Thứ bảy, 23/01/2021,07:12 (GMT+7)
Gỡ “nghẽn” giao thông đồng bằng
Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL những năm qua đã có bước chuyển biến tích cực, ngày càng được đầu tư hoàn thiện và đồng bộ. Song vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, tiềm năng của khu vực. Giải quyết bài toán giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, cho biết: Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch để đầu tư hoàn chỉnh tốt hơn hệ thống hạ tầng cho khu vực này…
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 12-1-2021, giảm áp lực giao thông quốc lộ 80, rút ngắn khoảng cách từ Cần Thơ đến Kiên Giang.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 12-1-2021, giảm áp lực giao thông quốc lộ 80, rút ngắn khoảng cách từ Cần Thơ đến Kiên Giang.
 
Niềm vui đầu năm
 
Mới đây, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km, tổng vốn đầu tư là 6.355 tỉ đồng đã chính thức thông xe sau 5 năm xây dựng. Ðiểm đầu của dự án tại Km 02+104.11 thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ; điểm cuối tại Km 53+553 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
 
Ok Quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, có 4 làn xe, vận tốc hiện tại 80 km/giờ và chỉ ô tô được phép lưu thông. Thay vì đi qua quốc lộ 80 với thời gian khoảng 1 giờ 30 phút, giờ rút ngắn còn 50 phút. Ðây không chỉ là tin vui với TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, mà còn là niềm vui chung của rất nhiều người mong chờ con đường mới.
 
Chị Trần Thị Bích Diễm, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, sinh sống ven quốc lộ 80, chia sẻ: “Tuyến quốc lộ 80 nhỏ, hẹp trong khi lưu lượng xe qua lại rất đông đúc, nhất là container khá nhiều. Mỗi lần 2 xe lớn qua mặt, xe gắn máy phải “dạt” vào lề đường, rất nguy hiểm. Có tuyến đường mới dành cho ô tô, container vừa giúp an toàn giao thông, thời gian di chuyển cũng nhanh hơn!”.
 
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phấn khởi: Ðưa vào khai thác tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Nhất là đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thu hút và đón đầu chuyển dịch dòng vốn đầu tư. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, nâng cao mức thụ hưởng hạ tầng và đời sống cho nhân dân Kiên Giang và các địa phương Tây Nam Bộ nói chung.
 
Trước đó, vào đầu tháng 1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km, nối tiếp tuyến cao tốc dài 40km từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Tiền Giang.
 
Ðồng thời, Bộ GTVT đã tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1. Dự án nằm trong tổng thể trục đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ và là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Ðông. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài tuyến khoảng 22,97km, tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công, thời gian thực hiện dự án khoảng 2 năm. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
 
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là dự án trọng điểm của ngành GTVT và sẽ là dự án mẫu mực trong quản lý, giám sát, tổ chức thi công, phòng chống tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Vì vậy, trong công tác lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, Bộ GTVT đã xây dựng các tiêu chí chuẩn mực về năng lực thiết bị, năng lực tài chính, kinh nghiệm tổ chức thi công, nguồn nhân lực tham gia dự án để lựa chọn nhà thầu.
 
Sau khi hoàn thành, kết hợp với tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Qua đó, giảm thời gian lưu thông còn 2 giờ (so với 3-4 giờ như hiện nay) và góp phần giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1.
 
Giải quyết điểm “nghẽn”
 
Giai đoạn 2010-2020, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.757km đường cao tốc và có 6.000km đường quốc lộ. Ðáng chú ý, khu vực ÐBSCL mới có 117km đường cao tốc, chiếm 0,3% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ. Nếu so sánh giữa các vùng, miền trong cả nước thì chiều dài đường cao tốc của ÐBSCL chỉ hơn khu vực Tây Nguyên.
 
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Bộ GTVT xây dựng, định hướng đến năm 2030, khu vực phía Nam, sẽ có gần 1.000km; trong đó giai đoạn 2021-2025 là 670km với tổng mức vốn dự kiến khoảng 104.866 tỉ đồng và giai đoạn 2026-2030 thêm 300km với tổng mức vốn dự kiến khoảng 58.761 tỉ đồng. Trong đó, riêng ÐBSCL có tuyến Cần Thơ - Cà Mau chiều dài 150km, Châu Ðốc (tỉnh An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 64km, Hồng Ngự (tỉnh Ðồng Tháp) - Trà Vinh có chiều dài 30km, Hà Tiên - Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) - Bạc Liêu có chiều dài 100km… Về hệ thống quốc lộ sẽ tập trung nâng cấp mặt đường, tăng cường an toàn giao thông, xử lý các điểm đen.
 
Trong đó, khu vực ÐBSCL ưu tiên đầu tư các tuyến quốc lộ 62, quốc lộ 60, đường Nam sông Hậu, quốc lộ 91C, quốc lộ 54, quốc lộ 61, quốc lộ 61B, tuyến N2… quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2 đến 4 làn xe; một số tuyến có lưu lượng vận tải lớn quy mô cấp III, 4 đến 6 làn xe…
 
Ông Lê Ðỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thuộc Bộ GTVT, chia sẻ: Hạ tầng giao thông ÐBSCL kết nối Tây Nam Bộ, Ðông Nam Bộ đang là điểm nghẽn và điểm nghẽn này sẽ được giải quyết triệt để trong quy hoạch lần này của ngành giao thông. Trong đó, đường bộ tập trung vào 3 trục lớn gồm: trục N2 xuyên tâm vùng ÐBSCL, kết nối từ Củ Chi - Rạch Giá; tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau. Còn lại các trục ngang và hành lang ven biển, các trục này đến giai đoạn 2025-2030 sẽ được xử lý dứt điểm.
 
Trục ngang cơ bản hoàn thiện, hiện tập trung phát triển tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Tịnh Biên - Châu Ðốc và tuyến hành lang ven biển phía Nam từ Hà Tiên (Rạch Giá) xuống Cà Mau, cùng với trục dọc tạo thành ô bàn cờ. Như vậy, đến năm 2030 giải quyết các vấn đề cơ bản về mạng lưới đường bộ và các phương thức khác của ngành giao thông đối với khu vực ÐBSCL...
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong năm 2021, Bộ GTVT sẽ khởi công tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) và cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang - Bến Tre). Đến năm 2023, cao tốc từ TP Hồ Chí Minh về đến TP Cần Thơ sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Bộ GTVT đã chuẩn bị nguồn vốn khoảng 3.000 tỉ đồng nâng cấp mặt đường thảm nhựa bê tông tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đưa vận tốc lên 100 km/giờ, đảm bảo quy chuẩn đường cao tốc. Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các tỉnh, thành ĐBSCL xây dựng kế hoạch trong 5 năm tới cố gắng khởi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến quốc lộ 30, nối TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) - An Hữu (Tiền Giang)…
 
Bài, ảnh: LẠC MẪN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu