Thứ tư, 04/11/2020,07:15 (GMT+7)
Hiệp định EVFTA và những thách thức đối với doanh nghiệp
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. EVFTA được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho cả Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, tạo động lực cho xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hợp tác thương mại. Tuy nhiên, những ưu đãi từ EVFTA chỉ được xem là yếu tố hỗ trợ, còn để đạt được mục tiêu trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu thì điều kiện tiên quyết vẫn phải là sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp.
EU là thị trường rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để khai thác được thị trường này và tận dụng được những cơ chế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp phải đáp ứng được một số quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo; các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động vật đối với các sản phẩm nông nghiệp... bởi các nước EU rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường.
Bên trong trang trại nuôi tôm của Công ty Cổ phần thủy sản sạch Việt Nam. Ảnh: HẢI HÀ
 
Theo bà Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Hiệp định EVFTA đem lại cho doanh nghiệp cơ hội hội nhập. Để hội nhập vào thị trường này, doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên từ trong chính bản thân. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh đã hội nhập tốt, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của châu Âu, riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó tiếp cận vì hạn chế về nguồn vốn, thương hiệu và năng lực quản trị. Lo lắng nhất của nhiều doanh nghiệp là rào cản kỹ thuật của châu Âu, để đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, doanh nghiệp cần tốn chi phí tương đối cao trong đầu tư. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ sức đáp ứng các yêu cầu này. Tuy nhiên, nói như vậy, không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có cơ hội vì các doanh nghiệp còn tự nâng cao năng lực quản trị, nguồn vốn, truy xuất nguồn gốc và những vấn đề cần thiết khác.
 
Trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19, một số doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu vào thị trường châu Âu tốt như: Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta; Công ty Cổ phần Thủy sản sạch; Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng… Ông Võ Văn Phục - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên nhà máy sản xuất của công ty hoạt động ổn định, việc bán hàng vào thị trường Mỹ rất thuận lợi. Theo ông Phục, hiện nay trang trại nuôi tôm của công ty có diện tích khoảng 150ha, trong đó có 238 ao nuôi tôm được áp dụng theo quy trình công nghệ hiện đại đảm bảo chất lượng và phòng ngừa dịch bệnh. Châu Âu là thị trường chủ lực của tôm Việt Nam nên khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực Việt Nam cũng có một phần lợi thế so với một số nước khác. Tuy nhiên, châu Âu là thị trường khó tính, chẳng những quan tâm nhiều về chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm về môi trường và các vấn đề an sinh xã hội, doanh nghiệp phải có nguồn đầu tư khá lớn để đáp ứng thị trường này. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, nhất là thị trường châu Âu.
 
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức các buổi “Cà phê kết nối” nhằm phổ biến những tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh để các doanh nghiệp nâng cao nhận thức. Từ đó, có chiến lược kinh doanh hiệu quả, phù hợp với xu thế hội nhập. Theo nhận định của bà Mã Thị Thanh, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ mới chú ý thăm dò đến Hiệp định EVFTA nên chưa có đột phá, doanh nghiệp chịu nghiên cứu làm có thể phát triển tốt.
 
Theo thống kê của Sở Công thương, các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh Sóc Trăng đã xuất khẩu trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc... Đây là những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đã rất nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Với mặt hàng thủy sản, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cao để đảm bảo chất lượng, đưa hàng vào thị trường khó tính nhất. Riêng mặt hàng gạo, thị trường xuất khẩu mặt hàng này của tỉnh chủ yếu là Philippines, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Ủy ban Châu Âu (EC) đã công bố hạn ngạch nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được áp dụng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8, trong đó, mặt hàng gạo có hạn ngạch 80.000 tấn/năm, với 20.000 tấn gạo chưa xay xát, gạo xay xát 30.000 tấn và gạo thơm 30.000 tấn.
 
HẢI HÀ - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu