4 giờ sáng, tôi bắt đầu hành trình đi tìm... “chợ mây”. Bởi lẽ, cái “chợ mây” ấy họp nhanh mà tan cũng nhanh. Theo lời người dân bản địa, “chợ mây” họp từ khi ánh bình minh chưa ló dạng trên đỉnh núi Cấm. Lúc mây mù vẫn còn giăng phủ dày đặc trên những nhành cây, kẽ lá. 5 giờ 30 phút sáng, xe tôi tới chân núi Cấm, tưởng chừng chuyến đi sẽ thuận lợi, nào ngờ cơn mưa “không hẹn mà gặp” đổ như trút nước kéo đến.
Tôi tấp vào quán nước nhỏ dưới chân núi chờ mưa tạnh. Chị hàng nước dậy từ rất sớm sẵn sàng phục vụ khách tham quan núi Cấm chào mời đôn hậu cũng khá bất ngờ về cơn mưa lạ cuối đông này. Bởi theo chị, mọi năm không có mưa vào thời điểm này. Rồi biết ý định tôi đi “chợ mây”, chị trấn an: "Em yên tâm, nhiều khi thấy mưa ào ào ở dưới này vậy chứ ở trên núi mát lắm, không có hột mưa nào đâu. Ở đây mấy mươi năm rồi, chị rành lắm!".
Rồi chị hàng quán kể về phiên “chợ mây” đặc biệt cho tôi nghe. Theo lời chị, “chợ mây” họp tầm 5 giờ sáng nhưng khoảng 9 giờ là chợ tan. Vì vậy, nếu tham quan núi Cấm từ 9 giờ trở đi sẽ không thấy được “chợ mây”! Câu chuyện về “chợ mây” cứ thế dần hiện lên qua lời kể của chị hàng nước vui tính. Tạm biệt chị, tôi đi “xe ôm” lên núi Cấm. Lúc này, đồng hồ trên tay đã điểm 6 giờ sáng. Tuy nhiên, vì ở miền sơn cước nên cái lạnh và sự mờ ảo của xứ núi làm cho người ta ngỡ chỉ mới hơn 5 giờ. Lúc này mưa đã nhẹ hạt nhiều, như hơi sương sớm mai, lất phất chạm nhẹ vai áo người lên núi.
Khi biết tôi tìm đến "chợ mây", anh Hậu (hành nghề “xe ôm” ở núi Cấm) nhiệt tình: "Trời này mà lên "chợ mây" là "đúng bài" luôn đó. Vừa cảm nhận được cái lạnh của núi Cấm, vừa ngắm mây bay lửng lơ trên đầu, thích lắm. Tầm 3-4 giờ sáng, những người phụ nữ đã kiên nhẫn gánh hàng bằng đường bộ lên “chợ mây” cho kịp phiên chợ. Cũng có chị tiết kiệm thời gian, công sức mà đi "xe ôm" lên đó. Nếu lên giờ này, sẽ thấy "chợ mây" nhộn nhịp lắm!". Cứ thế, phiên "chợ mây" xa lạ dần hiện ra trước mắt tôi qua miêu tả chân chất của bà con xứ núi.
Gót hồng "cõng chợ"… lên mây!
“Cánh cò cõng nắng cõng mưa/ Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương" - những câu thơ da diết ấy bỗng đâu ẩn hiện trong tâm trí tôi khi cái thắng xe của anh Hậu dừng lại ngay quang gánh của cụ bán khoai. "Chợ mây nè em! Giờ này còn sớm, chút có thêm mấy chị gánh hàng lên nữa. Họ đi bộ đường núi, với lại hồi khuya có mưa nên họ lên hơi trễ" - anh Hậu giới thiệu như một hướng dẫn viên du lịch.
Trước mắt tôi là phiên “chợ mây” vừa lạ, vừa quen. Quen vì những gánh hàng bình dị, không khác gì với miền xuôi nhưng lạ thay “chợ mây” này người bán chỉ toàn phụ nữ, đa phần là phụ nữ người dân tộc thiểu số Khmer. Chợ nằm bên cạnh hồ Thủy Liêm, đối diện chùa Phật Lớn, một bên là chùa Vạn Linh, một bên là tượng Phật Di Lặc, xa xa là núi rừng trùng điệp.
