về môn học và chương trình so với bậc THCS.
Trong khi đó, lớp 11 là lứa tuổi học sinh dễ nổi loạn, muốn chứng tỏ bản thân. Riêng với lớp 12, giai đoạn các em trải qua những kỳ thi căng thẳng, giáo viên phải là chỗ dựa về tinh thần, giúp học sinh cân đối giữa việc học và giữ gìn sức khỏe.
Nhận xét về cô Thu Hồng, thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho biết: “Nhiều năm qua, trong vai trò Tổ trưởng tổ Toán, cô Hồng luôn thực hiện tốt việc nêu gương, có uy tín cao trong tập thể sư phạm, được đồng nghiệp tín nhiệm và yêu quý”.
Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là món quà chia tay thật đẹp với nghề giáo của cô, vì ngày 1-12 tới đây, cô Thu Hồng sẽ chính thức về hưu. Gửi lời nhắn nhủ đến các đồng nghiệp trẻ, nhà giáo này bày tỏ, để trở thành một giáo viên tốt thì tình thương yêu học sinh thôi chưa đủ mà cần có sự đồng cảm, đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của các em để hiểu được tâm tư, tình cảm của học trò.
Một tấm gương khác là thầy giáo Ngô Tấn Đạt, Tổ trưởng chuyên môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Vốn thể trạng yếu, nhưng sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, thầy giáo trẻ vẫn 2 lần làm đơn tình nguyện xin đi dạy học ở huyện Cần Giờ. Ngoài công tác giảng dạy, thầy còn tham gia các hoạt động cộng đồng như chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục… Thầy Đạt tâm sự, càng dấn thân làm nghề càng muốn làm nhiều điều hơn nữa cho học trò.
Biến tình yêu thành sức mạnh
Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đối với cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng chuyên môn Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, là niềm hạnh phúc to lớn. Bởi lẽ, đây là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng, là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời một nhà giáo.
Cô chia sẻ, một khi đã chọn nghề giáo phải giữ được lửa đam mê. Mình có yêu nghề, nghề mới không phụ mình. Nhưng nói yêu thôi chưa đủ, điều quan trọng là phải làm sao biến tình yêu ấy thành những việc làm thiết thực, mang đến cho học trò những tiết học hứng thú và bổ ích. Cô Huệ cho rằng, khi đã bước chân vào lớp là thầy cô bước vào một thế giới học trò vô cùng sinh động, được tạo nên từ nhiều cá tính, trình độ, hoàn cảnh khác nhau.
Thành công sẽ đến khi người thầy tìm được phương pháp giảng dạy phù hợp với từng học sinh. Để làm được điều đó, các thầy cô giáo hãy tận dụng quyền được chủ động và sáng tạo trong giờ dạy của mình, biến công việc quen thuộc thành mới mẻ, và hãy trao cho học trò cảm hứng để mỗi ngày tới trường đều trở thành ngày vui.
Cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng chuyên môn Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: Thu Tâm
Đối với cô Lê Thị Minh Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, nghề giáo là truyền thống gia đình nhưng cũng là ý thích cá nhân. Ấn tượng sâu sắc về những người thầy thuở nhỏ, lớn lên cô quyết tâm theo đuổi “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Là một trong những người có đóng góp quan trọng vào việc hình thành và phát triển lớp chuyên Ngữ văn của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cô Phương đã giúp đơn vị gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào. Nhà giáo này tâm niệm, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải truyền nhân cách cho học sinh.
“Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, giáo viên có thể chưa là người hoàn hảo để trở thành tấm gương sáng cho học trò noi theo, nhưng phải có ý thức giữ mình, không được thờ ơ, cẩu thả. Từ kinh nghiệm thực tế cá nhân, thầy cô chính là người bảo ban, giúp học trò hành xử đúng đắn trong cuộc sống”, cô Phương bày tỏ. Đến nay, dù đã qua 32 năm đứng trên bục giảng nhưng cô Phương vẫn dành góc nhỏ trái tim mình nhớ về từng gương mặt thân thương của học trò. Đó là kỷ niệm, nhưng cũng là một phần máu thịt trong cuộc đời cầm phấn của cô.
Không ngừng đổi mới
Khi chúng tôi gặp thầy Lưu Đình Nhân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, nhà giáo này tâm sự, dù thu nhập nghề giáo hiện nay còn hạn chế nhưng cuộc sống không chỉ có vật chất, cơm áo, gạo tiền. Nghề giáo viên tuy không mang lại cuộc sống dư dả về tiền bạc nhưng bù lại rất ấm áp về tinh thần. Những lời động viên, tin tưởng, gửi gắm của phụ huynh hay lòng biết ơn, tôn trọng của học trò sẽ là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn giúp các thầy cô giáo vượt qua mọi khó khăn, vững tay chèo. Trước thực tế chương trình hiện nay còn nặng nề về kiến thức, nhiều đòi hỏi, yêu cầu học sinh phải vận dụng tư duy và sáng tạo cá nhân, thầy Nhân cho biết, cái quý nhất của người thầy không phải dạy học sinh bao nhiêu kiến thức mà là rèn cho các em tinh thần tự học và sáng tạo, bởi chỉ khi biết tư duy đúng cách thì kiến thức mới thật sự là của các em.
Danh sách giáo viên bậc THPT được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các thầy cô giáo: Trần Mỹ Liêm, Tổ trưởng chuyên môn Sinh, Trường THPT Nguyễn Khuyến; Hàng Thị Hiền, Tổ trưởng tổ Lịch sử - Giáo dục quốc phòng, Trường THPT Trần Văn Giàu; Nguyễn Hồng Thơ, giáo viên Trường THPT Trung Phú và Võ Huỳnh Long, giáo viên Trường THPT An Nhơn Tây.
|
Với cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, dù tuổi đời lớn nhất trong các đồng nghiệp ở tổ Ngữ văn nhưng cô Oanh là người tiên phong trong mọi hoạt động đổi mới. Cô cho biết, giáo viên trong bối cảnh giáo dục mở phải biết nhạy bén, kịp thời nắm bắt những thay đổi của chương trình và phương pháp dạy học. Bản thân cô từng trải qua nhiều vị trí như trợ lý thanh niên, chủ tịch công đoàn, thư ký hội đồng sư phạm, dù ở vai trò nào cô cũng luôn nỗ lực hết mình, trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo.
MINH QUÂN - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)