Thứ ba, 27/10/2020,08:34 (GMT+7)
Góp ý hoàn thiện chiến lược phát triển thủy sản 10 năm tới
Đa số ý kiến đồng ý quan điểm và mục tiêu phát triển thủy sản Việt Nam trong 10 năm tới. Tuy nhiên, còn ý kiến băn khoăn phát triển thủy sản các địa phương.
 
Bộ NN-PTNT cầu thị để hoàn thiện chiến lược
 
Sáng 26/10, tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 và xây dựng chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết: Dự thảo chiến lược này đang trong quá trình tiếp thu lấy các ý kiến đóng góp và đây là lần thứ 4. Bản dự thảo này gồm 7 phần, trong đó có 3 quan điểm rất cụ thể.
 
Một là, phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn hiệu quả. Hai là, phát triển bền vững trên cơ sở bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Ba là, thu hút nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản với phương thức kết hợp công - tư hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng: Việc xây dựng chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
 
Đây là cơ sở để tái cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đảm bảo hội nhập và theo kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ quốc tế.
 
Theo ông Dũng, hiện nay ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản ĐBSCL luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể như trình độ công nghệ, kỹ thuật hạn chế, cơ sở hạ tầng thủy sản thiếu đồng bộ. Thiếu hụt vốn đầu tư và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. 
 
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
 
Địa phương cần chiến lược tổng thể và cụ thể
 
Đóng góp cho dự thảo triển lược này, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu thì cho rằng: Dự thảo chiến lựợc này về quan điểm, mục tiêu mà đơn vị tư vấn đưa ra chúng tôi đồng tình, nhưng cần phải soạn thảo, khái quát cho sát sườn hơn. Chiến lược lần này xây dựng tương đối chi tiết, nhưng giải pháp chưa rõ nét lắm.
 
Đồng thời, nên bổ sung thêm đề án tín dụng trong phát triển thủy sản và bổ sung thêm đề án quản lý vùng nuôi. Chiến lược hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi tôm làm làm sao cho nó hiệu quả. Cụ thể, đầu tư về cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản chưa có bài toán căn cơ. 
 
Ông Ly cho biết: Nếu tính 5 năm qua ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu tăng trưởng đạt 5,55%. Tuy nhiên, giữa tiềm năng và kết quả đạt được còn chậm. Nhìn được vấn đề này sẽ đưa ra được một chiến lược cụ thể, chặt chẽ hơn với địa phương.
 
Phát triển thủy sản vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Phát triển thủy sản vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
 
Còn theo góp ý của Chi cục Thủy sản Kiên Giang, chiến lược phát triển trong thời gian tới cần quan tâm đến chính sách để chuyển đổi nghề khai thác gần bờ của ngư dân qua nuôi trồng hay làm dịch vụ. Kiên Giang đã có đề án nuôi biển đến năm 2030 đang trình UBND tỉnh phê duyệt.
 
Tỉnh sẽ sắp xếp, cơ cấu lại tàu thuyền và cơ cấu lại vùng khai thác. Tỉnh Kiên Giang sẽ là một trong những vùng trọng điểm để phát triển nuôi biển. Theo đó, Bộ NN-PTNT cần có chiến lược phát triển chung cho các địa phương. 
 
Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng băn khoăn đến vấn đề chuyển đổi tàu cá đánh bắt ven bờ giống như Kiên Giang. Việc tái tạo nguồn lợi thủy sản hiện nay làm tốt nhưng bảo vệ hình như chưa được tốt lắm.
 
Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản nội đồng ở Trà Vinh hiện nay chủ yếu là nuôi tôm càng xanh xen canh lúa nhưng cũng chỉ tiêu thụ nội địa. Nếu có điều kiện xuất khẩu tốt thì người dân sẽ phát triển rất nhanh vì gần như nuôi được quanh năm.
 
Vấn đề này ông Luân cho rằng: "Tới đây sẽ có đề án để phát triển mạnh nuôi tôm càng xanh".
 
Riêng đối với ngành thủy sản An Giang thì đưa ra đề nghị: Cần có đề án phát triển nuôi thủy sản nội địa những con tiềm năng xuất khẩu như lươn, ếch... để các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch.
 
Đồng thời, đánh giá lại việc định hướng nuôi cá rô phi. Trong thời gian tới Tổng cục Thủy sản phải có định hướng phát triển, hiện nay đối tượng này chưa thực sự hiệu quả.
 
Đồng thời, định hướng phát triển nuôi tôm càng xanh, đặc biệt là sản xuất giống tôm càng xanh. Riêng về cá tra, tiếp tục thực hiện đề án phát triển cá tra 3 cấp. An Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong cung cấp giống ca tra giai đoạn 2021-2025.
 
Từ ý kiến này ông Luân cho rằng: "Nuôi thủy sản nội địa hiện nay rất mờ, nên tổ tư vấn cần chú ý đến chiến lược phát triển thủy sản nội địa".
 
Cũng như An Giang, Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang đưa ra đề nghị khi xây dựng chiến lược phát triển nên nghiên cứu đến nhu cầu thị trường. Đồng thời, bổ sung đề án phát triển thủy đặc sản nước ngọt.
 
Hậu Giang là tỉnh nội đồng, hiện nay nuôi lươn đồng đạt hiệu quả kinh tế cao, sản lượng hiện nay đạt gần 1.000 tấn. Vấn đề trăn trở hiện nay là đầu ra sản phẩm vì vậy cần xây dựng chiến lược liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
 
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
 
Phải có được chiến lược bài bản và đi vào cuộc sống
 
Hội nghị đã có những ý kiến đóng góp rất sâu sắc, sát thực cho chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
 
Với tinh thần thực sự cầu tiến, Bộ NN-PTNT rất nghiêm túc tiếp thu để xây dựng chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ.
 
Đến nay, đã cuối tháng 10 rồi, đòi hỏi trong tháng 11 phải xong chiến lược này nên phải rất nỗ lực. Chúng ta phải dành thời gian thỏa đáng mới ra được một chiến lược bài bản và đi vào cuộc sống.
 
NGỌC THẮNG – HOÀNG VŨ - (nongnghiep.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu