Chủ nhật, 28/03/2021,07:33 (GMT+7)
Gỡ vướng, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn
Những năm qua, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của TP Cần Thơ đạt được những kết quả tích cực, mang lại luồng gió mới trong cộng đồng doanh nghiệp thành phố. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp của các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) đang bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cần được sớm tháo gỡ. Tiếp tục mở các khóa đào kiến thức, kỹ năng, hình thành văn hóa, tâm thế KNĐMST; tăng cường liên kết để quảng bá, xây dựng thương hiệu; thương mại hóa sản phẩm; kết nối nhà đầu tư… là những giải pháp được đề xuất thúc đẩy khởi nghiệp của thành phố trong năm 2021.
Nhận diện “điểm nghẽn”
Các startup trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức.
Các startup trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Cần Thơ, cũng như nhiều startup tại các địa phương khác, startup của Cần Thơ đang gặp phải các khó khăn chính. Thứ nhất, hạn chế về vốn, các startup thường được bắt đầu khởi nghiệp bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp. Thứ hai, hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển (phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị phục vụ nghiên cứu). Thứ ba, hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Thứ tư, hạn chế về khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết liên quan đến gia nhập thị trường, bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm…
 
Về phía các đơn vị hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động KNĐMST, bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, nhìn nhận: Mặc dù hoạt động hỗ trợ KNĐMST của thành phố thời gian qua được thực hiện đa dạng và đồng bộ nhưng hệ sinh thái KNĐMST của thành phố còn thiếu sự tham gia của các thành phần then chốt: huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm…
 
Các hoạt động hỗ trợ KNĐMST được tổ chức khá thường xuyên nhưng hoạt động còn riêng lẻ ở từng ngành/lĩnh vực; thiếu đơn vị dẫn dắt nên một số hoạt động hỗ trợ vẫn còn thiếu sự liên kết. Cơ sở vật chất cho hoạt động KNĐMST của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa đồng bộ, nên chưa phát huy tối đa hiệu quả hỗ trợ KNĐMST.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, với lợi thế phát triển nông nghiệp, thời gian qua, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tại ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng thường xoay quanh các lĩnh vực này. Tương ứng, hầu hết các vườn ươm, cơ sở ươm tạo tại Cần Thơ cũng tập trung đầu tư cho các ý tưởng thuộc lĩnh vực chính là nông sản, thủy sản.
 
Điều này sẽ gặp một số bất lợi do đặc thù kinh tế vùng nông nghiệp có yếu tố rủi ro thời vụ cao; sản phẩm đầu ra chưa có nhiều hàm lượng công nghệ cao, đột phá, đổi mới. Về lâu dài, các sản phẩm có khả năng gặp sự cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng trong khu vực ĐBSCL, trong nước, đặc biệt là phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
 
Rèn tâm thế KNĐMST
 
Theo các chuyên gia, TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy KNĐMST. Những năm qua, trên địa bàn thành phố đã dần hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái KNĐMST với 18 viện, trường; 89.000 sinh viên, 15 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…
 
Đồng thời, nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ hoàn toàn có thể làm tốt vai trò kết nối và lan tỏa phong trào KNĐMST: các cuộc thi khởi nghiệp, phiên chợ khởi nghiệp… Tuy nhiên, để thúc đẩy KNĐMST của Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL phát triển rất cần sự liên kết từ các tỉnh, thành trong việc định hướng và hỗ trợ cho startup.
 
Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Qua khảo sát về KNĐMST đối với một số cá nhân, tổ chức (viện, trường, doanh nghiệp, sở ngành…), có 51% số người được hỏi đã biết đến khởi nghiệp, KNĐMST; 36% có mong muốn khởi nghiệp; 60% khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp và du lịch…
 
Như vậy, làn sóng khởi nghiệp đã và đang được các bạn trẻ, doanh nghiệp hưởng ứng khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy, startup chưa chuẩn bị tâm lý để đón nhận thất bại, vấp ngã khi khởi nghiệp. Vì vậy, trong năm 2021, các khóa huấn luyện, đào tạo về KNĐMST tiếp tục được thành phố tổ chức để giúp startup hình thành văn hóa, tâm thế khởi nghiệp.
 
Theo Ths Nguyễn Phan Phương Tần, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, mô hình vườn ươm khởi nghiệp phải có sự liên kết và xuyên suốt từ đầu đến khi hoàn thiện và lưu thông.
 
Thành phố cũng cần nâng cao vai trò của các viện trường trong việc thúc đẩy, giám sát hoặc có thể trở thành nhà đầu tư theo đuổi các ý tưởng khởi nghiệp từ khi nhen nhóm đến khi doanh nghiệp được hình thành và đi vào kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, hoạt động KNĐMST không chỉ cần được startup, đơn vị hỗ trợ, nhà đầu tư nhìn nhận ở góc độ “thất bại là mẹ thành công” mà sản phẩm khởi nghiệp thất bại còn phải được tìm nguyên nhân, cải thiện và trao cho cơ hội để startup vực dậy...
 
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty CP Sản xuất Thương mại Abavina, chia sẻ: Khi khởi nghiệp, startup xác định phải đứng trên đôi chân mình và phải có tầm nhìn xa. Ngay khi bước vào hành trình khởi nghiệp, startup phải thể hiện rõ mục đích và định hướng lâu dài cho doanh nghiệp mình. Đơn cử, khi đặt tên doanh nghiệp phải hướng tới gửi thông điệp gì, đối tượng nào; startup phải chủ động tìm cơ hội và thể hiện mình để thuyết phục nhà đầu tư...
 
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu