Ngày 13-1, Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận hai bệnh nhi ĐTL (6 tuổi) và ĐBN (3 tuổi, cùng trú tại Ba Vì, Hà Nội) được chuyển đến từ Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy. Trong đó, bé ĐBN đã rơi vào hôn mê, da tái lạnh, gọi, hỏi không có đáp ứng, đã được cấp cứu đặt ống nội khí quản.
Bố của hai bệnh nhi cho biết, ngày 13-1, hai con trai được đưa đến chơi ở nhà bà ngoại tại Yên Lãng, Thanh Sơn, Phú Thọ. Do không có người trông nên hai bé tự chơi và được cho hạt củ đậu luộc để ăn. Vào khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, sau khi đi làm về anh T phát hiện bé ĐBN mệt mỏi, quấy khóc và nôn ra nhiều hạt củ đậu.
Tuy nhiên, do không biết loại hạt này có độc tố rất mạnh nên gia đình chủ quan, không đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế. Đến khoảng 18 giờ, trên đường đưa hai con trở về nhà, anh chị thấy con đột nhiên ngất xỉu, tay chân duỗi, gọi, hỏi không có đáp ứng nên vội đưa trẻ vào cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy.
Sau khi được thực hiện các biện pháp cấp cứu tích cực như đặt ống nội khí quản kết hợp sử dụng các thuốc vận mạch, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Trung tâm Sản Nhi.
Tại Trung tâm Sản Nhi, qua khai thác bệnh sử, căn cứ kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng toan hóa máu nặng kết hợp đối chiếu với dữ liệu trẻ đã ăn hạt củ đậu trước đó và các biểu hiện bệnh khác, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi ĐBN bị ngộ độc hạt củ đậu rất nặng. Bệnh nhi ngay lập tức được chỉ định lọc máu liên tục, sử dụng các thuốc vận mạch liều cao kết hợp với kháng sinh. Sau ba ngày được điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi ĐBN ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, cai được máy thở.
Riêng trường hợp bé ĐTL, sau khi được đưa vào Trung tâm Sản Nhi, bé cũng nôn ra nhiều hạt củ đậu. Tuy nhiên, do được các bác sĩ cấp cứu kịp thời nên tình trạng sức khỏe của bé nhanh chóng ổn định và được xuất viện ngay sau đó.
Quả cây củ đậu (Ảnh: Sưu tầm)
Thông tin về trường hợp ngộ độc tương đối hiếm này, ThS, BS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản Nhi cho biết, ngoài phần củ được dùng làm thực phẩm, phần thân, lá, hoa, quả của cây củ đậu đều có chứa Rotenon – một chất rất độc thường được dùng làm chế phẩm thuốc trừ sâu.
“Khi được hấp thu vào cơ thể, Rotenon gây ức chế hô hấp của tế bào gây tăng sinh lactate nhiễm toan hóa máu, tăng hình thành các gốc ô-xy hóa tự do và gây chết tế bào. Sau khi ăn khoảng 30 phút đến một giờ, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, ý thức lơ mơ. Ở mức độ nặng hơn, Rotenon gây ức chế thần kinh khiến người bệnh rơi vào hôn mê, co giật, ngừng thở, ngừng tim dẫn tới tử vong nhanh chóng”, BS Hưng nói.
Đặc biệt, ngộ độc Rotenon trong hạt củ đậu không có thuốc giải độc đặc hiệu và các triệu chứng có thể tiến triển rất nhanh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong trong thời gian từ 2 – 5 giờ sau khi ăn phải chất độc.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa con đến ngay các cơ sở y tế nếu phát hiện con mình ăn phải các loại quả, hạt lạ mà có các biểu hiện bất thường sau đó để được kiểm soát tình trạng ngộ độc, tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
BS Hưng đặc biệt nhấn mạnh, hầu hết các trường hợp ngộ độc liên quan đến hạt củ đậu chủ yếu là do người dân không hiểu biết nên hái ăn. Tháng 12-2019, Khoa Hồi sức – Tích cực Chống độc tiếp nhận một bệnh nhi 7 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội bị ngộ độc rất nặng do ăn hạt củ đậu nướng.
Tuy nhiên do được đưa đi cấp cứu quá muộn nên bệnh nhi bị tổn thương não nặng và không thể hồi phục. Trước đó vào năm 2014, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng tiếp nhận bốn trường hợp bệnh nhân ngộ độc rất nặng sau khi cùng nhau ăn hạt củ đậu luộc. Trong đó, một bệnh nhân ăn nhiều nhất đã tử vong sau ba ngày điều trị.