Biểu tình đòi “nâng cấp” Washington D.C thành bang. Ảnh: EPA
Theo luật hiện hành, Đặc khu Columbia chỉ có duy nhất một đại diện tại Hạ viện, song đại diện này chỉ có quyền bỏ phiếu ở các ủy ban chứ không có quyền biểu quyết trong những phiên họp kín của Nghị viện. Nhiều đạo luật liên bang được thông qua mà không cần đại diện của cử tri thủ đô Mỹ. Đa số người dân tại Đặc khu Columbia theo đảng Dân chủ. Nếu trở thành một bang, Đặc khu Columbia sẽ có thể được bầu 2 thượng nghị sĩ, và có khả năng làm thay đổi cán cân quyền lực tại Thượng viện, trong bối cảnh hiện nay đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có 50 thượng nghị sĩ tại cơ quan lập pháp này.
Việc thủ đô Washington thiếu đại diện của mình tại Quốc hội từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đảng Dân chủ ủng hộ tư cách là một bang đối với Đặc khu Columbia trong nhiều thập kỷ qua. Họ hy vọng sẽ tận dụng thế đa số hẹp hiện nay tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ để xúc tiến công nhận một bang mới lần đầu tiên kể từ năm 1959, khi Alaska và Hawaii nối tiếp nhau trở thành các bang của Mỹ. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jan Schakowsky lập luận rằng chế độ tiểu bang sẽ sửa chữa sai lầm kéo dài hàng thế kỷ của “700.000 công dân Mỹ đóng thuế liên bang, những người chiến đấu và chết trong các cuộc chiến tranh, những người phục vụ trong bồi thẩm đoàn của chúng ta nhưng lại chưa có phiếu bầu tại Thượng viện hoặc Hạ viện”.
Trong khi đó, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ trích dự luật và cho rằng đảng Dân chủ muốn có thêm quyền lực. Theo họ, việc Đặc khu trở thành một bang của Mỹ sẽ là vi hiến bởi Hiến pháp Mỹ quy định, một đặc khu liên bang, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, để phục vụ như thủ đô vĩnh viễn của quốc gia.
Đặc khu này được thành lập vào ngày 16-7-1790 với tên chính thức là “District of Columbia”, hay còn gọi là Washington D.C. Thị trưởng Washington D.C, bà Muriel E. Bowser, từng lưu ý rằng bà muốn người dân ở thủ đô có đầy đủ quyền công dân như những người ở các bang khác, ví dụ như bỏ phiếu ở Hạ viện và có 2 thượng nghị sĩ.
Thượng viện thông qua dự luật hạn chế tội ác nhằm vào người Mỹ gốc Á
Thượng viện Mỹ ngày 22-4 đã thông qua dự luật nhằm hạn chế các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á, vốn gia tăng gần đây trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này.
Với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, 94 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19. Theo kế hoạch, Hạ viện sẽ bỏ phiếu đối với dự luật này vào tháng tới.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden ngày 19-3 đã hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật sau khi xảy ra các vụ xả súng ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á.
Theo NBC News, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các cá nhân người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% năm ngoái ở các thành phố lớn, đặc biệt là Los Angeles và New York, những nơi có đông người gốc Á sinh sống.
|
PHẠM NGỌC ÁNH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)