Thứ năm, 26/09/2019,11:05 (GMT+7)
Hiện trạng chất thải nhựa trong ngành y tế
Chất thải nhựa (CTN) đang trở thành vấn nạn toàn cầu do đặc tính khó phân hủy, ô nhiễm CTN ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Trong đó, lượng CTN phát sinh trong lĩnh vực y tế là rất lớn. Để chung tay cùng cộng đồng giảm thiểu CTN, ngành y tế đã có chủ trương cụ thể với các giải pháp mang tính hành động.

Khoa Răng hàm mặt, Trung tâm Y tế TP. Bến Tre sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường.  Ảnh: Phan Hân

Khoa Răng hàm mặt, Trung tâm Y tế TP. Bến Tre sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường.  Ảnh: Phan Hân

Đa dạng chất thải nhựa

Trong lĩnh vực y tế, CTN được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: CTN phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; CTN phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất.... Trong đó, đa số CTN là các túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho các mục đích ăn uống, sinh hoạt, phòng và chữa bệnh.

Hiện nay, Sở Y tế chưa tiến hành điều tra, đánh giá tỷ lệ CTN trong chất thải của ngành y tế cũng như chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng CTN phát sinh của ngành hàng năm. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 13 ngàn cơ sở y tế, hàng năm có gần 150 triệu bệnh nhân nội trú và hơn 450 triệu bệnh nhân khám ngoại trú, chưa kể một số lượng lớn cộng đồng người dân dùng các sản phẩm của y tế. Có thể thấy, CTN từ các nguồn trên là rất lớn.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm thiểu CTN trong ngành y tế, lượng chất thải rắn y tế phát sinh từ các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương.

Ông Trần Hồng Hà nêu rõ, môi trường ô nhiễm thì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, 3 - 5% GDP sẽ bị thiệt hại. Nếu các loại CTN này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội… Chính vì vậy, cùng với sự phát triển kinh tế thì càng cần phải bảo vệ môi trường.

Triển khai các giải pháp

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để giảm thiểu CTN trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08 về giảm thiểu CTN trong ngành y tế. Theo đó, yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu CTN từ hoạt động chuyên môn y tế, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh và thân nhân, nhân viên y tế.

Cụ thể, các đơn vị y tế phân loại triệt để CTN, nylon khó phân hủy để thu gom, tái chế. Phấn đấu tiến đến chấm dứt việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần có thể thay thế và nylon khó phân hủy... Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa đựng thuốc, hóa chất bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, hoặc có thể tái chế, tái sử dụng; thực hiện phân loại triệt để rác thải y tế để thu gom, xử lý đúng quy định...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần trong nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng; rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, chủng loại CTN và xây dựng lộ trình giảm thiểu CTN tại đơn vị. Đưa tiêu chí giảm thiểu CTN vào nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị, trong mua sắm trang thiết bị vật tư y tế hạn chế tối đa các sản phẩm nhựa dùng một lần...

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa tiêu chí giảm thiểu CTN là một trong các tiêu chí đánh giá bệnh viện xanh - sạch - đẹp và chất lượng bệnh viện. Cuối năm 2019, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá toàn diện 63 tỉnh thành về đổi mới thái độ, phong cách, hướng tới sự hài lòng người bệnh, kết hợp với đánh giá bệnh viện xanh - sạch - đẹp, trong đó có giảm thải CTN, giảm thiểu sử dụng đồ dùng bằng nhựa dùng một lần.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành và đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế khắp cả nước tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng; phát động thi đua, biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các đơn vị thực hiện tốt.

Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm thiểu CTN trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện các bệnh viện Trung ương; các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã ký cam kết giảm thiểu CTN trong ngành y tế.

 “CTN là vấn đề toàn cầu. Việc giải quyết CTN cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành và cộng đồng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi.

 
T. Đồng - P. Hân - (baodongkhoi.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu