Trong hành trình 17 năm ấy, dấu mốc quan trọng nhất với anh Đào Xuân Q. là ca ghép tế bào gốc tự thân vào năm 2009.
Đặc biệt hơn, đó là một trong những ca ghép đầu tiên với bệnh u lympho (ung thư hạch) tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Đào Xuân Q. đã trải qua 17 năm sống chung với bệnh ung thư hạch. Ảnh: Bệnh viên cung cấp
Hành trình 17 năm "chiến đấu" với ung thư
Khi ấy, Q. đã trải qua 2 năm điều trị kéo dài từ 2007 - 2009 với rất nhiều khó khăn. Thời gian đầu, Q. không đáp ứng với phác đồ điều trị và không lui bệnh sau 6 đợt truyền hóa chất.
Đã có lần anh tưởng như không qua khỏi vì bị vỡ động mạch chủ và mất rất nhiều máu. Các y bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương gần như “lao vào cấp cứu” để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.
Việc được ghép tế bào gốc tự thân đã mở ra hy vọng cho Q., giúp chàng trai trẻ lui bệnh trong khoảng thời gian đủ dài để cân bằng lại tinh thần, cuộc sống và có niềm tin rằng "bệnh ung thư không quá đáng sợ đến như thế”.
Trở về sau ca ghép, Đào Xuân Q. lại càng cố gắng học tập vì không muốn học chậm hơn các bạn. Trong cùng 1 năm, Q. học song song cả lớp 10 và 11. Dù phải học bù rất nhiều nhưng anh vẫn luôn là học sinh xuất sắc và thi đỗ Học viện Hành chính Quốc gia.
Bệnh nhân Đào Xuân Q. tại thời điểm điều trị bệnh
Lúc này, sức khoẻ của anh ngày càng tốt hơn, anh quyết tâm theo đuổi lĩnh vực marketing để khẳng định bản thân. Đến năm 2020, Q. xin nghỉ việc và cùng bạn bè thành lập công ty riêng về công nghệ.
Hiện tại, công ty ngày càng mở rộng hơn với 200 nhân sự, 2 văn phòng ở Hà Nội và TP HCM.
Trải qua 17 năm chung sống với bệnh u lympho, cậu bé Đào Xuân Q. ngày nào giờ đã trở thành một người đàn ông thành đạt, có gia đình và sự nghiệp. Anh lập gia đình với người bạn cùng bàn thời trung học và có một cô con gái xinh xắn.
Anh còn dành thời gian cho đam mê xe phân khối lớn và luyện tập thể thao. Mỗi ngày anh vẫn chạy bộ 5 km để rèn luyện sức khỏe.
“Tôi luôn coi mình là người khoẻ mạnh bình thường và phấn đấu để trở thành người tốt hơn. Chúng ta hãy luôn tin tưởng vào sự phát triển của y học, càng ngày càng có nhiều phương pháp điều trị mới đem đến cơ hội cho người bệnh”- Q. chia sẻ.
Câu chuyện về bệnh nhân Đào Xuân Q. đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực và niềm tin cho những "chiến binh" ung thư có mặt tại chương trình "Câu chuyện mùa xuân" diễn ra chiều 1-2 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Rất đông bệnh nhân tham dự chương trình để nghe chính người bệnh chia sẻ về hành trình vượt qua bệnh ung thư
Cũng tại chương trình này, chàng sinh viên năm 2 Bùi Tiến M. đã kể câu chuyện bản thân mắc ung thư máu cách đây 6 năm và hiện đã khoẻ mạnh, để truyền cảm hứng và tinh thần lạc quan cho những bệnh nhân ung thư đang điều trị.
"Ung thư không phải là dấu chấm hết. Dù thấy khó khăn, vất vả trong quá trình điều trị, mọi người hãy cố gắng vượt qua, rồi chúng ta sẽ được đền đáp"- M. động viên.
Hay có những bệnh nhân như chị Phượng N. (Hà Nội) chia sẻ rằng đến nay, nhiều lúc không còn nhớ mình là bệnh nhân ung thư.
Người bệnh được tiếp thêm nghị lực từ những câu chuyện của chính bệnh nhân ung thư
"Rồi tất cả những đau đớn, khó khăn đó cũng qua đi. Tôi tập yoga, học thiền, đọc sách... khi rảnh rỗi. Tôi muốn nhắn nhủ mọi người, hãy cố gắng bình tâm, không đau buồn, lo lắng, lạc quan, vững niềm tin sẽ giúp chúng ta vượt qua bệnh tật"- chị N. nói.
Hơn 1.000 ca mắc mới ung thư máu mỗi năm
Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn quốc, năm 2020, Việt Nam có gần 6.300 ca mắc mới ung thư máu. Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mỗi năm phát hiện khoảng 1.500 ca mắc mới gồm cả trẻ em và người lớn.
Nhân viên bệnh viện tặng ấn phẩm "Câu chuyện mùa xuân" cho người bệnh
Theo bác sĩ Bình, với nhiều người, bệnh ung thư gây ra sự sợ hãi, đau buồn, kiệt quệ sức lực và sự lo sợ về cái chết. Nhưng ngày nay, thế giới và ngay tại Việt Nam cũng đã và đang áp dụng những phác đồ điều trị, những loại thuốc chữa trị ung thư thực sự hiệu quả.
Tại chương trình "Câu chuyện mùa xuân", những người thực, việc thực, là các "chiến binh" vượt qua ung thư máu, họ chia sẻ câu chuyện của mình để truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan cho những người bệnh đang điều trị.
"Chúng tôi mong muốn gửi tới người bệnh/người nhà người bệnh và cộng đồng một thông điệp mang năng lượng tích cực. Bởi ung thư không phải kết thúc, đó chỉ là khởi đầu của một hành trình sống mới với những trải nghiệm mới. Dù có niềm đau, nỗi buồn nhưng vẫn còn đó niềm tin và những ân tình"- bác sĩ Bình chia sẻ.