Khoảng đất trống nhấp nhô đặc trưng của chốn non cao chừng vài mươi mét trước mặt tôi là nơi các bà, các mẹ, các chị họp chợ mỗi sớm mai. “Chợ mây” nối nhau một hàng dài thẳng tắp mơ hồ như khá xáo trộn nhưng thật ra lại theo một trật tự rất... “chợ mây”. Những quang gánh đầu tiên là các sản vật nhà trồng, nào là su hào, đậu rồng, rau rừng, trái cây (theo mùa) và đồ ăn sáng... Thời điểm tôi có mặt, “chợ mây” hơn 20 người bán. Mọi người ngồi rất trật tự dù không ai bảo ai, dường như đã là cái nếp ở đây. Khoảng giữa là những gánh hàng hoa tươi, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Cuối cùng của “chợ mây” là những gánh hàng thịt cá tươi ngon từ chân núi được gánh lên.
Ở tuổi hơn 60, bà Neáng Nhay (ngụ xã An Hảo, Tịnh Biên) chia sẻ: "Tui bán khoai ở đây hơn 10 năm. Lúc khỏe mạnh thì có thể gánh hàng lên. Chịu khó dậy từ 3-4 giờ sáng, gánh lên đây bán cũng có “đồng ra đồng vô” qua ngày. Giờ cũng có tuổi, lúc lên, tui kêu xe “xe ôm” chở, thành thử ra đồng lời không nhiều như xưa. Được cái, “chợ mây” giúp tui đắp đổi qua ngày được".
Đừng vội cười những gánh hàng quà vặt ở chốn non cao này, vì khách thập phương đã dừng chân mua tấp nập. "Để tranh thủ thời gian, tôi lên núi sớm. Trước là để viếng Phật, sau là tận hưởng không khí mát mẻ trong lành buổi bình minh. Đây là lần đầu tôi nhìn thấy “chợ mây” nên thích lắm. Tôi đã mua được ít khoai lang, vài nắm xôi vò bỏ túi để lót dạ. Đồ ăn bán rẻ và ngon lắm!" - ông Nguyễn Vinh (khách tham quan ở TP. Cần Thơ) vui vẻ chia sẻ.
Cách chừng dăm ba phút lại có thêm một quang gánh của các cô dưới chân núi gánh lên. Đáng quý là, người bán hàng tuy đông nhưng họ ngồi cạnh nhau rất thuận thảo, không có chuyện người trước chiếm chỗ người sau.
Mang thắc mắc hỏi thì cô Phúc (62 tuổi, ngụ xã An Hảo) đang ngồi tư lự với gánh đậu rồng nhà trồng cho hay: "Có gì đâu mà giành, mọi người vất vả, lặn lội từ dưới chân núi lên đây bán chẳng qua là để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho gia đình nên rất yêu thương nhau. Buôn bán chốn non cao này lâu ngày, chúng tôi coi nhau cũng như người thân. Người đến sớm thì tự giác bán gọn trong khu vực của mình, nhường chỗ cho người sau".
Nghe mới thấy xúc động và quý lắm cái tình mà các cô, các chị dành cho nhau. Ở đây, chẳng ai "nói thách", "có sao bán vậy" nên phiên "chợ mây" diễn ra rất ấm cúng, không cò kè "bớt một thêm hai", chỉ đơn giản là "thuận mua vừa bán". Cứ thế, tiếng cười nói, tiếng hỏi thăm nhau, tiếng chào mời, tiếng mua hàng vang dậy một góc núi Cấm.
Vất vả quang gánh giữa non cao!
Dân địa phương có người vẫn quen gọi “chợ mây” là chợ... chạy. Cái tên thoạt nghe có vẻ buồn cười ấy là bao nỗi nhọc nhằn của những đôi "gót hồng" mà có lẽ chỉ khi đặt chân đến “chợ mây” mới hiểu hết được. Đúng như lời anh Hậu, trừ hôm nào mưa bão dữ lắm, “chợ mây” mới không họp, chứ những cơn mưa phùn thoáng qua thì chợ vẫn họp bình thường, có điều sẽ trễ hơn bình thường.
Những người họp “chợ mây” không hề dựng sạp, che mái. Chỉ mỗi quang gánh trên vai, họ tranh thủ họp chợ hơn 1 tiếng là tan. Những quang gánh ấy lại tiếp tục theo chân những "gót hồng" lên các điện thờ, những điểm tham quan hay nhà dân trên núi Cấm để cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân nơi này. "Chị bán quanh năm ở non cao thế này có cực lắm không?" - tôi hỏi.
