Thứ bảy, 16/01/2021,15:55 (GMT+7)
Hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, là một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang đã góp phần ổn định đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Tập thể, cá nhân đã được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020
 
Tại An Giang, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được xây dựng, phản ánh những cam kết nhằm giảm bất bình đẳng và nâng cao mức sống cho các vùng, miền và người dân. Các chính sách hiện nay được ban hành nhằm nỗ lực thực hiện đầy đủ cho người nghèo, người cận nghèo… các chương trình, chính sách đan xen tạo mạng lưới hỗ trợ rộng khắp. Hầu hết các chính sách, chương trình đã triển khai thực hiện có hiệu quả với sự quan tâm các cấp, ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần ổn định đời sống cho người dân, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thiếu việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và bước đầu chuyển đổi cơ cấu và chất lượng lao động theo hướng tích cực.
 
Theo đó, các dự án thuộc chương trình từ năm 2016-2020 mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, dự án chương trình 135, với tổng vốn đầu tư phát triển là 117 tỷ đồng, gồm: vốn Trung ương phân bổ và 10% vốn đối ứng địa phương đã được bố trí hết cho các địa phương với tổng số hoàn thành trong giai đoạn trên 130 dự án trong tỉnh, tập trung phát triển, hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn vốn sự nghiệp và vốn khác đã thực hiện duy tu, sửa chữa 68 công trình, chủ yếu: sửa, vá đường giao thông nông thôn, cống thoát nước trong phum, sóc. Đã triển khai thực hiện 82 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 1.151 hộ thuộc diện nghèo, trong đó có 447 hộ nghèo là dân tộc thiểu số; triển khai 25 mô hình giảm nghèo, hỗ trợ 807 hộ thuộc diện nghèo; tổ chức 26 lớp tập huấn với 1.897 học viên đăng ký tham gia.
 
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 135, đã tập trung nhân rộng 43 mô hình giảm nghèo tại các huyện, thị xã cho 1.068 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia. Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin hay dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình được triển khai thiết thực, hiệu quả. Theo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 về giảm tỷ lệ hộ nghèo: đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 45.789 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,45%, cuối năm 2020 hộ nghèo còn 10.232 hộ, chiếm tỷ lệ 1,90% đạt và vượt nghị quyết đề ra. Về hộ nghèo người dân tộc thiểu số: đầu năm 2016 có 7.295 hộ, tỷ lệ 27,46%; đến cuối năm 2020 hộ nghèo người dân tộc thiểu số còn 2.452 hộ, chiếm tỷ lệ 8,98%; giảm bình quân 3,7%/ năm. Về hộ cận nghèo dân tộc thiểu số: đầu năm 2016 có 27.876 hộ, chiếm tỷ lệ 5,15%; đến cuối năm 2020 còn 26.655 hộ, chiếm tỷ lệ 4,94%. Về hộ nghèo thuộc chính sách người có công: cuối năm 2016 toàn tỉnh có 253 hộ nghèo thuộc chính sách người có công và đến cuối năm 2020, toàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên thuộc chính sách ưu đãi người có công. Về hộ nghèo tại huyện biên giới (TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn): đầu năm 2016 có 24.067 hộ nghèo, đến cuối năm 2020 còn 5.553 hộ, chiếm tỷ lệ 3,05%/tổng số hộ dân.
 
Để hỗ trợ cho người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, bên cạnh các dự án của chính sách, dự án thực hiện cho người nghèo do Trung ương ban hành, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ cho các đối tượng, như: chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Chăm phát triển kinh tế; chính sách hỗ trợ vùng miền núi, vùng biên giới; chính sách hỗ trợ kinh phí ban đầu cho người nghèo đi lao động ngoài tỉnh… Cùng với đó là sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành, các cấp, đoàn thể và nhân dân đem lại hiệu quả tích cực, kết quả giảm nghèo cao và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc bố trí và sử dụng nguồn lực luôn đảm bảo và phù hợp với nhu cầu và năng lực của từng địa phương, không dàn trải, chia nhỏ. Đồng thời, đối tượng thụ hưởng ý thức được mục tiêu thực hiện của chính sách và có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh một số nhiệm vụ để các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện: tổ chức quán triệt và triển khai sâu rộng cả hệ thống chính trị và nhân dân về công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước; giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Tập trung triển khai thực hiện tốt, hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên và toàn dân hưởng ứng tham gia học nghề, giải quyết việc làm và tham gia các cuộc vận động, xây dựng các phong trào hỗ trợ giảm nghèo bền vững…
 
PHƯƠNG LAN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu