Năm học 2019-2020 được coi là "nước rút" để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp 1 sau một năm nữa. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành đang thiếu nghiêm trọng giáo viên (GV) mầm non, phổ thông theo định biên.
Giáo viên tìm đâu ra!
Trước tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã cùng Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh (HS) và 5 tỉnh Tây Nguyên (bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên). Tuy nhiên, danh sách các địa phương thiếu GV đến con số ngàn vẫn còn rất nhiều. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, Sơn La thiếu 3.355 GV, Thái Bình: 3.167, Gia Lai: 2.572, Thanh Hóa: 2.877, Bình Dương: 2.811, Kiên Giang: 1.008, TP HCM: 1.290…
Huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hiện thiếu hơn 130 giáo viên, có trường thiếu đến 41 giáo viên Ảnh: HOÀNG TUẤN
Tại tỉnh Quảng Nam, theo ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, năm nay, toàn huyện sẽ thiếu 43 GV nhưng chưa biết giải quyết thế nào khi tỉnh không cho hợp đồng. Tại huyện Đông Giang, năm học 2018 - 2019, huyện bị cắt giảm 51 chỉ tiêu biên chế. Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết các địa phương hiện gặp khó khăn khi phải thực hiện tinh giản đội ngũ vừa bảo đảm yêu cầu giảng dạy. Không chỉ miền núi, các địa phương đồng bằng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo ông Bùi Tấn Nhã (Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ), TP này đã tiếp nhận 11 GV tiểu học từ các địa phương khác nhưng so với yêu cầu của năm học mới 2019 - 2020, vẫn còn thiếu 11 GV tiểu học và 2 GV THCS...
Thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết hiện toàn tỉnh thiếu trên 200 GV, nhất là hệ mầm non, tiểu học. "Nguyên nhân do các GV diện hợp đồng đã cho thôi dạy vào cuối năm học 2018-2019 nhưng tuyển mới lại không kịp. Hiện tỉnh đang tổ chức thi tuyển 845 GV từ bậc mầm non đến bậc THPT nhưng phải đến cuối tháng 9, việc thi tuyển mới xong" - đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, hiện ngành giáo dục tỉnh này thiếu hơn 800 GV nhưng UBND tỉnh chỉ đạo không được ký hợp đồng. Riêng tại huyện đảo Phú Quốc thiếu hơn 130 GV, có trường thiếu đến 41 GV. Theo bà Giang, tình trạng này đã xảy ra suốt từ năm 2015 đến nay, có năm thiếu hơn 1.000 GV. Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cũng đã đăng thông tin tuyển dụng hơn 500 GV các bậc học, trong đó mầm non hơn 300 GV. "Để bảo đảm yêu cầu giảng dạy, chúng tôi điều động nhân sự từ nơi thừa đến nơi thiếu. Khó nhất là ở bậc mầm non, chỉ còn cách tuyển thêm nhưng cũng không dễ" - bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, nói.
Tình trạng thiếu hụt GV các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật - các môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới - cũng đang thách thức ngành giáo dục. Bà Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho hay hiện cả nước thiếu khoảng 2.000 GV âm nhạc và trên 2.000 GV mỹ thuật cho bậc tiểu học.
Áp lực thiếu trường lớp
Bên cạnh nỗi lo thiếu GV, các địa phương cũng đang ráo riết hoàn thiện cơ sở vật chất, sửa chữa các phòng học chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học 2019-2020.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết chuẩn bị cho năm học mới, Hà Nội đã dành trên 5.000 tỉ đồng xây dựng 70 trường học mới và sửa chữa 387 trường. Tuy nhiên, vì dân số cơ học tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp tiếp tục xây mới đã gây ra tình trạng thiếu trường, lớp học, đặc biệt là ở các quận như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông.
Tại TP Đà Nẵng, theo ghi nhận tại các trường tiểu học Tây Hồ, Sào Nam, Phù Đổng, Trần Cao Vân…, công tác xây dựng, sửa sang đang trong giai đoạn nước rút song khung cảnh vẫn còn ngổn ngang, xem ra khó có thể kịp hoàn thành trước thềm khai giảng năm học mới. Năm 2019, TP triển khai xây dựng 39 trường học mới với kinh phí 461,12 tỉ đồng nhưng đến nay, một số công trình trên địa bàn các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hải Châu, Thanh Khê vẫn chưa hoàn thiện. Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết các nhà thầu cam kết một số công trình chưa hoàn thiện sẽ hoàn thành theo tiến độ trước ngày 31-12.
Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp nặng, nhất là một số vùng của 2 huyện Thăng Bình, Quế Sơn. Với trường THPT, dù đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nhưng hiện nay một số trường triển khai khá chậm. Chẳng hạn, Trường THPT Trần Quý Cáp (TP Hội An) năm học này phải thuê 6 phòng của Trường Cao đẳng Điện lực Miền Trung để dạy. Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhờ được đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, tình trạng thiếu trường lớp trong năm học mới được khắc phục. Ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết năm học 2019 - 2020, UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho ngành 420 tỉ đồng. Trong đó, trên 329 tỉ đồng chống xuống cấp, cải tạo trường, lớp; số còn lại dành để mua sắm trang thiết bị. Tại tỉnh An Giang, ngành giáo dục tỉnh này cũng đã chi hơn 35 tỉ đồng để tu bổ cơ sở vật chất, sửa chữa một số hạng mục công trình, mua sắm bàn ghế cho các trường. Trong số này, bổ sung cơ sở vật chất cho 2 trường chuyên từ nguồn vốn tài trợ với tổng số tiền 25 tỉ đồng.
Theo ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) nếu áp dụng dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 thì sẽ đủ phòng học đến năm 2020 vì thời điểm này, từ lớp 2 đến lớp 5 vẫn học 1 buổi/ngày. Tuy nhiên, việc thiếu phòng học sẽ thực sự khó khăn sau năm 2020, khi các khối lớp cũng sẽ học 2 buổi/ngày.
TP HCM: Xây thêm 1.200 phòng học vẫn không ăn thua
TP HCM vẫn quá tải trường lớp 2 buổi/ngày; nhiều trường học sĩ số lên đến 40-50 HS/lớp.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2019-2020, toàn TP tăng 75.434 HS. Trong đó, bậc mầm non tăng 7.293 HS, tiểu học tăng 21.711 HS, THCS tăng 26.435 HS, THPT tăng 19.995 HS. Áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), HS học 2 buổi/ngày giảm. Việc gia tăng số HS nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, GV, nhân viên và tăng biên chế. Hiện địa bàn nhiều quận, huyện có nhiều trường có quy mô trên 40-50 HS/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy. Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, những năm gần đây, trung bình mỗi năm TP xây thêm 1.200 - 1.500 phòng học mới nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với số HS tăng cao hằng năm.
Đ.Trinh