"Đời quang gánh có bao giờ sung sướng đâu em, nhưng vì mưu sinh quen rồi. Chị bán hàng bông ở “chợ mây” này đã hơn 10 năm. Mỗi ngày dậy từ lúc mặt trời “chưa thức”, tất tả soạn hàng, rồi quang gánh lên xe chở lên tới đây. Vì hàng của chị nhiều và nặng nên không gánh bộ như nhiều cô, dì ở nơi này. Bán ở đây không hết, chị sẽ gánh đi đến tận nhà bà con trên này" - chị Nhung (35 tuổi, ngụ xã An Hảo) có đôi tay rám nắng, sần sùi trả lời tôi.
Chị Hai Na (bán hàng ở “chợ mây”) kể về buổi họp chợ của mình trong nụ cười vẫn còn thoáng vẻ mệt nhọc: "Tôi bán ở "chợ mây" nhiều năm rồi. Thường thì tôi bán hàng theo yêu cầu của bà con, có nghĩa là ai muốn ăn món gì cứ dặn dò, tôi sẽ làm gánh lên. Nhà tôi ở giữa đường lên núi nên quãng đường quang gánh không vất vả nhiều so với mọi người. Tầm 5 giờ sáng là tôi gánh hàng lên, khoảng 6 giờ sáng đến chợ, vừa kịp cho bà con lót dạ sáng sớm". Buổi chợ "trên mây" ấy cứ thế ngày một tấp nập, nhộn nhịp.
Rời “chợ mây” ở chốn non cao, như nhìn thấy sự luyến tiếc của tôi, anh Hậu từ tốn bảo: "Để anh chạy đường này, em sẽ thấy rất nhiều cô đang gánh hàng lên, giờ này chắc họ lên gần tới rồi đó!". Thì ra con đường anh Hậu nói là lối lên núi Cấm mà những người họp “chợ mây” vẫn luôn gánh hàng lên. Độ được hơn 2km, ẩn hiện dưới làn sương mỏng, anh Hậu đã reo lên: "Đây rồi, các chị đang nhóm chợ ở phía trước kìa!". Trước mắt tôi, gần 10 quang gánh của các cô đang ngồi tách bạch bên con đường (đi bộ) nhỏ xuống núi. Người dân ở đấy kéo nhau ra mua thịt, cá, rau, củ, quả cho 3 bữa cơm nhà mình. Có cô gọi đùa rằng, trước khi lên họp “chợ mây” là phải họp ở “chợ chồm hổm” này...
Trong tiếng cười của các cô, tôi cảm nhận được nỗi vất vả rất rõ. Các cô bảo rằng, để tiết kiệm tiền nên không đi xe mà gánh bộ. Đoạn đường đi, mệt lúc nào thì dừng nghỉ lúc ấy. Phiên chợ ở lưng chừng núi này diễn ra rất chớp nhoáng, để kịp cho mọi người lên họp... “chợ mây”. Tôi tranh thủ chụp vài tấm hình rồi chia tay các cô. Anh Hậu chia sẻ thêm, nhiều lúc xuống núi xe không là anh cho các cô bán hàng trên núi quá giang xuống với suy nghĩ chân tình: "Họ nặng nhọc bán bưng đâu lời gì nhiều nên chở xuống núi mình lấy tiền sao đặng". Quý thay chữ "sao đặng" với cái tình mà bà con xứ núi bảo bọc nhau!
Ngoảnh lại nhìn những dáng hình mảnh mai, "gót hồng" thoăn thoắt hướng lên non, tận xế chiều mới xuống núi, về nhà, vị giác tôi bỗng nghe đắng ngắt. "Hoàng hôn cõng vạt sương mù/ Chị tôi cõng cả chiều thu về làng" - những câu thơ "Cõng quê" thoát ẩn, thoát hiện làm khóe mắt tôi như cay cay. "Chợ mây" vẫn ở đó, hàng ngày phục vụ người dân và đằng sau sự độc đáo, thu hút của "chợ mây" là sự tần tảo của những "gót hồng"... cõng chợ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN - (baoangiang.com.vn)