Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nguyễn Xuân Thành, việc thực hiện một chương trình, nhiều SGK giúp giáo viên bám sát chương trình, đánh giá chất lượng dạy học căn cứ vào chương trình, SGK chỉ là chất liệu để thực hiện các yêu cầu cần đạt trong dạy và học. Ngoài SGK được chọn chính thức, giáo viên có thể tham khảo các bộ SGK đã được phê duyệt và những tài liệu khác. Giáo viên lên lớp không chỉ với một cuốn SGK mà có thể có một hệ thống các học liệu hỗ trợ. Do đó, ngoài SGK, sách giáo viên cũng có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên thực hiện yêu cầu của các bài học nhằm đạt các mục tiêu của chương trình.
Năm bộ SGK được Bộ GD và ĐT phê duyệt để sử dụng trong chương trình GDPT mới đều thiết kế bảo đảm yêu cầu chương trình đề ra, nhất là hỗ trợ giáo viên thiết kế bài giảng, dạy học hiệu quả. Phó trưởng ban biên soạn bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội) PGS,TS Phan Doãn Thoại cho biết: Khi biên soạn, tiêu chí của bộ sách bảo đảm dễ hiểu, dễ làm, nhất là có tính mở để giáo viên tùy theo điều kiện, đặc thù vùng miền có thể sáng tạo, áp dụng cho phù hợp. Mức độ tiếp cận kiến thức trong SGK cũng bảo đảm hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu của chương trình, vừa phù hợp sức học của phần lớn học sinh ở tất cả các vùng miền.
Đáng chú ý, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, để giáo viên áp dụng chương trình mới hiệu quả cần “nhúng” SGK trong sách giáo viên. Đó là SGK thiết kế các hoạt động học của học sinh, còn sách giáo viên tập trung hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động học đó.
Vì vậy, sách giáo viên thiết kế cấu trúc “hai trong một”. Cụ thể, một phần nội dung hoạt động học ở mỗi bài trong SGK được thu nhỏ; phần còn lại dành để hướng dẫn tổ chức các hoạt động khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng. Cách “nhúng” như vậy sẽ giúp giáo viên dễ đối chiếu, nhìn nhận từ bài học trong SGK để xem hướng dẫn các bước triển khai. Sách giáo viên chỉ rõ mục đích, các bước tiến hành và kết quả đạt được của học sinh với mỗi hoạt động. Ngoài các môn học thông thường, chương trình mới còn có hoạt động giáo dục trải nghiệm. Vì vậy, để giáo viên xây dựng bài giảng hiệu quả, mỗi chủ đề bài học được thiết kế tương ứng với các hoạt động trong SGK chỉ mang tính gợi ý.
Tùy theo điều kiện, đặc điểm vùng miền, giáo viên có thể lựa chọn các bài tập, hoạt động, giao các nhiệm vụ khác nhau cho học sinh chứ không phải tuân thủ máy móc theo từng bước của SGK. PGS, TS Nguyễn Thị Hạnh, chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” cho biết, khi hướng dẫn giáo viên tổ chức một hoạt động, sách sẽ mô tả rõ hoạt động đó thế nào; từng bước cụ thể để giáo viên triển khai cho học sinh; gợi ý cho giáo viên tổ chức hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm. Tuy nhiên, đó chỉ là hướng dẫn, gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện đúng mà có thể linh hoạt áp dụng giúp cho bài giảng hiệu quả hơn.
Cô giáo Trần Thị Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng, Lào Cai) cho biết, khi tiếp cận chương trình GDPT mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, dễ gây lo lắng cho giáo viên. Bởi vai trò của giáo viên không chỉ là truyền thụ kiến thức một chiều như trước đây mà cần nắm được các bước triển khai, cách tổ chức hoạt động giáo dục đa dạng và linh hoạt.
Tuy nhiên, khi các thầy giáo, cô giáo trong trường tiếp cận thử nghiệm SGK mới yên tâm hơn vì quá trình dạy học đã có thể dễ dàng hình dung được các bước phải thực hiện mà không cảm thấy bị gò bó, cứng nhắc. Giáo viên được chủ động, linh hoạt thực hiện theo các bước gợi ý của sách. Mặc dù vậy, để giáo viên dạy học theo chương trình mới một cách nhuần nhuyễn thì không chỉ dựa vào SGK để thiết kế bài giảng mà cần có hệ thống các tài liệu tham khảo đa dạng.
Theo PGS, TS Phan Doãn Thoại, quá trình triển khai, đơn vị biên soạn không chỉ đơn thuần làm SGK mà còn xây dựng nhiều tài liệu bổ trợ. Thí dụ quá trình biên soạn bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” đơn vị đã xây dựng, cung cấp miễn phí học liệu điện tử cho người sử dụng sách; xây dựng hệ thống phần mềm kèm theo học liệu điện tử giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập. Hệ thống học liệu điện tử sẽ bổ sung nhiều chất liệu, bám sát theo nội dung SGK, nhất là những nội dung mà khuôn khổ sách và phương tiện giấy như trước đây không truyền tải được.
Chương trình GDPT mới theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đòi hỏi giáo viên cần có thêm nhiều kỹ năng, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục khác nhau. Vì vậy, để đội ngũ giáo viên áp dụng hiệu quả các hoạt động dạy học theo chương trình GDPT mới thì ngoài SGK cần có thêm các tài liệu, các hoạt động hỗ trợ khác để thiết kế bài giảng.