Thứ bảy, 26/12/2020,16:35 (GMT+7)
Hậu Covid-19, Trung Quốc sớm đứng đầu kinh tế thế giới?
Một viện nghiên cứu cho biết Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn dự đoán 5 năm vì phục hồi sớm sau đại dịch Covid-19.
Trong bản báo cáo thường niên công bố ngày 26-12, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Thương mại (CEBR) nhận định: "Trong một số thời điểm, chủ đề bao trùm của kinh tế toàn cầu là sự cạnh tranh kinh tế và quyền lực mềm giữa Mỹ và Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 và thảm họa kinh tế tương ứng chắc chắn đã nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc".
 
CEBR cho biết "cách xử lý khéo léo trong đại dịch của Trung Quốc" khi sớm phong tỏa nghiêm ngặt và những tác động đến tăng trưởng dài hạn ở phương Tây có nghĩa là hiệu quả kinh tế của Trung Quốc đã phát triển.
 
Dự kiến, Trung Quốc sẽ tăng trưởng kinh tế trung bình 5,7% một năm trong giai đoạn 2021 - 2025 trước khi chậm lại 4,5% một năm từ năm 2026 đến năm 2030. Dù Mỹ có thể phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch vào năm 2021 nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ chậm lại xuống 1,9% một năm từ năm 2022 đến năm 2024 và sau đó là 1,6%.
Hậu Covid-19, Trung Quốc sớm đứng đầu kinh tế thế giới? - Ảnh 1.
Một phụ nữ mua hàng ở quầy đông lạnh tại Bắc Kinh. Ảnh: EPA-EFE
 
Trong khi đó, Nhật Bản vẫn giữ vững vị trí là nước có nền kinh tế lớn thứ 3, tính bằng USD, cho đến khi bị Ấn Độ vượt qua vào đầu những năm 2030 và đẩy Đức từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 5, theo dự báo của CEBR.
 
Vương quốc Anh, hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới theo tính toán của CEBR, sẽ tuột xuống hạng 6 từ năm 2024. Tuy nhiên, cho dù bị tác động từ việc rút khỏi thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU), tổng sản phẩm quốc nội của Anh tính theo USD được dự đoán sẽ cao hơn Pháp 23% vào năm 2035 nhờ sự dẫn đầu của Anh trong nền kinh tế kỹ thuật số đang ngày càng quan trọng. 
 
Theo CEBR, châu Âu chiếm 19% sản lượng trong số 10 nền kinh tế hàng đầu toàn cầu nhưng con số này sẽ giảm còn 12% vào năm 2035 hoặc thấp hơn nếu có sự chia rẽ gay gắt giữa EU và Anh. Ngoài ra, CEBR nhận định ảnh hưởng của đại dịch đối với kinh tế toàn cầu có khả năng được thể hiện bằng mức lạm phát cao hơn chứ không phải tăng trưởng chậm hơn.
 
Bảo Hạnh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu