Ðó là thông tin từ Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) về chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ kết luận nội dung cuộc họp mới đây bàn về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ÐT.
Việc hoãn, tiếp tục chưa tăng học phí năm học 2023-2024 là nhằm giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học, đồng thời giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.
Quyết định nói trên làm cho nhiều phụ huynh, học sinh thở phào, tạm trút gánh nặng học phí trước mắt, song cũng khiến các cơ sở giáo dục công lập - nhất là hệ thống trường đại học - chịu nhiều áp lực. Bởi cách đây 3 tháng (ngày 10-5), tại cuộc họp với Bộ GD-ÐT, phương án các đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục nghề tăng học phí từ năm học tới, theo lộ trình đã định từ năm 2021, tức theo Nghị định 81, được lãnh đạo Chính phủ đồng ý.
Hiện, khâu tuyển sinh sắp hoàn tất, các trường đại học đã xây dựng xong kế hoạch tài chính cho năm học 2023-2024 theo mức học phí mới. Nay, vào thời điểm khai giảng đã cận kề, lại có chỉ đạo chưa được phép tăng học phí, các trường liền rơi vào thế bị động, lúng túng. Năm ngoái cũng vậy, ngay sau khi tuyển sinh xong, hàng loạt trường tăng học phí theo lộ trình Nghị định 81, nhưng đến cuối năm Chính phủ yêu cầu các trường chưa tăng (nhằm hỗ trợ học sinh - sinh viên sau dịch COVID-19 và lạm phát), các trường đã phải hoàn lại.
Miễn, giảm học phí hoặc không tăng học phí để hỗ trợ các trường hợp yếm thế, khó khăn là chính sách giáo dục nhân văn. Nhưng đó là dành cho người học. Còn đối với người dạy, nói rộng ra là các cơ sở GD-ÐT thì sao? Ba năm qua, sau Nghị định 81, dù đã có sẵn lộ trình tăng song các cơ sở giáo dục công lập phải giữ nguyên mức học phí và dù bị tổn thất nặng nề do đại dịch COVID-19 vẫn "gồng mình" duy trì mọi hoạt động.
Nhiều cơ sở còn đầu tư lớn và đạt kiểm định chuẩn quốc tế. Học phí là nguồn thu chính của các trường. Nếu không dựa vào đây thì nguồn lực ở đâu để đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, giữ chân giáo viên giỏi? Cần biết, chỉ riêng năm ngoái, có tới 9.000 giáo viên bỏ nghề…
Ngân sách chi cho giáo dục không tăng, học phí cũng không tăng thì khó mà đòi hỏi chất lượng GD-ÐT tăng. Ðó là quy luật. Riêng với ngành giáo dục, dù giữ nguyên hay tăng học phí thì vẫn bảo đảm chất lượng đầu ra ở mức cao nhất. Lần này, tiếp tục giữ học phí ổn định để chung tay bảo đảm an sinh xã hội thì các cơ sở giáo dục công lập cũng phải được nhà nước hỗ trợ tương tự cộng đồng doanh nghiệp được hỗ trợ trong và sau dịch COVID-19 như vừa qua - đây là đề xuất hợp lý của Bộ GD-ÐT, cần được lắng nghe.