Thứ ba, 12/06/2018,09:52 (GMT+7)
Hệ mặt trời mới có tới 3 hành tinh tương tự trái đất
NASA vừa phát hiện 2 hệ mặt trời mới, một trong số đó có 3 hành tinh kích thước tương tự trái đất và rất ấm.

Hai hệ mặt trời này có trung tâm đều là sao lùn đỏ, một loại sao nhỏ và có nhiệt độ thấp hơn nhiều so với mặt trời. Các hành tinh quay quanh chúng có khoảng cách gần hơn khoảng cách giữa mặt trời và quả đất, hứa hẹn một khí hậu ấm áp. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng chúng có thể ấm quá mức cần thiết, nghĩa là quá nóng so với điều kiện phát triển các dạng sự sống tương tự trái đất.

Hệ mặt trời mới có tới 3 hành tinh tương tự trái đất - Ảnh 1.

Hai hệ mặt trời với 5 hành tinh mới vừa được phát hiện - ảnh: NASA

Hệ mặt trời thứ nhất cách chúng ta khoảng 160 triệu năm ánh sáng, có 3 hành tinh khối lượng tương đương 1,4 lần, 0,9 lần và 1,3 lần khối lượng trái đất, với một năm dài tương đương 5,24; 7,78 và 10,1 ngày trên trái đất. Nhiệt độ của ngôi sao lùn trung tâm ước tính là 3.177oC, thấp hơn 1,5 lần so với nhiệt độ của mặt trời.

Hệ mặt trời thứ hai có trung tâm là sao lùn đỏ nhiệt độ 3.526oC, có hai "siêu trái đất" quay xung quanh. Siêu trái đất thứ nhất nặng gấp đôi trái đất của chúng ta, mỗi năm dài 6 ngày trên trái đất. Hành tinh thứ hai nặng gấp 5 lần trái đất và mất 20 ngày để đi hết một vòng quanh sao trung tâm. Xét theo khoảng cách với ngôi sao trung tâm, khả năng tồn tại sự sống trong hệ mặt trời này kém nhiều so với hệ mặt trời đầu tiên.

Các nhà nghiên cứu đang có kế hoạch kiểm tra khí quyển của các hành tinh nói trên. Tuy chúng có thể quá nóng để phát triển các dạng sống đã biết nhưng chúng ta hoàn toàn không biết được trong vũ trụ rộng lớn còn tồn tại những dạng sống nào khác, thích hợp với những điều kiện rất khác hay không. Một phần lý do khiến các nhà khoa học hào hứng tìm hiểu là kích thước tương tự trái đất thường "cộng điểm" cho cơ hội hành tinh đó trở thành miền đất hứa.

Hiện NASA vẫn chưa công bố chính thức hình ảnh 2 hệ mặt trời này.

Các hành tinh trên được phát hiện thông qua kính viễn vọng không gian Kepler của NASA. Vào năm 2009, kính viễn vọng này cũng từng giúp các nhà khoa học quan sát được một hệ mặt trời gần trái đất hơn, đó là hệ mặt trời quay quanh sao lùn đỏ TRAPPIST-1, thuộc chòm sao Aquarius. Hệ mặt trời này chứa 7 hành tinh kích thước tương đương trái đất, 3 trong số đó đã được xác định là nằm trong khu vực phù hợp với sự sống.

Nguồn: A. Thư - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu