Thứ sáu, 28/08/2020,09:09 (GMT+7)
Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp đừng thờ ơ
Vì cho lợi nhuận cao nên tình trạng buôn bán kinh doanh hàng giả hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, vẫn còn không ít doanh nghiệp (DN) còn thờ ơ với chính sản phẩm của mình bị xâm phạm.
 
Nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ bị ngành chức năng phát hiện. Trong ảnh: Bột ngọt giả nhãn hiệu.
Nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ bị ngành chức năng phát hiện. Trong ảnh: Bột ngọt giả nhãn hiệu.
 
Ngại tố cáo, sợ ảnh hưởng uy tín
 
Theo đánh giá của ngành chức năng, các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả nhãn hiệu, vi phạm quyền SHTT trong những năm gần đây diễn ra phổ biến hơn, phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn.
 
Theo đó, trên thị trường các sản phẩm càng có uy tín, thương hiệu thì càng dễ bị làm giả, làm nhái. Người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái vì tâm lý thích mua hàng giá rẻ lại ít quan tâm đến chất lượng. Và với sự phát triển của khoa học công nghệ, kỹ thuật làm hàng hóa giả, nhái tinh vi, những sản phẩm nhái, giả giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu làm cho người tiêu dùng “bó tay” trong việc phát hiện ra hàng giả, hàng nhái.
 
Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý nhiều vận chuyển, mua bán hàng hóa vi phạm quyền SHTT, với các mặt hàng như: bột ngọt, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm nón bảo hiểm, dầu gội đầu, bột giặt,... Tuy tính chất một số vụ việc không lớn nhưng cho thấy việc mua bán, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm SHTT vẫn còn diễn ra với đa dạng chủng loại mặt hàng.
 
Đó là chưa kể, hiện nay môi trường Internet đang là nơi tiềm ẩn diễn ra mua bán nhiều sản phẩm gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm SHTT. Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- cho hay: Các sàn thương mại điện tử dễ bị lợi dụng trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém phẩm chất mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý, bởi đối tượng vi phạm khá linh hoạt, còn người tiêu dùng thì chủ quan, nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng lại rất khó kiểm soát.
 
Có thể thấy, sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT trên thị trường đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất chân chính, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, một sự thật đáng lo ngại hiện nay là mặc dù hàng giả, hàng nhái được bày bán khá nhiều trên thị trường, nhưng có không ít DN chưa thực sự quan tâm đến việc này hoặc do e ngại thông tin về hàng giả sẽ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên chấp nhận “sống chung với hàng giả”.
 
Giải thích nguyên nhân “né” tố cáo khi phát hiện bị xâm phạm, một DN cho hay: do thủ tục rườm rà, phức tạp, sợ ảnh hưởng đến uy tín, sợ người tiêu dùng… tẩy chay sản phẩm, “nên im re cho lành”!
 
Chính bởi sự thờ ơ, ngại tố cáo mà đã có không ít DN phải trả giá đắt khi bị đánh cắp kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của mình.
 
Trong khi đó, vẫn có nhiều người tiêu dùng, còn hạn chế về thông tin để phân biệt được hàng giả, hàng nhái với hàng thật; chưa nhận biết được nhãn hiệu hàng hóa có chất lượng tốt. Việc phối hợp giữa DN và cơ quan thực thi lại chưa bài bản, chưa thường xuyên và có kế hoạch cụ thể, trong khi, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe.
 
Cần sự vào cuộc đồng bộ
 
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, cuộc chiến hàng giả, xâm phạm quyền SHTT không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự chủ động hợp tác, tích cực của DN sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội.
 
Trong đó, vai trò tham gia của DN- Chủ sở hữu quyền SHTT là rất quan trọng. Đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các DN trong công tác phối hợp và hợp tác với ngành chức năng. Bởi trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì nhãn hiệu, giá trị nhãn hiệu của DN còn lớn hơn nhiều so với tài sản hữu hình DN hiện có.
 
Do đó, DN không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các ngành chức năng. Khi bị xâm phạm quyền SHTT, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan thực thi để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.
 
Đồng thời, DN cần tích cực nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào việc chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT (như sử dụng tem chống giả công nghệ cao, sử dụng mã hàng hóa để truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị thông minh); phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; có chính sách hỗ trợ, khen thưởng kịp thời cho người tiêu dùng phát hiện, tố cáo các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng.
 
Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra hàng hóa để phát hiện kịp thời những vi phạm.
Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra hàng hóa để phát hiện kịp thời những vi phạm.
 
Về phía của người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT là việc làm rất cần thiết bởi không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình mà còn bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế.
 
 
Trong những năm qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh luôn quan tâm đến công tác thực thi quyền SHTT- chống hàng giả, đặc biệt là đối với các loại hàng hóa xâm phạm quyền đối với kiểu dáng, nhãn hiệu được bảo hộ. Ngoài việc tiếp nhận các đơn yêu cầu xử lý của tổ chức, cá nhân được bảo hộ để xử lý theo thẩm quyền, Cục Quản lý thị trường còn tích cực nắm thông tin, nhu cầu được bảo hộ của các nhà sản xuất chân chính để chủ phối hợp với các ngành chức năng và đại diện pháp luật của các nhà sản xuất, các DN nhằm chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.
 
 THẢO NGUYÊN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu