Thứ sáu, 08/05/2020,09:01 (GMT+7)
Gỡ khó xuất khẩu cá tra
Đã nhiều tháng qua, giá cá tra ở vùng ĐBSCL dao động mức thấp chỉ 18.000-19.000 đồng/kg, khiến hàng loạt hộ nuôi thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng gặp khó do ảnh hưởng dịch Covid-19.
 
Thu hoạch cá tra ở An Giang
Thu hoạch cá tra ở An Giang
 
Trước những trở ngại trên, chiều 7-5, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra trong bối cảnh hiện nay.
 
Xuất khẩu giảm mạnh
 
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhìn nhận, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành hàng, trong đó cá tra cũng không ngoại lệ. Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2020, diện tích thả nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt gần 3.907ha (bằng 95,43% so với cùng kỳ 2019); sản lượng ước đạt 322.364 tấn (bằng 88,15% so với cùng kỳ năm 2019); giá cá tra thương phẩm hiện chỉ còn khoảng 18.000-19.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành. Đối với xuất khẩu, tính đến hết tháng 3-2020, các doanh nghiệp chỉ xuất đạt 334 triệu USD, giảm tới 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. 
 
Theo Tổng cục Thủy sản, nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%... Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào những thị trường này gặp khó khăn; từ đó tác động tới giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm xuống mức thấp. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, lo lắng: “Giá cá tra nguyên liệu đã sụt giảm từ giữa năm 2019 kéo dài đến hôm nay, khiến người nuôi lỗ 3.000 - 5.000 đồng/kg; vì vậy có rất nhiều hộ đã “treo ao” bởi không còn khả năng cầm cự. Điều đáng lo không kém là tình hình dịch Covid-19 ở nhiều nước còn phức tạp nên việc xuất khẩu ì ạch. Nhiều doanh nghiệp chế biến đang “ôm” lượng lớn cá tra tồn kho mà chưa thể xuất được. Có doanh nghiệp đã đầy kho và không còn nơi chứa cá tra buộc phải cấp tốc xây kho mới, nhưng nguồn vốn thiếu hụt…”. 
 
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Việt, bộc bạch: “Ngành cá tra đang trong giai đoạn khó từ trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì sản xuất nhằm giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân, không để ai nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu thị trường xuất khẩu còn ảm đạm kéo dài thì nhiều doanh nghiệp sẽ đuối sức”. 
 
Dồn sức tháo gỡ thị trường
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chúng ta cần khảo sát đánh giá lại thị trường xuất khẩu hiện nay. Thời gian qua, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%-33% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam, những ngày tới sẽ phục hồi ra sao. Đối với thị trường Mỹ, châu Âu… dịch Covid-19 còn phức tạp, do đó cần có chiến lược đưa sản phẩm vào các thị trường này với sản lượng phù hợp. Ngoài ra, cần đa dạng thị trường tiêu thụ để giảm rủi ro.
 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong tháng 5 và tháng 6-2020, có thể tập trung vào xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc; từ tháng 6, tháng 7 trở đi có thể tiếp cận, khôi phục lại thị trường châu Âu. Đối với thị trường Nhật Bản cũng rất yêu thích sản phẩm cá tra, vấn đề là chúng ta tăng cường chế biến sâu, sản phẩm chất lượng. Đồng thời, sẽ có chương trình đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga trong thời gian tới. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong tháng 6, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam ngồi lại, cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa; chỉ cần nội địa tiêu thụ được 10%-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu.  
 
Các nhà chuyên môn nhìn nhận, dựa trên số liệu các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 5 năm gần đây, dự báo thời gian tới thị trường Trung Quốc, Mỹ và EU vẫn là những thị trường tiêu thụ quan trọng của cá tra Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng giá trị.
 
 
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng, về lâu dài cần có chiến lược phát triển bền vững, bởi hàng chục năm qua, ngành hàng cá tra dù đóng vai trò chiến lược của các tỉnh ĐBSCL trong tăng trưởng kinh tế, nhưng giá cá luôn biến động thất thường, không ổn định. Có lúc giá cá tăng quá cao thì doanh nghiệp khó thu mua, còn khi giá quá thấp sẽ khiến người nuôi lỗ. Vấn đề là cần giải pháp căn cơ để tạo sự ổn định trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra. Ngành chức năng cần có chiến lược dự báo thị trường trong ngắn hạn và dài hạn hợp lý; quy hoạch và quản lý chặt vùng nuôi về diện tích, sản lượng; đầu tư con giống để nâng chất lượng cá tra thương phẩm.
 
 
HUỲNH LỢI - (sggp.org.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu