Thứ năm, 15/12/2022,11:35 (GMT+7)
Hậu nới room, doanh nghiệp trông chờ giảm lãi suất
Nhiều doanh nghiệp thuộc khối sản xuất trong đối tượng được ưu tiên vay khi hệ thống tín dụng nới room rất trông chờ tiếp động thái hạ lãi suất cho vay để dễ tiếp cận vốn.
 
Một tuần sau động thái nới room tín dụng của NHNN (ngày 5/12), tại hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL” diễn ra ở Cần Thơ giữa tuần qua, ông Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật thông tin, năm 2022, Vietcombank dành cho doanh nghiệp hạn mức vốn tăng 20% so với năm 2021 và 4 lần hỗ trợ lãi suất từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay.
 
Mặc dù đã có hỗ trợ lãi suất, song doanh nghiệp vẫn mong tiếp cận vốn dễ hơn để kịp sản xuất theo mùa vụ.
 
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Aria Đồng Tháp cho rằng, hai quý cuối năm, xuất khẩu cá tra gặp khó do cuộc xung đột Nga-Ukraine và việc các quốc gia thi nhau phá giá đồng nội tệ ảnh hưởng xuất khẩu. Vì thế, vị này kiến nghị ngành ngân hàng giữ ổn định mặt bằng tỷ giá và giảm lãi suất cho vay.
 
NHNN thực hiện nới room tín dụng mà không gây ảnh hưởng quá nhiều lên tỷ giá, vẫn đảm bảo khả năng giữ mục tiêu lạm phát đề ra. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)
 
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và thương mại Thuận Phước - nhận định, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nếu lãi suất không hạ thì hiệu quả sản xuất không có, người đi vay sẽ rất cân nhắc.
 
Để gỡ khó lãi suất cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Điều hành Ngân hàng VietinBank cho biết, từ nay đến Tết nguyên đán, nhà băng này dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.
 
Đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (chi nhánh Hậu Giang) cho hay, đơn vị tập trung vào cho vay trồng lúa, cây ăn quả; chế biến xuất khẩu; thức ăn chăn nuôi... lãi suất cho vay hiện giảm 0,5-1% so với các lĩnh vực khác.
 
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) đánh giá, động thái nới room của NHNN cần 1-2 quý để chính sách tiền tệ phản ánh vào tăng trưởng, nhưng xét về góc độ hỗ trợ vốn cho nền kinh tế thì vẫn hiệu quả, giúp doanh nghiệp và cá nhân có được nguồn vốn để trang trải thanh khoản trong thời điểm hiện tại.
 
Theo ông, nếu không hỗ trợ vốn ngay lúc này thì sẽ gây tác động xấu đến nền kinh tế trong các quý sau bởi doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phá sản vì không xoay được dòng vốn.
 
TS. Đào Lê Trang Anh, Giảng viên chuyên ngành Tài chính, Khoa Kinh doanh và quản trị (Đại học RMIT Việt Nam), chung nhận định, không chỉ nới room tín dụng, NHNN cũng nhấn mạnh tập trung cho vay đối với những lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế (nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ...).
 
Đây là định hướng đúng đắn từ Chính phủ do cuối năm là thời điểm giới doanh nghiệp sản xuất đang “khát” vốn để thanh toán công nợ, trả lương thưởng cho nhân viên, nhập nguyên vật liệu chuẩn bị hàng Tết và nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023. 
 
“NHNN lập tức phát tín hiệu bơm thanh khoản sau khi nới room tín dụng để đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn vốn, các tỷ lệ khác an toàn. Với động thái này, độ trễ của chính sách tiền tệ là khá thấp, việc nới room tín dụng sẽ đạt được hiệu quả đáng kể trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khát vốn”, TS. Trang Anh phân tích.
 
Theo Trần Chung/(vietnamnet.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu